ĐBP - Đăng cai và tham gia Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần III, năm 2022 (sau đây gọi là Ngày hội), Điện Biên sẽ mang đến những nét đặc sắc gì? Đó là điều mà nhiều người băn khoăn. Cùng với các hoạt động thể thao và du lịch thì những hoạt động văn hóa là điểm nhấn mà ai cũng mong chờ. Trong đó, Điện Biên đang chuẩn bị tích cực các hoạt động để tạo không gian và trải nghiệm văn hóa dân tộc Lào tỉnh Điện Biên cho du khách trong và ngoài nước.
Những ngày này tại bản Mường Luân, xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) rộn ràng hơn thường ngày. Hàng tối, tại nhà văn hóa bản, tiếng nhạc, tiếng người nói xôn xao. Đó là âm thanh từ buổi tập luyện của 16 nghệ nhân, người dân trong bản được trưng tập tham gia Ngày hội. Được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bảo tàng tỉnh chủ trì) trưng tập các nghệ nhân, nhân dân bản Mường Luân tham gia nhiều hoạt động văn hóa của Ngày hội. Bao gồm: Trình diễn trích đoạn “Lễ mừng cơm mới” của dân tộc Lào, trình diễn nghề thủ công dệt vải dân tộc Lào và giao lưu văn hóa, trò chơi dân gian trong không gian trưng bày, triển lãm của tỉnh nhà.
Chị Lò Thị Sướng, đội trưởng đội nghệ nhân tham gia Ngày hội của bản Mường Luân cho biết:“Bà con vui mừng và vinh dự lắm khi tỉnh chọn bản mình tham gia vào sự kiện lớn như vậy; các cán bộ tỉnh xuống triển khai, đưa nội dung để bà con chuẩn bị. Vì thế ai cũng tích cực và hăng say tập luyện nhiều tuần nay. Đội có 2 nam và 14 nữ, tập các bài múa trước, bao gồm múa khèn, múa trống, lăm vông, nhảy dân vũ Xáo Xiêng Khoảng, và một số trò chơi truyền thống dân tộc Lào. Mỗi bài có độ dài hơn 2 phút. Các tiết mục, trò chơi này đều được bà con thể hiện thường xuyên trong các dịp vui, lễ tết nên chỉ cần ôn lại, sắp xếp đội hình cho đẹp hơn. Còn trích đoạn “Lễ mừng cơm mới” thì năm nào cũng tổ chức, vừa mới diễn ra vào rằm tháng 8 nên thầy cúng hay những người tham gia phụ trợ đều thuần thục, không gặp khó khăn gì. Cả đội đều đã sẵn sàng rồi.
Được biết, dự kiến từ ngày 20/9, Bảo tàng tỉnh trực tiếp xuống địa bàn tổng duyện các nội dung do đội nghệ nhân bản Mường Luân thực hiện. Cuối tháng 9, các nghệ nhân sẽ tập trung tại TP. Điện Biên Phủ để chuẩn bị tham gia Ngày hội diễn ra từ ngày 1 - 3/10. Hoạt động trưng bày, triển lãm cũng đang được Bảo tàng tỉnh tập trung triển khai với chuyên đề “Sắc màu văn hóa, du lịch tỉnh Điện Biên”. Nội dung trưng bày được cân nhắc, xây dựng chỉn chu, qua 4 lần thẩm định (từ tháng 7), gồm 4 phần. Phần 1 là trưng bày triển lãm hình ảnh, tài liệu, hiện vật, ấn phẩm du lịch, đặc sản địa phương. Trong đó có 16 hiện vật mây tre, sản phẩm thủ công các dân tộc Thái, Lào, Mông, Khơ Mú, Xinh Mun, Hà Nhì gắn với quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào; 11 hiện vật là sản phẩm nghề dệt vải truyền thống của dân tộc Lào như khăn, túi, vải thổ cẩm...; 15 bức ảnh phản ánh thành tựu của tỉnh trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng; 15 ảnh giới thiệu mảnh đất Điện Biên giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch lịch sử, sinh thái, văn hóa; 20 loại ấn phẩm du lịch, sản phẩm lưu niệm. Phần 2 là trình diễn và trải nghiệm nghề thủ công truyền thống, do nghệ nhân dân tộc Lào trực tiếp dệt vải gắn với không gian triển lãm và mời du khách trải nghiệm. Phần 3 trình diễn và trải nghiệm lễ hội, trò chơi dân gian và các hoạt động giao lưu văn hóa cộng đồng dân tộc Lào tỉnh Điện Biên với các địa phương, vùng miền trong cả nước. Đây là nội dung hứa hẹn sôi nổi, thu hút sự chú ý, tham gia của du khách. Các nghệ nhân sẽ trình diễn và mời du khách chơi trò chơi dân gian, cùng múa lăm vông và sử dụng nhạc cụ dân tộc Lào. Phần 4 trưng bày 20 ảnh nghệ thuật“Tình đoàn kết hữu nghị Điện Biên (Việt Nam) - Lào”.
Trưng bày triển lãm “Sắc màu văn hóa, du lịch tỉnh Điện Biên” không chỉ góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị truyền thống lâu đời, hợp tác toàn diện giữa 2 nước Việt Nam - Lào mà còn là dịp để giới thiệu, quảng bá tới bạn bè trong nước, quốc tế tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch tỉnh nhà, nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc... Bà Lê Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Các hình ảnh, hiện vật dự kiến được sử dụng đều đã được nghiên cứu, chọn lọc kỹ càng, đảm bảo tính khoa học, chính xác, chân thực, thời sự, phù hợp... và có chất lượng cao về nghệ thuật, nhằm tạo được cảm xúc, ấn tượng mạnh mẽ và có tác dụng tuyên truyền, giáo dục cao đối với nhân dân và du khách. Ngoài ra chúng tôi kết hợp giữa trưng bày tĩnh về hình ảnh, hiện vật với việc mời một số nghệ nhân trình diễn tạo sự sinh động, thêm trải nghiệm và thu hút du khách”. Mọi thứ đã cơ bản sẵn sàng, hứa hẹn tạo nên không gian trưng bày, triển lãm thu hút, không gian văn hóa đặc sắc cho ngày hội lớn.