ĐBP - Dân tộc Mông là một trong số 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Dân tộc Mông có nền văn hóa lâu đời, rất đa dạng với nhiều lễ hội dân gian truyền thống như: Gầu tào, Cúng rừng, Cơm mới, Dù su,… Trong các lễ hội dân gian đó, lễ hội Dù su (lễ hội dòng họ) là một nghi lễ quan trọng, không thể thiếu của đời sống văn hóa, tinh thần dân tộc Mông.
Lễ Dù su theo tiếng dân tộc Mông, “Dù” có nghĩa là nhốt, gói chặt; “su” có nghĩa là những điều rủi ro, đen đủi không may mắn. Lễ Dù su được hiểu đơn giản là lễ cúng giải hạn trong năm, nhằm nhốt lại những điều xấu, đen đủi và cầu mong những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với cả dòng họ. Tùy thuộc vào quan niệm về ngày xấu, ngày đẹp của mỗi dòng họ ở địa phương sẽ chọn một ngày nhất định, thông thường lễ Dù su được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm.
Mỗi ngành Mông, mỗi dòng họ khác nhau sẽ có ngày tổ chức, cúng lễ và góp lễ khác nhau; nhà nào có điều kiện thì sẽ đứng ra tổ chức, luân phiên mỗi năm một nhà. Như họ Mùa tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên), cả họ có 200 hộ với 919 nhân khẩu, hàng năm cứ đến ngày 27/7 âm lịch sẽ quy tụ người trong dòng họ về tổ chức lễ Dù su. Với ý nghĩa xua đuổi, chặt đứt những điều không may, vận rủi trong cuộc sống, bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, thần linh đã che chở, phù hộ và cầu xin sự may mắn, thuận lợi đến với cá nhân, gia đình trong dòng họ, đây là dịp cả dòng họ sum họp sau một năm vất vả mưu sinh. Những người trong dòng họ gặp nhau cùng ôn lại truyền thống gia đình đồng thời chia sẻ những khó khăn, thành quả của các cá nhân trong dòng họ sau một năm vất vả lao động. Qua đó tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ giữa các thành viên trong dòng họ, cùng nhau vươn lên, vượt qua những khó khăn trắc trở trong cuộc sống.