Ngày hội ở vùng cao

07:02 - Thứ Bảy, 03/09/2022 Lượt xem: 7781 In bài viết

ĐBP - Hòa chung với không khí rộn ràng của cả nước trong ngày kỷ niệm Quốc khánh 2/9, đồng bào các dân tộc Điện Biên hân hoan, nô nức cùng nhau vui chơi, đoàn kết, hòa mình tận hưởng bầu không khí thiêng liêng, cũng như bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đảng, Bác Hồ kính yêu...

Đồng bào ở các bản vùng cao huyện Nậm Pồ xúng xính trong bộ váy áo truyền thống đi chơi Tết Độc Lập.

Năm nào cũng vậy, gia đình ông Tao Văn Hòa, bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ cứ vào khoảng thời gian cuối tháng 8 hàng năm lại tập trung con cháu, mỗi người một tay cùng nhau lau dọn bàn thờ, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị mâm cỗ tươm tất để đón Tết Độc Lập. Ông Hòa cho biết: “Truyền thống ăn Tết Độc Lập được gia đình chúng tôi duy trì đã nhiều năm nay và nó đã ăn sâu vào máu thịt của từng người dân nơi vùng cao này. Ngày này nhắc nhở chúng tôi cùng con cháu luôn nhớ tới công ơn của Đảng, Nhà nước đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại ấm no hạnh phúc cho mọi người dân. Và nhân dịp này gia đình cũng sum họp để thăm hỏi sức khoẻ, động viên con cháu cố gắng học tập, lao động công tác tốt. Nên con cháu dù ở xa cũng tranh thủ về bên gia đình ngày này.

2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi chỉ theo quy mô gia đình. Năm nay, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, huyện Nậm Pồ tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ nhất năm 2022 vào đúng dịp Tết Độc Lập 2/9. Đây là sự kiện văn hóa nhằm chào mừng Kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Ngày hội còn là dịp quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa đặc sắc và phong tục tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Nậm Pồ đến du khách trong và ngoài tỉnh. Trong 3 ngày, từ ngày 2 - 4/9, có rất nhiều hoạt động như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng, thi ẩm thực, hội thi giã bánh giầy, giới thiệu, quảng bá văn hóa và sản phẩm địa phương, giới thiệu, quảng bá du lịch.. và các hoạt động văn hóa, thể thao trải nghiệm như: Ném pao, đánh cầu lông gà, hát giao duyên, múa khèn, thổi sáo, tù lu, đẩy gậy...  Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ nhất huyện Nậm Pồ mang lại ý nghĩa văn hóa, chính trị sâu sắc, có sức lan tỏa về các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của dân tộc Mông.

Tại xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông những năm qua, bà con rất coi trọng việc tổ chức ăn tết trong ngày Quốc khánh 2/9. Kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), người Mông đã rất trân trọng và coi đó cũng là ngày Tết có nhiều ý nghĩa. Bởi, đó là dịp để các gia đình, dòng họ đoàn tụ con cháu, cùng giao lưu, đoàn kết với các dân tộc khác cũng như thể hiện lòng biết ơn đến Đảng, Bác Hồ kính yêu đã mang lại độc lập, tự do và luôn quan tâm để người dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay. Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, xã vùng cao Tìa Dình lại hào hứng tổ chức sân chơi văn hóa, văn nghệ, thể thao tại trung tâm xã để Nhân dân các dân tộc trên địa bàn cùng nhau tham gia giao lưu, tạo không khí đoàn kết, gắn bó. Bên cạnh các môn thi đấu thể thao: đẩy gậy, cầu lông, kéo co, tù lu, bắn nỏ, giao lưu văn nghệ thu hút nhiều người đến xem, cổ vũ...

Ông Cứ A Lếnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: Trong ngày Tết Độc Lập, nhà nào cũng trang hoàng lại nhà cửa sạch sẽ, treo cờ Tổ quốc. Gia đình nào khá giả hơn sẽ chuẩn bị vài mâm cơm để đón con cháu, anh em bạn bè, người thân nơi xa về, cùng nhau giã bánh giầy, nấu nướng, rồi quây quần bên mâm cơm đoàn viên rất vui vẻ.

Không chỉ ở vùng cao, mà đồng bào các dân tộc khắp các địa phương trong tỉnh trong ngày Quốc khánh cũng gác lại những công việc, xúng xính diện váy áo rực rỡ, vượt đèo dốc, băng rừng nô nức kéo về trung tâm TP. Điện Biên Phủ để vui chơi. Trên những con phố, các ngả đường của lòng chảo Mường Thanh đều nhuộm thắm màu cờ, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng Quốc khánh, hòa cùng sắc màu rực rỡ từ trang phục của bà con, chan hòa trong cái nắng dịu nhẹ đầu Thu... dệt nên bức tranh sinh động.

Tết Độc lập từ lâu đã trở thành ngày hội lớn của non sông. Với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Điện Biên, Tết này càng trở nên trân quý bởi 2 từ “Độc Lập”, người dân có cơm ăn, áo mặc và có thêm động lực để hăng hái thi đua lao động sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng và chung tay xây dựng bản làng ngày càng no ấm.

Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top