Ngôi trường ở vùng cao

07:19 - Thứ Năm, 22/09/2022 Lượt xem: 6839 In bài viết

ĐBP - Gió thu mát dịu thổi qua khe cửa khu tập thể giáo viên sau trường học. Mùa hạ chầm chậm đi qua để lại trong lòng Hòa bao niềm vui, nỗi buồn, nỗi nhớ đám học trò suốt ngày tíu tít bên cô giáo, cùng nỗi lo lắng không biết sang năm có đứa nào trong số những học trò cũ mà mình dạy sẽ nghỉ học hay không.

Dãy tập thể đã đông hơn lúc hè. Các thầy cô - đồng nghiệp của Hòa vừa trở lại trường sau chuyến về thăm nhà, có người ghé ngang phòng Hòa cho nải chuối, mớ rau hoặc những đặc sản quê nhà. Với những thầy cô giáo dạy ở vùng cao vẫn còn lắm khó khăn như Hòa, như Sơn, như Thạch… những món quà đó đã là quý giá lắm rồi.

Trăng lên trên dãy núi đối diện với trường học, cách bên này một thung lũng đến mùa lại vàng rực màu lúa chín. Ở đây thì buồn tẻ! Hòa là cô giáo người Kinh lên bản dạy trẻ. Không như Sơn, bị điều đi, nhưng dù là tự nguyện như Hòa hay bị điều đi như Sơn thì một khi đã về với vùng núi rừng hoang sơ heo hút này, họ cũng đều yêu nơi này đắm say, hứa với lòng sẽ gắn bó với đám trẻ con nghèo mà nghĩa tình, chân chất.

* * *

Ngày mai sẽ là ngày khai giảng. Lòng Hòa xôn xao, háo hức. Ngồi ngẫm ngợi, Hòa nhớ mình đã năm lần dự lễ khai giảng ở ngôi trường này. Trường không rộng lớn, không khang trang, bên trong cũng không có những trang thiết bị hiện đại như những ngôi trường ở thành phố. Trường chỉ vỏn vẹn có hai dãy phòng đối diện với nhau, phía sau là dãy nhà tập thể của giáo viên nhìn ra đồi thông xanh mướt. Giữa sân trường là quốc kỳ phấp phới. Vuông sân nhỏ là nơi chào cờ, sinh hoạt, học thể dục… của học sinh.

Ngày tốt nghiệp Đại học Sư phạm, trong lòng Hòa ôm ấp bao nhiêu giấc mơ. Hòa muốn mình được dạy ở một ngôi trường gần nhà, trong thành phố, mỗi sáng Hòa đến trường, trưa về có mẹ nấu bữa cơm ngon đợi Hòa. Nhưng rồi ngày Hòa nhận tấm bằng tốt nghiệp là lúc Sở Giáo dục miền núi có công văn tuyển viên chức. Trường nhỏ, học sinh cũng không được đông. Thế mà Hòa đã tự nguyện nộp đơn xét tuyển viên chức. Bạn bè, gia đình Hòa ai nấy cũng đều bất ngờ.

* * *

Ở bản làng xa trung tâm thành phố này, người thầy, người cô còn đóng vai trò là người cha, người mẹ của đám học trò ngô nghê, dễ mến. Bên cạnh những gia đình ý thức được vai trò của việc học hành, khó khăn cách mấy cũng cho con đến lớp, vẫn còn những gia đình khác xem nhẹ chuyện học hành của con cái. Nhiều người còn định cho con nghỉ học, chỉ vì không đủ tiền sắm sửa tập vở, cặp sách, không có tiền đóng học phí cho con. Bởi thế, năm học nào Hòa cũng đi vận động bà con cho trẻ đến trường, học phí đã được hỗ trợ, đôi khi Hòa còn trích tiền lương mua tập vở tặng học trò để các con được đến trường, viết lên trang giấy những ước mơ cháy bỏng của mình.

Gà đã gáy báo hiệu canh tư, canh năm. Con gà rừng, sáng nào cũng gáy gọi Hòa và những thầy cô giáo trẻ trong khu tập thể thức dậy. Ở đây, Hòa ít khi dùng các thiết bị điện tử, trừ soạn giáo án, công văn, đọc báo hay liên lạc với người thân ở quê nhà. Hòa sống đời đạm bạc, tự nhiên giữa núi rừng thăm thẳm.

Hòa thức dậy, vuốt ve chiếc áo dài màu hồng có đính hoa mai vàng - chiếc áo dài đẹp nhất mà Hòa chỉ mặc vào những dịp trọng đại. Hòa ướm thử lên người, chợt nhận ra sau bao nhiêu năm áo vẫn còn mới, vóc dáng mình vẫn còn đẹp như ngày nào. Hòa cười. Tự nhiên Hòa thấy lòng mình sảng khoái kỳ lạ.

Những phòng cạnh bên cũng sáng đèn, ai nấy tất bật chuẩn bị nào cờ hoa, nào áo quần, nào bài diễn văn… để đọc trong ngày khai giảng. Đây là sự kiện trọng đại, mặc dù trường nhỏ, học sinh và giáo viên cũng ít, nhưng chưa bao giờ lễ khai giảng diễn ra sơ sài.

Sáng chớm lạnh. Lễ khai giảng sẽ diễn ra ở sân trường. Gió núi lùa qua, se sắt. Sơn, Thạch đang treo tấm bạt lớn có hình Bác Hồ vẫy tay chào đón đám học trò nhỏ, khuôn mặt tươi tắn, phúc hậu, hiền lương. Giữa tấm bạt là dòng chữ “Lễ khai giảng” được viết một cách trang trọng, cùng với câu văn nổi tiếng của nhà văn Lý Lan được in nhỏ hơn, phía dưới dòng chữ chính: “Mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này”.

Đám học trò lần lượt đi vào trường. Buổi lễ khai giảng có chính quyền địa phương và người từ Sở Giáo dục đến dự, có cả phụ huynh - những người quan tâm đến giáo dục và mong sao con cái của họ sẽ được tiếp xúc với tri thức để mai này có thể thay đổi tương lai.

Hòa chính là người dẫn chương trình của buổi lễ khai giảng. Lễ khai giảng ở miền núi đơn sơ, giản dị, không có âm nhạc, không tiếng kèn, chỉ có tiếng trống trường rộn rã báo hiệu một mùa học nữa lại về trên quê hương miền núi. Nhưng học trò háo hức lắm, từ các em khối lớp 1 cho đến các em khối lớp 5 đứng thành hàng, có thứ tự, im lặng dõi theo từng lời phát biểu của quý đại biểu, quý thầy cô. Với những học trò miền núi, khai giảng là một buổi lễ trọng đại. Các em rất nghiêm túc và háo hức, không một em nào cảm thấy uể oải, chán chường mà cứ lặng lẽ dõi theo các thầy cô của mình. Khoảnh khắc tiếng trống trường vang lên xé tan không gian thinh vắng, vọng từ ngọn đồi bên này sang tận dãy núi bên kia, vọng vào những bản làng xa xôi... khiến tim Hòa như vỡ ra trong lồng ngực.

Buổi khai giảng hôm ấy, tuy đơn sơ nhưng không khí vô cùng ấm áp. Điều quan trọng nhất là các thầy cô trường Tiểu học Miền Núi - những người không bị cám dỗ bởi những điều xa hoa, những niềm vui nơi phồn hoa độ hội, sẵn sàng gắn bó với trường bản nghèo khó, với đàn em ngây thơ. Buổi khai giảng kết thúc là lúc các em như đàn chim vỡ tổ, mau chóng chạy vào phòng học. Hai dãy phòng sạch sẽ, thoáng đãng, bàn ghế gỗ, nhưng bên ngoài không ngớt tiếng chim ca. Đó là không gian tri thức của các em, nơi các em sẽ được tiếp nhận những bài học mới, những bài học làm người vô cùng nhân văn.

Năm học này, Hòa chủ nhiệm lớp 4A, chăm bón tâm hồn và tưới tắm, nâng niu hơn mười mầm non hứa hẹn sẽ vươn lên khỏe khoắn...

Truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy
Bình luận

Tin khác

Back To Top