Bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số

06:50 - Thứ Bảy, 03/06/2023 Lượt xem: 6755 In bài viết

ĐBP - Tủa Chùa là nơi cư trú, sinh sống từ lâu đời của 7 dân tộc anh em, trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số. Với truyền thống yêu nước và tinh thần cần cù lao động, đồng bào các dân tộc nơi đây đã gắn bó, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng đời sống văn hóa giàu bản sắc. Việc chú trọng bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các cộng đồng dân tộc đã tạo nên bức tranh phong phú về văn hoá tại địa phương này.

Ông Lường Văn Phối, bản Hột, xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) truyền dạy cách chơi tính tẩu cho thanh niên địa phương.

Những “hạt nhân” truyền lửa

Sinh ra từ bản làng, lớn lên với núi rừng, tiếng tính tẩu đã thấm vào máu thịt của người đam mê nhạc cụ dân tộc như ông Lường Văn Phối, bản Hột (xã Mường Đun). Với ông Phối, tính tẩu giống như người bạn tâm tình, với những làn điệu mượt mà, say đắm giúp ông quên đi mệt nhọc trong cuộc sống.

Ông Phối cho biết: Từ lâu, tính tẩu đã gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Thái trắng; tạo nên nét đặc trưng văn hóa, phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào dân tộc nơi đây. Sau hàng chục năm gắn bó với những âm thanh êm dịu, thanh thoát, khi thì cao vút, khi thâm trầm khiến tôi cảm nhận rõ nét về giá trị văn hóa của chiếc đàn - mang đậm hồn dân ca dân vũ dân tộc Thái. Chính vì thế, nếu ai có nhu cầu học đàn, tôi luôn cố gắng truyền dạy để lưu giữ cho thế hệ sau.

Với mong muốn để tiếng tính tẩu vang mãi, trở thành nét văn hóa độc đáo riêng có của cộng đồng người Thái trắng, những lúc các cháu học sinh trong bản được nghỉ học hoặc nếu ai có nhu cầu học, ông Phối luôn sắp xếp thời gian truyền dạy cách sử dụng tính tẩu. Ngoài ra, nhằm giúp các cháu thêm yêu văn hóa, văn nghệ của dân tộc, ông Phối còn tận tình, hướng dẫn các cháu học nhiều bài múa khác nhau.

Đến xã Sính Phình, chúng tôi gặp nghệ nhân Sình A Tâu, người luôn tâm huyết với việc trao truyền niềm đam mê khèn Mông đến mọi người. Bằng niềm đam mê của mình và kho kiến thức phong phú về những điệu múa khèn, ông Tâu đã tổ chức nhiều lớp dạy học khèn miễn phí tại nhà cũng như miệt mài đến các trường học trên địa bàn để dạy cho học sinh trong các giờ ngoại khóa. Học trò của ông chủ yếu là thanh niên người Mông, có người thì sinh sống cùng thôn, xã, có người thì từ những thôn, bản khác đến học. Chỉ cần có ý định theo học là ông Tâu luôn sẵn sàng chỉ dạy.

Ông Sình A Tâu chia sẻ: Gắn bó mật thiết với đời sống của người Mông, cây khèn không chỉ là nhạc cụ thân thiết, gần gũi với cuộc sống thường ngày mà còn là nét biểu trưng cho văn hóa cộng đồng, mang giá trị tâm linh, gắn liền với đời sống tinh thần và luôn được gìn giữ cẩn thận. Trong nhịp sống hiện đại, khi nhiều giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một thì việc truyền lửa để gìn giữ giá trị văn hóa của tiếng khèn Mông là điều hết sức ý nghĩa và cần thiết.

Nỗ lực gìn giữ và phát huy

Với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hóa ngoại lai cũng nhanh chóng du nhập vào đời sống xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, tác động đến văn hóa truyền thống, dẫn đến nguy cơ mai một, đánh mất bản sắc. Trước vấn đề đó, huyện Tủa Chùa đã đề ra các giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy có hiệu quả bản sắc văn hóa các dân tộc. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc. Khuyến khích các nghệ nhân trong việc giữ gìn, trao truyền tinh hoa văn hóa truyền thống. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa; năng lực chỉ đạo, vai trò, trách nhiệm trong điều hành của chính quyền các cấp đặc biệt là cấp cơ sở.

Ông Đặng Tiến Công, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: Thời gian qua, triển khai công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Bằng nhiều việc làm thiết thực như: Tổ chức Tuần lễ văn hóa - du lịch huyện Tủa Chùa, hội thi biểu diễn khèn Mông, khai trương chợ đêm tại thị trấn Tủa Chùa; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ chào mừng tết nguyên đán, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, các ngày lễ lớn..., những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngày càng được giữ gìn, phát huy một cách tích cực. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ngày càng hiệu quả, đi vào thực chất, bên cạnh vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước, các chính sách hiệu quả về bảo tồn văn hóa, di sản; các giải pháp cụ thể và sự quan tâm của chính quyền địa phương, thì ý thức và trách nhiệm đồng bào các dân tộc chính là yếu tố then chốt, bởi họ chính là chủ thể bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top