Đến với bài thơ hay

Đêm Trường Sơn nhớ Bác

08:09 - Thứ Năm, 01/09/2022 Lượt xem: 11086 In bài viết

Chúng cháu nhìn trăng, nhìn cây

Cảnh về khuya như vẽ…

Bâng khuâng chúng cháu nghĩ

Bác như đã đến nơi này.

 

Đêm Trường Sơn

Chúng cháu nghe tiếng suối

Trong như tiếng hát xa

Chúng cháu ngỡ như từ Pác Bó

Suối về đây ngân nga

Bỗng chúng cháu bồn chồn

Thương nhớ Bác

Rừng khuya đã dậy tiếng gà.

 

Súng trĩu nặng vượt dốc cao ngàn thước

Đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước

Con đường Bác mới đi qua.

                                                     Trường Sơn, 1972

Nguyễn Trung Thu

Vọng lời non nước trên “con đường Bác mới đi qua”

Nhà thơ Nguyễn Trung Thu viết bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” trong một đêm rất khuya năm 1972 trên đường Trường Sơn. Bồi hồi nằm trong căn hầm ngột ngạt và không sao ngủ được, không gian ngoài kia vằng vặc ánh trăng chiếu sáng khắp núi rừng tĩnh lặng. Vầng trăng cũng có linh hồn, trong trẻo và đầy yêu thương. Cảnh vật thơ mộng đến mê hoặc lòng người. Hình ảnh Bác Hồ, vị Cha già kính yêu của dân tộc và bài thơ Cảnh khuya được Người viết trong cuộc kháng chiến chống Pháp bất chợt hiện về, xao động tâm tư, Nguyễn Trung Thu lấy lòng bàn tay mình và ghi trên ấy những dòng thơ đầu tiên trào dâng tha thiết, để rồi sáng hôm sau thì thi phẩm hoàn thành một cách nhẹ nhàng ngỡ như phúc lộc trời cho. Nhạc sĩ Trần Chung đọc được trên báo Nhân Dân, ngay lập tức những nốt nhạc đầu tiên ra đời, hân hoan và đậm chất tráng ca từ đó đến giờ.

Bài thơ hay và xúc động tâm hồn người đọc trước hết là nhờ ở tình cảm chân thành của người viết. Chúng ta đều biết, năm 1972 khi tác giả viết bài thơ này, Bác Hồ đã qua đời ba năm, cả dân tộc Việt Nam đang bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng cam go và khốc liệt. Thế nhưng, xuyên suốt toàn bộ thi phẩm, hình ảnh Bác vẫn hiện về sống động qua những vần thơ tức cảnh sinh tình từ núi rừng Pác Bó năm xưa, đồng thời trong hiện tại, Người vẫn như đồng hành cổ vũ toàn quân, toàn dân vững bước tiến lên, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Chính cảm xúc chân thành và tự nhiên ấy, vô hình trung bài thơ lại tạo nên một tứ thơ thật mới mẻ và dễ làm lay động lòng người: Bác mất rồi nhưng ý chí và tình cảm của Người vẫn vẹn nguyên, vẫn cùng chúng cháu hành quân trong cuộc kháng chiến vĩ đại này.

Bài thơ mở đầu thật khơi gợi qua không gian Trường Sơn vằng vặc ánh trăng vàng. Từ ánh trăng sáng giữa núi rừng hiện tại đã khiến nhà thơ hoài niệm nhớ thương về Bác. Giống như trong cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng năm 1948, nơi Pác Bó hùng vĩ, có lẽ cảnh vật về khuya đêm ấy cũng đẹp “như vẽ” thế này. Quả thật, chính phút giây hiện thực sống động và kỳ diệu ấy, niềm bâng khuâng của người lính Nguyễn Trung Thu thầm nghĩ “Bác đã đến nơi này” là một liên tưởng thú vị, góp phần tạo nên cấu tứ cho toàn bộ bài thơ:

Đêm Trường Sơn

Chúng cháu nhìn trăng, nhìn cây

Cảnh về khuya như vẽ...

Bâng khuâng chúng cháu nghĩ

Bác như đã đến nơi này

 Vậy là không có Bác mà vẫn như thấy Bác, Người cách xa vẫn lồng lộng bóng Người. Cảnh vật từ thơ Bác dội vào tâm tưởng trong đêm hành quân để rồi òa vỡ thành những dòng cảm xúc trào dâng tha thiết. Những câu thơ thật tự nhiên, không tô vẽ nhưng đậm sắc thái trang nghiêm và giàu vẻ đẹp suy tư. Chất thơ tự do ở khổ thơ đầu tràn xuống khổ hai thành nỗi nhớ vọng về từ núi rừng Việt Bắc:

Đêm Trường Sơn

Chúng cháu nghe tiếng suối

Trong như tiếng hát xa

Chúng cháu ngỡ như từ Pác Bó

Suối về đây ngân nga

Bỗng chúng cháu bồn chồn

Thương nhớ Bác

Rừng khuya đã dậy tiếng gà

Không chỉ có vầng trăng mênh mang tỏa sáng, “tiếng suối trong như tiếng hát xa” từ bài thơ Cảnh khuya của Bác cũng hiện về và chảy ngân nga qua mạch cảm xúc của chủ thể trữ tình tác giả. Cảm xúc ấy thật trong trẻo, vẫy gọi tự nhiên và hết sức thiêng liêng qua nỗi nhớ về Người. Tiếng suối từ núi rừng Pác Bó của hai mươi bốn năm trước giờ vẫn về đây giữa Trường Sơn khói lửa. Cảm xúc và hình tượng thơ nhờ thế đẹp lãng mạn và bay bổng. Các từ xưng hô “chúng cháu” được lặp lại nhiều lần vừa thân tình, ấm áp vừa kính cẩn, thiêng liêng. Nhờ đó, tấm lòng nhớ Bác, thương yêu và kính trọng Bác mới da diết làm sao. Hình tượng tiếng gà gáy thức giữa rừng khuya như giục giã gọi bình minh hay đó hay đó là bản hòa âm của đất trời, tạo vật để nâng tứ thơ lên một tầm triết lí sâu sắc về lẽ sống, về khát vọng hòa bình và chiến thắng tất yếu trong công cuộc kháng chiến cứu quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Đến ba dòng thơ cuối bài, nhịp thơ được trải dài cùng với số tiếng tăng lên nhiều hơn như thể cả đoàn quân đang nối dài vô tận; khắc họa hình ảnh những người lính trẻ vượt dốc, trèo đèo băng băng tiến về phía trước. Năm thanh trắc đi liền nhau trong câu thơ “súng trĩu nặng vượt dốc cao ngàn thước” đã góp phần thể hiện tinh thần và ý chí của người chiến sĩ trong hoàn cảnh khó khăn nhất vẫn hiên ngang tiến bước, bởi đã có Bác dẫn đường, đang hành quân cùng chúng cháu. “Con đường Bác mới đi qua” hóa thành ánh sáng của niềm tin mãnh liệt, là hồi còi xung trận và lý tưởng vẫy gọi cho trùng trùng những đoàn quân giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ vững vàng trong bom đạn hiểm nguy, tất cả cùng dồn chân bước:

Súng trĩu nặng vượt dốc cao ngàn thước

Đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước

Con đường Bác mới đi qua.

Bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” nhìn một cách tổng thể thật giản dị về ngôn ngữ, hình ảnh thơ chân thật và hầu như không có bóng dáng của sự trau chuốt kỹ thuật, tưởng chừng đó chỉ là những ghi chép hồn nhiên và đầy xúc động qua nỗi nhớ về Bác của nhà thơ Nguyễn Trung Thu. Song đã vượt lên trên tất cả, thi phẩm neo lại giữa lòng người đọc suốt hơn năm mươi năm qua là nhờ vào cảm xúc chân thành cất lên từ trái tim người lính giữa một đêm Trường Sơn hành quân nhớ Bác. Điều đặc biệt, chính tứ thơ “con đường Bác mới đi qua” đã tạo thành lời giục giã thiết tha và mãnh liệt, trở thành biểu tượng sống động cho khát vọng hòa bình và chiến thắng kẻ thù bằng mọi giá của cả dân tộc Việt Nam “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Chính hình tượng thơ bình dị ấy lại là điểm nhấn độc đáo, hóa thành bản hùng ca vẫy gọi lòng người sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Nhớ Bác và đi theo tiếng gọi của Người cũng chính là tiếng gọi nước non ngàn năm bất diệt.

Lê Thành Văn
Bình luận
Back To Top