Gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống trong xu thế hội nhập

08:35 - Thứ Sáu, 16/06/2023 Lượt xem: 7162 In bài viết

ĐBP - Xã hội ngày càng phát triển mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức cho công tác gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống. Đặc biệt, quá trình tiếp biến văn hóa đã làm xuất hiện không ít quan niệm và yếu tố văn hóa lai căng, không lành mạnh. Đối với văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) tại địa bàn tỉnh ta cũng vậy, làm sao để vừa kế thừa, phát huy, phù hợp với thời đại nhưng vẫn giữ nguyên bản, không biến tướng luôn là bài toán khó.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tìm hiểu văn hóa dân tộc Thái qua hoạt động ngoại khóa.

Điện Biên có 19 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán, nghi thức văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, có một số dân tộc đang mất dần đi những nét đặc trưng riêng có, bị trộn lẫn hoặc ảnh hưởng mạnh bởi các hình thái văn hóa khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó nguyên nhân chủ quan từ chính cộng đồng các DTTS, khi nhiều người trẻ hiện nay không biết viết chữ, nói tiếng mẹ đẻ, không mặc trang phục dân tộc mình. Cùng với đó, trong thời đại hội nhập, thanh niên các dân tộc đi nhiều nơi học tập, làm việc, lập gia đình; kéo theo đó là thay đổi thói quen, phong tục để hòa nhập với môi trường mới.

Nghệ nhân ưu tú Lường Thị May, bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) trăn trở: “Nếu không nhanh gìn giữ, bảo tồn, truyền nối, là mai một, nguy cơ mất hết phong tục tập quán, văn hóa truyền thống. Nhiều học sinh DTTS thậm chí còn không biết tiếng dân tộc mình. Tại nhiều sự kiện vui, thậm chí tết cổ truyền, thay vì nhảy múa tưng bừng trong nhạc truyền thống của dân tộc, thì thanh niên bật nhạc âm lượng lớn, nhảy tự do, đôi khi không phù hợp”.

Đây cũng là thực tế dễ gặp ở nhiều nơi. Cách đây vài năm, trong lễ tết cổ truyền của một dân tộc trên địa bàn, được đầu tư tổ chức, bảo tồn mà chúng tôi tham gia. Xen lẫn các tiết mục múa hát truyền thống là nhảy trên nền nhạc ngoại quốc, cuối buổi, thanh niên bật nhạc sôi động - mà giới trẻ thường gọi là “nhạc sàn”. Có không ít người khoác trên mình trang phục truyền thống lắc lư trên nền nhạc với những động tác phản cảm.

Một vấn đề đáng lo ngại là thái độ ứng xử với trang phục truyền thống. Hiện nay, nhiều trang phục dân tộc được cách tân trở thành sản phẩm thời trang để mặc thường ngày, cho thuê chụp ảnh, biểu diễn trên sân khấu. Việc sáng tạo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với hoàn cảnh đáng được ghi nhận, lan tỏa, nhưng đôi khi vì sự dễ dãi, không tìm hiểu văn hóa, khiến nhiều trang phục khác xa bản gốc, lệch lạc, thậm chí phạm vào điều cấm kị trong văn hóa dân tộc ấy. Điều này còn đặc biệt nguy hiểm khi các trang phục được trình diễn trên sân khấu, đặc biệt trong thời đại truyền thông phát triển như hiện tại, khiến công chúng có thể hiểu sai về văn hoá các DTTS.

Cách đây không lâu, một cửa hàng cho thuê trang phục dân tộc tại tỉnh cho ra mắt nhiều mẫu áo, váy dân tộc Thái có sự cách tân táo bạo như khoét nách, bên có tay áo, bên không. Đặc biệt là sử dụng những miếng vải thổ cẩm lớn, có màu đỏ (vải khít, tiếng Thái là khít đành, pe đành), mà theo nhiều người Thái có phần giống với những mẫu vải được sử dụng trong đám tang, nhà mồ, để trang trí, làm điểm nhấn cho trang phục. Khiến nhiều người trong cộng đồng dân tộc Thái trên các nền tảng mạng xã hội quan tâm, thảo luận. Người ủng hộ sự cách tân, làm mới để tiếp cận giới trẻ. Người chỉ trích không phù hợp, không đúng văn hóa.

Bà Lò Thị Xôm là chủ cửa hàng may trang phục dân tộc Thái lâu năm tại tổ 10, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Cửa hàng của bà cung cấp đồng phục váy áo cóm cho nhiều cơ quan, đơn vị, khách sạn lớn và gửi hàng đi nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhiều năm góp phần gìn giữ trang phục dân tộc, bà Xôm nhận định: “Nhiều nơi đang làm lai căng đi trang phục truyền thống. Có những sáng tạo, làm mới có thể không sai, không ai cấm nhưng không đẹp. Nét đặc trưng của trang phục dân tộc Thái là kín đáo nhưng vẫn gợi cảm và tôn lên đường cong của người phụ nữ. Trang phục nhã nhặn, không lòe loẹt, diêm dúa. Cốt lõi là các đường nẹp cứng cáp ở cổ áo, hàng cúc, cùng nhiều đôi cúc bướm/cúc ve, thắt lưng váy bản to... Đáng chú ý là, người Thái làm áo cho người sống thì thường viền chắc các phần; không xé tung, bung ra hoặc tua rua như làm đồ trang trí đám cho người mất”.

Để bắt kịp với xu hướng hiện đại mà vẫn gìn giữ nét đặc trưng truyền thống, bà Xôm chia sẻ thêm: “Tùy theo nhu cầu khách, nhà tôi cũng có những thiết kế phù hợp, thường là mọi người thích phần cổ, phần tay làm cách tân, điệu đà hơn, cạp váy cài thuận tiện; khách ở Thanh Hóa, Nghệ An thì lại thích phần thân áo dài rộng như áo sơ mi...”. Thực tế, tiếp biến văn hóa cũng là một cách thức phát triển. Gìn giữ bản sắc văn hóa không đồng nghĩa với việc khư khư giữ lấy những thứ đã có, từ chối giao lưu, trao đổi. Mà thay vào đó là các chủ thể văn hóa cần có kiến thức, sự chọn lọc, để tiếp thu những tinh hoa văn hóa của dân tộc khác, không làm tổn hại bản sắc dân tộc mình mà còn thúc đẩy văn hóa truyền thống ngày càng phát triển.

Trong giai đoạn vừa qua, nhiều giá trị, di sản văn hóa các DTTS đã được nghiên cứu, tôn vinh. Đời sống văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện, nâng lên, làm phong phú hơn các giá trị văn hóa truyền thống. Đối với dân tộc Lào tại tỉnh ta cũng vậy. Nghệ nhân ưu tú dân tộc Lào - Lường Thị May cho biết: “Từ khi Tết Té nước truyền thống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hàng năm được tổ chức thì văn hóa truyền thống của người Lào tại khu vực được phục hồi, phát huy tốt hơn. Giờ đây, người trẻ trong bản chúng tôi đã quan tâm về văn hóa và gìn giữ, tiếp nối văn hóa dân tộc. Lớp người cao tuổi cũng đã yên tâm khi giao nhiều phần việc trong các nghi thức cổ truyền hoặc các ngày hội vui cho thanh niên”.

Mới đây, tỉnh ta có thêm 4 di sản được công nhận, nâng tổng số Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mà Điện Biên có lên 18. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 37 lễ hội truyền thống, 28 nghệ nhân ưu tú. Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã trở thành nhân tố thúc đẩy quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc, từng bước tạo nên diện mạo văn hóa mới đa dạng, phong phú và tiên tiến.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top