Để Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hoá dân tộc và hiện đại

09:33 - Thứ Sáu, 02/06/2023 Lượt xem: 6004 In bài viết

Với lợi thế nhiều mặt đảm bảo hội đủ các yếu tố cần thiết để phát triển bền vững, trong tương lai gần, Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ trở thành khu du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hoá dân tộc và hiện đại.

Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam.  Ảnh: VGP

Dự án Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng Văn hoá) gồm 7 khu chức năng. Trong đó, Khu các làng dân tộc được Nhà nước cấp vốn đầu tư hoàn thiện đồng bộ và chú trọng phát triển đến nay đã cơ bản hoàn thành, tạo nên bức tranh phong phú, mang bản sắc riêng của các dân tộc Việt Nam, đem đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.

Khu các làng dân tộc được xây dựng thành quần thể tái hiện, mô phỏng các cấu trúc làng, bản của các dân tộc Việt Nam với quy hoạch và kiến trúc dân gian nhằm giới thiệu, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Kể từ ngày mở cổng Làng (19/9/2010), đây là nơi gặp gỡ, giao lưu của đồng bào các dân tộc, nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa du lịch góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam và tăng cường củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hằng năm, ngoài việc tổ chức 3 sự kiện thường niên: Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" vào dịp Tết Nguyên đán, Chủ tịch nước thăm và chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 và Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam" từ 18-23/11, Làng Văn hóa có nhiều các hoạt động theo chủ đề, theo tháng, trong tuần thu hút du khách.

Thực hiện chủ trương "để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình", Ban Quản lý đã phối hợp với các địa phương trong cả nước huy động luân phiên, đón hàng nghìn lượt đồng bào các dân tộc về tham gia hoạt động tại đây. Từ năm 2015, hoạt động thường xuyên của đồng bào tại Khu các làng dân tộc đã từng bước đưa Làng Văn hóa trở thành "ngôi nhà chung" của các dân tộc và đáp ứng nhu cầu tham quan trải nghiệm thường xuyên của du khách.

Một lợi thế nữa là toàn bộ diện tích 1.544 ha đất và đất có mặt nước của dự án Làng Văn hóa đã được đền bù, giải phóng mặt bằng và sẵn sàng cho việc đầu tư xây dựng. Cơ sở hạ tầng chung đã được đầu tư, hoàn thiện các hệ thống giao thông nội bộ, điện, nước đến từng khu chức năng, thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.

Về công tác quy hoạch, theo quy hoạch tổng thể, toàn bộ dự án là một quần thể đa dạng với nhiều khu chức năng khác nhau, đan xen giữa văn hóa, du lịch, nghỉ ngơi và vui chơi giải trí. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể và phân khu chức năng đã được phê duyệt, các nhà đầu tư có thể tự đề xuất các phương án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết của từng dự án thành phần nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đầu tư và khai thác sau này.

Ngoài ra, Làng Văn hóa cách trung tâm Hà Nội hơn 40 km, có trục giao thông (Đại lộ Thăng Long) thuận tiện, là vùng đất bán sơn địa có địa hình đồi núi đa dạng, thung lũng và hồ nước, có cảnh quan thiên nhiên trong lành và hệ động thực vật phong phú với nhiều chủng loại... tạo nên sức hấp dẫn của dự án. Bên cạnh đó, sự bổ trợ từ các dự án liền kề, gồm sân golf đảo Vua, rừng quốc gia Ba Vì, khu Đại học Quốc gia Hà Nội, khu công nghệ cao Hòa Lạc... cũng là những thuận lợi đối với nhà đầu tư trong quá trình đầu tư và khai thác.

Theo Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 12/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng Làng Văn hóa, bên cạnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước, còn thực hiện xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, xây dựng, hoàn thành mục tiêu phát triển Làng Văn hóa. Mối quan hệ tương hỗ của hai nguồn đầu tư thể hiện ở chỗ một mặt xây dựng dự án bảo tồn văn hoá để phục vụ du lịch, mặt khác thu hút đầu tư các dự án dịch vụ du lịch để hỗ trợ bảo tồn văn hoá. Hai nhiệm vụ này cần được thực hiện song song để đảm bảo cho Làng Văn hoá có thể phát triển bền vững.

Đầu tư một công trình vào Làng Văn hóa phải 30-40 năm sau mới thu hồi được vốn, nguồn vốn đầu tư rất lớn. Nếu Nhà nước không có cơ chế chính sách ưu đãi về thuế đất, giá đất, các ưu đãi khác như các khu công nghiệp, khu kinh tế thì rất khó khăn. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, chỉ cần tháo gỡ được hành lang pháp lý, thì họ sẽ sẵn sàng đầu tư và cam kết thực hiện theo đúng quy hoạch của Làng Văn hoá.

Hiện nay, Ban Quản lý Làng đã báo cáo Bộ VHTT&DL và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về một số thẩm quyền được quy định trong Quyết định 39/2014/QĐ-TTg so với các quy định của các luật mới được ban hành. 

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất tạo điều kiện cho Làng Văn hóa thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng vào các khu chức năng không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Khi các dự án được khởi công đi vào hoạt động, thì chắc chắn nguồn lực đầu tư cho xây dựng và phát triển Làng Văn hoá sẽ ổn định, đầy đủ hơn, đảm bảo các hoạt động của Làng theo đúng mục tiêu của dự án.

Với lợi thế nhiều mặt đảm bảo hội đủ các yếu tố cần thiết để phát triển bền vững, trong tương lai gần, Làng Văn hoá sẽ trở thành khu du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hoá dân tộc và hiện đại, là điểm vui chơi giải trí phù hợp cho mọi đối tượng, là nơi khảo nghiệm văn hoá tín ngưỡng và nghỉ dưỡng lý tưởng, đáp ứng mọi nhu cầu của du khách.

Đầu tư vào Làng Văn hoá là đầu tư cho sự phát triển bền vững và hiệu quả chắc chắn của chính nhà đầu tư, đồng thời đó là sự đầu tư cho lợi ích lâu dài của cộng đồng. Đầu tư vào Làng Văn hóa là đầu tư cho văn hoá dân tộc và thương hiệu của chính nhà đầu tư, phù hợp với xu thế vận động của nền kinh tế tri thức.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top