Giáo dục bảo tồn văn hóa các dân tộc cho thế hệ trẻ

06:26 - Thứ Bảy, 27/05/2023 Lượt xem: 8871 In bài viết

ĐBP - Điện Biên có 19 dân tộc anh em sinh sống; mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa truyền thống riêng, từ trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán, tín ngưỡng... điều này tạo nên sự phong phú, đa dạng trong bức tranh đa sắc màu các dân tộc. Chương trình tuyên truyền, giáo dục và hoạt động trải nghiệm tại trường học do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở GD&ĐT triển khai về “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 - 2025” là một trong những chương trình góp phần để thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc.

Kết vòng xòe đoàn kết.

Trên cơ sở trao đổi, thống nhất với trường học và các đơn vị liên quan tại các huyện, thị trong tỉnh, Bảo tàng tỉnh, đơn vị trực tiếp thực hiện sẽ phối hợp cùng trường học (chủ yếu là cấp 2 và cấp 3) để thực hiện hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm về những nét văn hóa truyền thống các dân tộc tại Điện Biên. Từ đó giúp học sinh có cái nhìn khái quát, hiểu biết hơn về các dân tộc trên địa bàn, nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ trong thời đại công nghệ số.

Chương trình được tổ chức với sự phối hợp của cán bộ, viên chức Bảo tàng tỉnh, cán bộ, giáo viên, học sinh tại nhà trường, đại diện phụ huynh học sinh và các nghệ nhân bản địa. Đây là chương trình thường niên, mỗi năm Bảo tàng tỉnh sẽ lên kế hoạch, chuẩn bị vật tư như tranh, ảnh, các câu hỏi giải đáp về văn hóa các dân tộc, mời các nghệ nhân... sau đó sẽ lựa chọn tổ chức ở 2 trường trên địa bàn tỉnh. Về phía nhà trường sẽ chuẩn bị cơ sở vật chất, như bàn ghế, hội trường... đảm bảo đáp ứng được không gian cần thiết để tổ chức các hoạt động trong kế hoạch.

Chương trình được diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo tính linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với lứa tuổi học sinh như: Tổ chức triển lãm ảnh “Sắc màu văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên”; thuyết minh, giải đáp về các nét văn hóa truyền thống của 19 dân tộc trong tỉnh; hỏi đáp về kiến thức các dân tộc trên địa bàn; các nghệ nhân trình diễn nghề thêu, vẽ hoa văn bằng sáp ong... Sau đó là các hoạt động trải nghiệm và các trò chơi dân gian truyền thống như thêu, vẽ hoa văn, đánh cầu lông gà, ném pa pao, múa xòe...

Với hình thức tuyên truyền đa dạng, trải nghiệm phong phú, nội dung phù hợp, đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, lý thú cho các em học sinh. Giúp học sinh dễ tiếp thu, ghi nhớ và hiểu rõ hơn về cách thức, ý nghĩa của văn hóa truyền thống trong đời sống đồng bào các dân tộc. Qua tiếp thu, trải nghiệm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp vốn có của dân tộc mình, đồng thời để các em tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc, tránh nguy cơ trong quá trình giao thoa văn hóa bị mai một, thất truyền.

Bà Lê Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm văn hóa các dân tộc trong trường học là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đến thời điểm hiện tại, Chương trình đã thực hiện ở 6 trường, đạt hiệu quả rất tốt. Học sinh rất thích thú tham gia; thông qua các hoạt động đã tạo không khí vui vẻ, sôi động; từ đó giúp học sinh có những kiến thức cần thiết về văn hóa dân tộc trên địa bàn; đồng thời hiểu sâu hơn về cách thức tiến hành cũng như các ý nghĩa tốt đẹp của văn hóa truyền thống được hun đúc từ xa xưa.

Em Quàng Thị Huyền, lớp 6A1, Trường THCS Quài Cang chia sẻ: Là dân tộc Thái, em thấy buổi hoạt động, trải nghiệm văn hóa các dân tộc vô cùng ý nghĩa. Em được tham gia các trò chơi truyền thống, trong đó có trò chơi của dân tộc mình em rất tự hào. Thông qua các hoạt động đã giúp em thêm hiểu biết về văn hóa truyền thống của các dân tộc khác tại Điện Biên, từ trang phục truyền thống, các lễ hội, cách tạo ra hoa văn trên trang phục... Đặc biệt, em thêm hiểu về ý nghĩa tốt đẹp được mọi người truyền tải trong từng đường kim, mũi chỉ của hoa văn, của từng nghi lễ cũng như trong các trò chơi truyền thống.

Có thể thấy sự quan trọng của bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thông qua các hoạt động, trải nghiệm đã góp phần khơi dậy tinh thần tự tôn của mỗi cá nhân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các nét văn hóa truyền thống trong thời kỳ mới. Từ đó nâng cao sự hiểu biết, thích thú của thế hệ trẻ trong việc tìm hiểu, nắm giữ, phát huy giá trị văn hóa, cái riêng vốn có của dân tộc mình, tránh mai một, hòa tan trong sự phát triển, giao thoa văn hóa.

Trần Nhâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top