Đến với bài thơ hay

Rồi ngày mai con đi

06:43 - Thứ Bảy, 03/06/2023 Lượt xem: 14962 In bài viết

Rồi ngày mai con xuống núi

Ngỡ ngàng

Đất rộng, trời thấp

Bước đầu tiên

Con vấp gót chân mình.

 

Rồi ngày mai con xuống núi

Gặp phố phường ngã bảy, ngã mười

Gặp lòng người đỏ, vàng, đen, trắng

Mỗi lần vấp sực bước đi

Sẽ sực nhớ người thầy trên núi.

 

Bố mẹ cho con cán rìu, lưỡi hái

Vung một sải quang ba ngọn đồi

Nhưng chưa đủ mo cơm, tay nải

Trên đường xa về phía chân trời.

 

Người thầy ngồi lặng lẽ sương khuya

Áo cổ lông không ngăn được rét rừng như chích

Chăm giáo án như chăm từng đốm than tí tách

Thắp lửa hồng ấm mãi tim con.

 

Ngọn lửa ấy là mo cơm khi đói

Là chiếc gậy con vịn đường mưa

Là ngón tay gõ vào chốt cửa

Phía sau kia rộng mở nụ cười.

 

Ngày mai con xuống núi

Cùng tay nải hành trang đầu tiên

Đi như suối chảy về với biển

Chớ quên mạch đá cội nguồn.

Lò Cao Nhum

Lời dặn dò thắp lửa ấm tim con

Lò Cao Nhum, một thi sĩ dân tộc Thái, đã có nhiều tác phẩm thơ được người đọc chú ý như Rượu núi, Sàn trăng, Tung còn... Thơ anh mới mẻ, đậm chất vùng miền dân tộc thiểu số, có trách nhiệm với cộng đồng trước những đổi thay, mai một của văn hóa truyền thống. Bài thơ Rồi ngày mai con đi của Lò Cao Nhum được chọn vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông, là lời tâm sự của bậc làm cha làm mẹ dặn dò con mình thật cảm động và sâu sắc. Bài học dạy con trong tác phẩm như một hành trang, một “ngọn lửa hồng” nuôi dưỡng tâm hồn người con trên bước đường đi về chân trời bao la phía trước.

Lò Cao Nhum làm nghề dạy học ở vùng cao nhiều năm. Nhiều trải nghiệm và thấu hiểu từng gia đình người dân bản làng nơi đây, vậy nên tác giả đã mở đầu bài thơ Rồi ngày mai con đi thật bình dị mà sâu lắng qua tiếng lòng người cha dặn con: Rồi ngày mai con xuống núi/Ngỡ ngàng/Đất rộng, trời thấp/Bước đầu tiên/Con vấp gót chân mình.

“Xuống núi” là biết con một mình đến với bến bờ mới lạ, rộng lớn hơn nhưng cũng nhiều khó khăn hơn. Người cha chỉ biết nhìn con ra đi và căn dặn những điều gan ruột nhất. Thực ra, qua cách diễn đạt này, tác giả muốn nói đến tâm trạng ngạc nhiên trước biết bao đổi thay trong mắt người con, người học trò lần đầu tiên xuống núi.

Tuy nhiên, chân thật và hàm súc trong lời dặn của người cha với con mình nằm ở khổ thơ thứ hai. Xuống núi rồi, phố phường tấp nập, đông đúc với nhiều “ngã bảy, ngã mười”, con sẽ rất dễ lạc đường. Đó là lời căn dặn của một người từng xuống núi, giàu kinh nghiệm sống, thấu hiểu cuộc đời.

Sau mỗi lần vấp ngã, người cha mong con mình hãy hướng đến người thầy dạy học trên núi. Trong cái nhìn của người cha, người thầy là hình mẫu, sự chuẩn mực để con soi chiếu vào đó mà học tập, trưởng thành. Thầy vẫn ở trên núi cao, dõi nhìn theo người học trò yêu quý để động viên, chia sẻ. Con nhớ về thầy chính là đã tìm cho mình một điểm tựa, một niềm tin yêu để tiếp thêm sức mạnh trong hành trình đi về phía tương lai.

Cha mẹ thương con, nhưng chỉ cho con “cán rìu, lưỡi hái”; nhưng người thầy mới cho con cái chữ để đi về phía chân trời xa. Bố mẹ làm nông, chưa lo đủ đầy “mo cơm, tay nải” cho con trên đường đi xa. Sự lao động cần mẫn ấy đã đành là rất cần thiết nhưng không đủ làm hành trang cho con, nhất là trên bước đường còn nhiều chông gai, thử thách.

Thầy sẽ là người cổ vũ tinh thần, thắp thêm nghị lực cho con tiếp bước bên cạnh những người thân yêu nhất. Thầy trở thành sứ giả của niềm tin yêu và khát vọng dấn thân để đạt được những điều lớn lao trong cuộc sống. Thầy sẽ thắp lên ngọn lửa hồng nơi trái tim học trò bằng chính trang giáo án cần mẫn sớm hôm của mình. Hình ảnh “ngọn lửa” vì thế trở thành biểu tượng đẹp đẽ, thiêng liêng về một ước mơ rộng lớn, cao vời; là tiền đồ rạng ngời, hạnh phúc của cuộc đời người học trò đang đi về phía tương lai: Ngọn lửa ấy là mo cơm khi đói/Là chiếc gậy con vịn đường mưa/Là ngón tay gõ vào chốt cửa/Phía sau kia rộng mở nụ cười.

Các khổ thơ trên được lặp lại hai lần điệp khúc “Rồi ngày mai con xuống núi” cùng với các từ xưng hô “bố mẹ”, “thầy”, “con” nghe thật gần gũi, thân thiết. Ta như hình dung người cha đang ngồi bên đứa con mình, nắm tay dặn dò cẩn thận. Đến khổ cuối bài, Lò Cao Nhum tiếp tục mạch thơ dặn dò nhưng sâu lắng và tha thiết hơn. Đó là bài học về trách nhiệm với cội nguồn, với quê hương bản quán, con không bao giờ được quên: Ngày mai con xuống núi/Cùng tay nải hành trang đầu tiên/Đi như suối chảy về với biển/Chớ quên mạch đá cội nguồn.

“Mạch đá cội nguồn” là lẽ sống, là niềm tin vững bền muôn thuở. Con như dòng suối nhỏ chảy về biển khơi bao la, nhưng có phải biển cả bắt đầu từ mạch ngầm nước nhỏ đang rì rầm trong khe núi đá. Lời dặn “chớ quên” bộc trực, gan ruột nhưng sâu lắng vô cùng.

Ngày mai rồi con đi thể hiện tấm lòng, tình cảm yêu thương của cha mẹ thật lớn lao, cao đẹp. Những bài học dặn dò mãi mãi là ngọn lửa thiêng thắp sáng nơi trái tim người con, đồng thời là người học trò bé nhỏ của thầy trong buổi chia xa, hóa thành hành trang lớn lao để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin và ý chí vào đời. Bài thơ đâu chỉ viết cho một người, một thế hệ mà đó còn là mạch nguồn của quá khứ nhắn nhủ với hôm nay và cả mai sau.

Lê Thành Văn
Bình luận

Tin khác

Back To Top