Mang văn hóa Việt Nam đến đất nước hoa chăm pa

07:25 - Thứ Năm, 08/09/2022 Lượt xem: 4230 In bài viết

ĐBP - Năm 2020, nữ giảng viên trẻ Hà Thị Kiều Trang được lựa chọn tham gia khóa đào tạo tiếng Lào cho cán bộ, viên chức tỉnh Điện Biên, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa III, tại Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Luông Phra Băng. Sau 5 tháng học trong nước, cô giáo đã cùng đoàn sang đất nước triệu voi học ngôn ngữ. Trước khi quyết định tham gia khóa học, vốn là đoàn viên hoạt động rất sôi nổi các phong trào đoàn của Đoàn trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên, Trang chỉ nghĩ đây sẽ là cơ hội để trải nghiệm nền văn hóa của nước láng giềng thông qua khóa học tiếng Lào. Thật không ngờ, sang bên nước bạn cô đã gặp và nên duyên với chàng trai Khămhou Phommachit, chuyên viên Sở Giáo dục và Thể thao Luông Phra Băng.

Trang kể rằng cầu nối họ chính là ngôn ngữ. Trang mới học tiếng Lào nên gặp rất nhiều khó khăn mà Khămhou Phommachit đã từng là du học sinh học tại Trường Cao đẳng Kinh tế Điện Biên nên khá thạo tiếng Việt. Anh đã giúp đỡ cô tận tình trong những ngày đầu ở Lào. Khămhou Phommachit không chỉ giúp Trang học tốt tiếng Lào mà còn giúp cô tiếp cận với văn hóa của đất nước hoa chăm pa. Vốn là người Thái Điện Biên, nên Trang nhận ra rằng văn hóa Lào và văn hóa Thái có nhiều nét tương đồng. Càng ngày cô càng nhận thấy đất nước Lào thân thuộc như quê hương thứ hai của mình vậy.

Giảng viên Hà Thị Kiều Trang với các em sinh viên Trường Đại học Souphanouvong.

Sau khi kết thúc khóa học, Trang về nước công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, còn Khămhou Phommachit quyết định đăng kí tham gia học tiếp chương trình cao học tại Học viện Tài chính Hà Nội. Họ kết hôn với nhau vào cuối năm 2020 và có một cháu bé xinh xắn mang tên Hà Minh Anh (tên Việt Nam) -  Minhkhoăn Phommachit (tên Lào). Sau đó Trang quyết định tham gia dự tuyển giáo viên dạy tiếng Việt tại Lào theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Hà Thị Kiều Trang là giảng viên người Việt duy nhất dạy tiếng Việt cho sinh viên chuyên ngành Tiếng Việt tại Đại học Souphanouvong (Lào). Sinh viên ở đây thường học theo chương trình 2+1+1 (2 năm học bên Lào, 1 năm học tại Việt Nam, 1 năm quay lại Lào) nên các em rất thích thú với bộ môn này. Tuy nhiên, do có sự khác biệt về bảng chữ cái, cách phát âm khi ghép vần và những âm tiết có thanh điệu nên các em sinh viên Lào cũng gặp không ít khó khăn. Hiểu rõ điều đó nên Trang cố gắng tổ chức những bài học thật sinh động và hấp dẫn để lôi cuốn các em. So với 5 đồng nghiệp người Lào, cô là người Việt Nam nên có sự am hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc. Cô tâm sự: “Dạy ngôn ngữ tức là dạy về văn hóa. Đi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, em thấy văn hóa dân tộc mình thật sâu sắc và tinh tế. Mỗi từ ngữ tiếng Việt hàm chứa cả quan niệm sống, lối ứng xử giữa con người với con người. Thật tuyệt vời!”. Cô đã mang tình yêu văn hóa Việt Nam đến với những sinh viên Lào. Không chỉ dạy tiếng Việt, cô còn đảm nhận dạy về văn hóa và địa lý Việt Nam. Ngoài thời gian lên lớp, Trang tranh thủ nghiên cứu, lựa chọn nội dung và thiết kế bài dạy sao cho vừa phù hợp với các em sinh viên Lào vừa truyền đạt những tinh hoa văn hóa dân tộc đến với các em.

Vốn là một giảng viên chuyên ngành Tin học, Kiều Trang đã dùng kiến thức công nghệ thông tin để hỗ trợ đồng nghiệp và đặc biệt là hỗ trợ sinh viên trong quá trình học. Cô đươc các đồng nghiệp người Lào yêu quý, các em sinh viên kính trọng nên dù xa chồng, sống trên đất nước bạn nhưng lúc nào cũng cảm nhận gần gũi và thân mật như đang sống tại quê nhà. Trong lớp Trang dạy, có một số sinh viên đang là bộ đội đóng quân ở biên giới tiếp giáp với Điện Biên khá lớn tuổi so với các bạn khác nhưng các em luôn nỗ lực học Tiếng Việt. Trang bảo, thật cảm động khi những sinh viên này nói/viết sai, các bạn đã lịch sự xin lỗi cô giáo và cố gắng sửa chữa cho thật chuẩn. Trang thích mặc trang phục của dân tộc Lào lên lớp để tạo sự gần gũi. Vốn tiếng Lào được trang bị từ khóa học đã giúp cô rất nhiều trong quá trình giảng dạy. Những cách biệt về môi trường sống, khí hậu, văn hóa đã dần dần được xóa nhòa. Cô yêu quý sinh viên mình dạy và tâm huyết với công việc mình đã chọn.

Chương trình hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào tạo cơ hôi cho Hà Thị Kiều Trang. Cô không chỉ tìm thấy hạnh phúc gia đình mà còn tìm thấy hạnh phúc trên con đường sự nghiệp nhiều ý nghĩa. Đó là làm cầu nối giữa hai nền văn hóa Việt Nam - Lào. Với Trang, hạnh phúc là được cống hiến đam mê. Trên đất nước Lào xinh đẹp và thân thiện, cô đang mang tinh hoa văn hóa Việt Nam đến với sinh viên Lào. Yêu sắc trắng tinh khôi và hương thơm ngọt ngào quyến rũ của những bông hoa chăm pa, cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết của Việt Nam góp phần làm cho mối quan hệ hai nước Việt Nam - Lào ngày càng gắn bó và thân thiết hơn.

Nguyễn Thị Thu Thủy
Bình luận

Tin khác

Back To Top