Tháo gỡ "điểm nghẽn" trong phát triển công nghiệp văn hóa

07:22 - Thứ Ba, 20/09/2022 Lượt xem: 5363 In bài viết

Phát triển công nghiệp văn hóa được xác định là khâu đột phá trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam năm 2030 của Chính phủ. Trong những năm qua, phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ để có thể biến các di sản văn hóa trở thành "sức mạnh mềm", thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước. Ðây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo đánh giá tổng kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: ĐỨC TOÀN)

Sau 5 năm thực hiện, bức tranh về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã có nhiều mảng màu tích cực. Các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu hằng năm hơn 8 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 3 triệu người lao động, mang lại những lợi ích thiết thực về kinh tế-xã hội cho nhiều địa phương.

Công nghiệp văn hóa tạo ra nhiều cơ hội học tập mới cho người lao động, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân nói chung. Nhờ áp dụng công nghệ sản xuất và lao động sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ, các doanh nghiệp phân phối, nhiều di sản văn hóa thật sự đã chuyển thành nguồn sức mạnh xã hội, tạo động lực phát triển trong cộng đồng. Hệ thống các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng. Di sản văn hóa trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào phong phú cho nhiều ngành công nghiệp như âm nhạc, điện ảnh, trò chơi điện tử, từ đó giúp thiết lập lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo và nhận diện thương hiệu cho những ngành này ở thị trường trong nước, cũng như thị trường khu vực và thế giới.

Mặc dù vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa. Nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp về giá trị và vai trò của công nghiệp văn hóa vẫn còn hạn chế. Còn nhiều điểm khó khăn cần tháo gỡ để tạo uy tín, thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Thí dụ, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam chất lượng chưa đồng đều, tính ứng dụng chưa cao, chưa thể hiện hết vẻ đẹp độc đáo, sự sống động của bản sắc văn hóa dân tộc. Những hạn chế này dẫn đến việc chúng ta mất lợi thế cạnh tranh, sản phẩm chưa được người tiêu dùng chú ý, đuối sức trên thị trường quốc tế mà cụ thể là các nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Nhiều sản phẩm thậm chí ngậm ngùi thua ngay trên sân nhà. Khảo sát của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, các sản phẩm điện ảnh Hàn Quốc ở thị trường Việt Nam chiếm tỷ lệ cao đến 64,7%, và âm nhạc là 56,2%.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do chúng ta thiếu hụt nguồn vốn, tính liên kết chuỗi trong các ngành nghề liên quan còn yếu. Các mô hình đầu tư còn vụn vặt, thiếu kiến thức cũng như kỹ năng vận hành phù hợp trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh vấn đề hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều bất cập thì việc đào tạo nhân lực bổ sung cho các ngành công nghiệp văn hóa vốn là khâu then chốt để phát triển cũng đang là rào cản lớn. Nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào quá trình sáng tạo văn hóa nghệ thuật bổ sung hằng năm chưa đáp ứng đòi hỏi khách quan của thực tế. Lo ngại nhất là sự thiếu hụt nhân lực trong các ngành nghệ thuật truyền thống.

Vì thế, sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa 2016-2021 tầm nhìn 2030, đã đến lúc cần có một khảo sát quy mô để đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực, dự báo sự biến động của nguồn nhân lực này trong tương lai để có một kế hoạch bài bản cho công tác đào tạo. Bởi vấn đề con người luôn là nòng cốt, nhất là trong lĩnh vực văn hóa cần nhiều sự sáng tạo.

Ðể tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp văn hóa, Nhà nước cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, trong có các biện pháp trước mắt là ưu tiên về đào tạo nhân lực, mở rộng thị trường thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, phân phối sản phẩm. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển công nghiệp văn hóa là đặc biệt cần thiết, vì các di sản và giá trị văn hóa nằm rải rác ở khắp các vùng miền, tạo nên bản sắc, thương hiệu văn hóa riêng cho mỗi vùng miền.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top