Nỗ lực phục vụ công chúng yêu lịch sử, văn hóa truyền thống

07:43 - Thứ Năm, 15/09/2022 Lượt xem: 6008 In bài viết

ĐBP - Mặc dù còn không ít khó khăn nhưng những năm trở lại đây, Bảo tàng tỉnh đang nỗ lực để lan tỏa, quảng bá, tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh nhà. Bằng việc nỗ lực làm mới không gian, cách trưng bày tư liệu, hiện vật, phục vụ tốt hơn để có thể giới thiệu đến công chúng về lịch sử, truyền thống văn hóa của mảnh đất Điện Biên anh hùng...

Học viên tham gia lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống dân tộc Cống tại bản Púng Bon do Bảo tàng tỉnh tổ chức.

Tọa lạc trên con đường Nguyễn Chí Thanh, phố 3, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tính đến hết tháng 6, Bảo tàng tỉnh đang có khoảng 10.270 hiện vật. Với mong muốn được phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu giá trị lịch sử của công chúng, Bảo tàng tỉnh luôn cố gắng đổi mới, bố trí cách trưng bày theo từng phần cụ thể. Phần trưng bày được Bảo tàng tỉnh bố trí với diện tích rộng khoảng 370m2 với hơn 300 tài liệu và hiện vật. Các tài liệu và hiện vật được sắp xếp theo lộ trình tham quan gồm 5 phần: Điện Biên đất và người; Điện Biên theo tiến trình lịch sử; Bản sắc văn hoá các dân tộc tỉnh Điện Biên; Điện Biên thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển; Trưng bày chuyên đề cổ vật. Một số hiện vật trưng bày được đặt trong tủ kính với hệ thống chiếu sáng đảm bảo yêu cầu nhằm làm nổi bật hiện vật, dưới mỗi hiện vật đều có chú thích các thông tin về hiện vật một cách ngắn gọn, xúc tích, làm nổi bật ý đồ của việc trưng bày hiện vật tại bối cảnh đó, không gian đó, để người xem thấy rằng mỗi hiện vật hoặc một nhóm hiện vật là một câu chuyện, là một giai đoạn lịch sử.

Với những hiện vật gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc được trưng bày tại những vị trí dễ nhìn, dễ quan sát và dễ giới thiệu, tuyên truyền cho khách tham quan như: Nhà sàn dân tộc Thái; nhà của đồng bào dân tộc Mông; nhà trình tường của dân tộc Hà Nhì; các đồ dùng vật dụng dùng trong sinh hoạt; phục dựng lễ hội cầu mưa của dân tộc Khơ Mú với những bộ trang phục sặc sỡ, đồ vật trưng bày được thể hiện sinh động. Bảo tàng sử dụng ảnh tư liệu đa dạng trong trưng bày, những bức ảnh tư liệu gốc được sao chụp lại, còn có ảnh tư liệu được khai thác từ các cơ quan lưu trữ, các nhà nhiếp ảnh thực sự là nguồn tư liệu phong phú giúp người xem có cảm nhận đầy đủ hơn về mảnh đất con người Điện Biên. Bảo tàng còn dành một không gian trưng bày ảnh chân dung những đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng nhà nước, những thành tựu của tỉnh trong các lĩnh vực... Trong 6 tháng đầu năm, Bảo tàng tỉnh đã đón gần 1.400 lượt khách tham quan, trong đó có gần 90 khách nước ngoài.

Cùng với việc trưng bày tại chỗ, từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh còn thực hiện 3 cuộc trưng bày lưu động. Như trưng bày triển lãm chuyên đề “Một số lễ hội truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên” tham gia Lễ hội Hoa Ban năm 2022; triển lãm ảnh chuyên đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên” chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam; triển lãm ảnh chuyên đề “Hồ Chí Minh - Con người và sự nghiệp” kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, trong công tác tuyên truyền giáo dục, Bảo tàng tỉnh thực hiện tuyên truyền, giáo dục giới thiệu về Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Trường Mầm non Hua Nguống, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng; thực hiện tuyên truyền, giáo dục giới thiệu cuốn sách “Một số lễ hội truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên” tham gia Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Trường THPT Phan Đình Giót.

Đồng thời, Bảo tàng tỉnh tiếp tục tập trung vào hoạt động kiểm kê tài liệu, hiện vật. Trong 6 tháng đầu năm, các phòng thuộc Bảo tàng tiến hành bàn giao, hoàn thiện thủ tục nhập kho cho 132 hiện vật sưu tầm; trong đó, 115 hiện vật sưu tầm mới và 17 hiện vật hiến tặng năm 2021. Cán bộ, viên chức của đơn vị tiếp tục hoàn thiện hệ thống sổ sách kiểm kê hiện vật bảo tàng: Sổ kiểm kê bước đầu; sổ phân loại hiện vật chất liệu mây tre, giấy, vải, kim loại, đá, gốm sứ, chất liệu khác; sổ theo dõi hiện vật; hoàn thiện số xuất nhập hiện vật đến năm 2022... Ngoài ra, Bảo tàng còn lập hồ sơ pháp lý, đánh số hồ sơ, chụp ảnh cho 600 hiện vật khảo cổ học vùng lòng hồ thủy điện Sơn La tại di chỉ Huổi Le 2.

Một nhiệm vụ quan trọng không kém là việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể. Ngay từ đầu năm, Bảo tàng đã phối hợp với Phòng Văn hoá, Thông tin huyện Nậm Pồ và Phòng Quản lý Di sản Văn hoá phục dựng Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông tại xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ. Hoàn thành khảo sát kiểm kê văn hóa dân tộc Mông, ngành Mông đỏ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hoàn thành khảo sát, khai thác, thu thập thông tin lễ Tra hạt của dân tộc Khơ Mú tại xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo. Nghiên cứu biên soạn cuốn sách “Lễ hội truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên” tập ba...

 Mới đây nhất, Bảo tàng tỉnh tổ chức thành công lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống dân tộc Cống tại bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên. Lớp học đã thu hút 20 học viên nữ và 2 nghệ nhân am hiểu về trang phục truyền thống tình nguyện tham gia học tập và truyền dạy. Được chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị trợ giảng, tài liệu học tập (xây dựng giáo án riêng), nguyên liệu (vải, chỉ, kéo…), các học viên luôn chủ động tiếp thu, lĩnh hội kiến thức và được thực hành các kỹ năng, kỹ thuật trong việc tạo ra các bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Kết quả sau hơn 1 tháng truyền dạy, 28 sản phẩm đã được hoàn thành. Nhưng quan trọng hơn cả là 20 học viên nữ dân tộc Cống đã nắm được những công đoạn chính trong việc làm nên bộ trang phục truyền thống của mình...

Mặc dù vậy, hoạt động của Bảo tàng tỉnh vẫn còn không ít những khó khăn. Nhà trưng bày mặc dù được nâng cấp, sửa chữa nhưng nằm ở vị trí khuất, diện tích chật hẹp, nội dung trưng bày còn chưa phong phú nên số lượng khách tham quan đến Bảo tàng còn hạn chế. Tình hình dịch bệnh trong những tháng đầu năm diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả các hoạt động chuyên môn của đơn vị. Cùng với đó, cán bộ, viên chức được đào tạo đúng chuyên ngành còn ít; một số viên chức còn thiếu tính chủ động, sáng tạo trong công việc phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Đó là những khó khăn, thách thức mà Bảo tàng tỉnh phải tiếp tục nỗ lực vượt qua trong thời gian tới. Đây cũng là động lực, trách nhiệm để Bảo tàng tiếp tục đổi mới và tăng cường các hoạt động có chất lượng với nhiều hình thức đa dạng và sống động để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu lịch sử văn hóa truyền thống của công chúng.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top