Việt Nam đa sắc: Bản sắc văn hóa dân tộc Mông vùng Tây Bắc qua cây ô

16:00 - Thứ Năm, 08/06/2023 Lượt xem: 5362 In bài viết

Không chỉ là vật dụng trong đời sống lao động thường ngày, cây ô còn gắn với những diễn xướng văn hóa truyền thống và là vật lưu giữ bản sắc của những phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mông vùng Tây Bắc.

Sinh sống trên các bản làng nơi những triền núi cao, đồng bào Mông Tây Bắc đã tạo ra những vật dụng để sử dụng trong cuộc sống lao động thường ngày. Một trong những vật dụng đó là cây ô - đồ dùng rất gần gũi và thân thuộc đối với người Mông. Theo lời kể của các nghệ nhân dân tộc Mông ở vùng cao Tây Bắc, cây ô không chỉ đơn thuần là vật dụng mà còn gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh của con người.

Ô là vật dụng gắn liền với cuộc sống của đồng bào Mông.

Ông Lý Chiến Sách, dân tộc Mông, trưởng bản Tổng Kim (xã Vĩnh Yên, Bảo Yên, Lào Cai) cho biết: “Đối với đồng bào dân tộc Mông, cây ô vừa là vật dụng, vừa như chứa đựng linh hồn của những nét văn hóa cổ truyền trong đời sống của đồng bào”.

Cây ô của đồng bào Mông vùng Tây Bắc có bán kính rộng, có thể che mưa, che nắng cho người dùng trong một phạm vi rộng. Tùy thuộc vào từng dân tộc trên từng địa bàn sinh sống, đồng bào Mông chọn cho mình những màu ô truyền thống. Phổ biến nhất là ô vải màu đen, cán ô làm bằng cây song. Có nơi chọn màu đỏ, xanh, có họa tiết, hoa văn…

Cây ô luôn là vật dụng gắn với người phụ nữ dân tộc Mông.

Chiếc ô được sử dụng thường xuyên trong đời sống của đồng bào Mông. Ô được những người phụ nữ Mông cầm bên mình kể cả khi trời mưa, nắng hay râm mát. Ô được cầm xuống chợ phiên, đi hội bản, đi chơi xuân, dự đám cưới, đám tang hay lên nương rẫy... Dù làm gì, ở đâu, cây ô là vật dụng được người phụ nữ Mông mang theo. Trong đời sống tinh thần, cây ô giữ vị trí quan trọng, góp phần thể hiện vẻ đẹp con người, là công cụ trong sinh hoạt văn hóa, nghi lễ, đặc biệt trong lễ cưới, lễ ăn hỏi.

Chiếc ô cũng dùng để phân biệt giữa thiếu nữ chưa có chồng và phụ nữ đã có chồng, người phụ nữ đã có chồng thì trên tay lúc nào cũng cầm một chiếc ô. Người phụ nữ về nhà chồng được bố mẹ mua cho chiếc ô, chiếc ô đó là bạn đồng hành trên mọi nẻo đường cũng như xuống chợ hay đi hội xuân. 

Trong hội xuân, các thiếu nữ Mông mang theo chiếc ô đẹp, mới như một sự hãnh diện, cùng với trang phục và đồ trang sức đeo trên mình, cây ô góp phần tôn lên vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính và kín đáo, e ấp của những thiếu nữ đang tuổi xuân thì. Tại lễ hội, các chàng trai, cô gái cùng nhau giao duyên, tỏ tình, chàng trai dùng ô móc lên vai cô gái, nếu ưng, cô gái đón nhận chiếc ô từ chàng trai. Đồng thời, chàng trai dùng tiếng khèn, tiếng sáo để tỏ tình thì cô gái dùng cây ô để thể hiện sự e ấp, bẽn lẽn và duyên dáng của mình. Khi thể hiện các điệu múa, chàng trai Mông múa khèn với những điệu múa uyển chuyển, dặt dìu thì những thiếu nữ Mông dùng ô để múa với những động tác nhịp nhàng, mềm mại theo tiếng khèn.

Ô hòa vào sắc màu thổ cẩm tạo nên một màu sắc đặc trưng nơi vùng cao Tây Bắc.

Trong lễ ăn hỏi, lễ cưới của đồng bào Mông, khi đến nhà gái, hai ông mối bên nhà trai bao giờ cũng đeo bên mình cây ô cho dù trời không nắng, không mưa. Theo quan niệm của đồng bào Mông ở Tây Bắc thì cây ô là vật giữ hồn nên người đại diện không được rời cây ô hoặc để rơi mất. Khi đến nhà gái, cây ô được người đại diện nhà trai treo trang trọng tại một vị trí trong nhà rồi mới thưa chuyện với họ hàng, gia đình nhà gái. Khi đón dâu, cô dâu bao giờ cũng che ô trên cả đoạn đường về nhà chàng trai nhằm mục xua đuổi tà ma, rủi ro.

Cây ô cũng là vật gắn với tâm linh. Trong các lễ cúng ngoài trời, cúng rừng, thầy cúng thường sử dụng cây ô màu đen, to để cắm vào vị trí đặt lễ, che toàn bộ mâm lễ. Trong lễ tang, ô là vật được đưa đi cùng người chết, gia đình có người chết sẽ làm một cây ô bằng giấy màu để đốt tiễn đưa người chết về cõi âm, để nơi đó, linh hồn người chết sẽ sử dụng ô để che khi đi qua các cửa ải.

Thầy giáo Ma Văn Sấu, dân tộc Mông, giáo viên Trường Mầm non số 2 Xuân Hòa (Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: “Ngày nay, tuy cuộc sống đã thay đổi với nhiều điều kiện tốt hơn nhưng đồng bào dân tộc Mông vùng Tây Bắc vẫn coi cây ô như vật bất ly thân, như một phương tiện không thể thiếu trong diễn xướng những nét văn hóa cổ truyền, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.

Ô còn là vật để người lớn che chở cho con trẻ.

Cây ô đi vào đời sống thường nhật, đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào Mông Tây Bắc từ bao đời nay. Từ một vật dụng đơn thuần, cây ô đã gắn liền với những nét văn hóa mang đậm bản sắc, trở thành đặc trưng không thể thiếu trong đời sống văn hóa, sinh hoạt cộng đồng và những nghi lễ tâm linh của đồng bào Mông trên vùng đất Tây Bắc.

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top