Phía sau trang báo

07:11 - Thứ Bảy, 24/06/2023 Lượt xem: 6014 In bài viết

ĐBP - Xuyên trở về nhà lúc đã khuya, hàng xóm xung quanh đều đã tắt đèn đi ngủ. Cố gắng mở cửa cổng nhẹ nhàng, chị chưa vào nhà ngay mà nán ngồi lại ngoài sân, dưới gốc cây hoa dẻ. Từng chùm hoa vàng ươm buông xuống vai Xuyên như những chiếc đèn lồng nhỏ, nhưng không có chút hương thơm nào. Loài hoa này lạ lắm, người ta chỉ có thể ngửi thấy hương thơm của nó vào mỗi sáng mai hoặc thoang thoảng lúc chiều tà. Suốt ngày dài ngồi bàn máy, cả cơ thể chị dã dời. Giờ này chồng con đều đã ngủ say, không gian yên tĩnh, thỉnh thoảng một cơn gió chạy trên mái tôn tựa như lũ mèo rượt đuổi.

Xuyên đưa mắt nhìn tấm bảng gỗ treo ngoài hiên khắc dòng chữ “Hãy để những lo toan muộn phiền và dép guốc bên ngoài”. Xuyên khẽ thở dài, mọi ý nghĩ lại quay về nghề báo. Mấy năm nay tòa soạn tinh giảm biên chế, người ít đi nhưng việc mỗi ngày mỗi nhiều thêm. Mỗi ngày ra một số báo in, bài vở cũng đủ chóng mặt. Đã vậy báo điện tử phát triển, nhiều chuyên mục mới mở ra, bài vở gửi về cộng tác nhiều. Biên tập viên ngày nào cũng làm đến tối muộn, thậm chí còn không có ngày nghỉ trong tuần. Xuyên mệt nhoài, nhiều khi không biết mình làm việc còn có ý nghĩa gì khi không có thời gian tận hưởng chút niềm vui bình dị bên gia đình.

Xuyên bỏ hết muộn phiền bên ngoài, tắm giặt vội rồi nhẹ nhàng nằm bên cạnh con thơ. Sáng mai chị dậy khi con còn ngon giấc, khẽ khàng rời nhà vượt bốn chục cây số đến cơ quan. Báo mới rời nhà in đến tay người đọc thơm mùi mực. Những người làm báo lại tiếp tục với guồng quay công việc. Phóng viên lại rong ruổi trên những cung đường, buồn vui cùng nhân vật của mình. Loạt bài vở đang chờ Xuyên biên tập từng câu từng chữ. Xuyên không muốn có bất cứ sai sót nào nên mỗi bài viết sau khi chỉnh sửa đều đọc đi đọc lại vài lần. Xuyên ghét sự cẩu thả nhưng các cụ nói cấm có sai, ghét của nào trời trao của ấy. Hàng ngày không thiếu những bài viết cẩu thả được gửi về tòa soạn. Bài cộng tác viên đã đành, đằng này cả phóng viên cũng cẩu thả không kém. Đôi lúc thứ Xuyên nhận được là một mớ hỗn độn thông tin, câu từ lủng củng. Trong số phóng viên có người chuyển từ báo phát thanh truyền hình sang. Đặc điểm của báo in cần phải cẩn thận câu chữ hơn bởi “bút sa gà chết”. Mà chết ai? Nếu có chuyện gì thì cứ đè biên tập ra mà gõ.

Thỉnh thoảng cáu quá Xuyên nói thẳng anh em phóng viên. Nhưng họ để ngoài tai, có người còn bảo: “Nếu bọn anh viết chả có lỗi nào thì biên tập các em còn việc gì mà làm nữa”. Có những bài phóng viên viết mà Xuyên phải biên tập đến 70%. Vài lần họp, Xuyên đề nghị biên tập phải được hưởng phần trăm trong mỗi bài viết. Hoặc phải chấm nhuận bút cho phóng viên trên bài gửi về chứ không phải bài viết chỉn chu trên trang báo. Có như vậy phóng viên mới có trách nhiệm với bài viết của mình. Nhiều hôm làm không cả ăn trưa, hết tin bài không xử lý kịp để đăng thì các sếp phê bình. Anh em phòng biên tập luôn cố gắng khi nghĩ đến những độc giả cầm trên tay tờ báo. Cái nghề công ít tội nhiều, mỗi khi độc giả đọc được một bài viết hay người ta luôn chỉ nhìn thấy tên tác giả. Đâu có ai biết được sự thầm lặng của những người biên tập đằng sau trang báo...

Xuyên đến tòa soạn sớm, phát hiện trên bàn là bó hoa sen chắc vừa mới hái. Cầm bó hoa lên hít hà hương thơm dịu dàng, Xuyên khẽ mỉm cười quay sang hỏi chị Hạnh:

- Ai để trên bàn em vậy?

- Chắc là Đạt chứ ai, thỉnh thoảng vẫn mang quà quê cho mọi người đấy thôi.

Phải rồi, thỉnh thoảng đi tác nghiệp về, được bà con yêu quý cho ít quà quê Đạt vẫn thường lên văn phòng chia lộc cho mọi người. Khi thì chùm vải đầu mùa, khi thì mấy quả na được bọc kĩ bằng giấy báo cho đỡ nát. Khi thì túi măng khô, Đạt cười bảo: “Em đi viết bài theo đơn thư bạn đọc được bà cụ cho măng đấy. Măng bà cụ tự phơi. Em không nhận mà cụ cứ treo lên xe. Em ở trọ có nấu nướng gì đâu, các chị mang về nhé. Bà cụ dặn lúc nào ăn nhớ ngâm qua vài nước cho măng nở ra, trắng lại”. Nhìn cậu phóng viên trẻ vừa mới ra trường, năng nổ, nhiệt huyết Xuyên bỗng nhớ tới tuổi trẻ của mình với bao nhiêu khát vọng. Nên chẳng biết từ bao giờ Xuyên coi Đạt như một đứa em trai nhỏ. Đã bao lần vì không chịu nổi áp lực công việc, Xuyên nghĩ đến việc sẽ rời khỏi tòa soạn để về nhà phụ chồng kinh doanh. Nhưng chính những người đồng nghiệp như Đạt đã níu chân Xuyên lại nơi này.

Là một phóng viên trẻ tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng Đạt lại là người làm nghề tử tế. Xuyên cảm nhận được tình yêu nghề của cậu phóng viên trẻ có trách nhiệm với từng câu từng chữ qua những bài báo mà Đạt viết. So với sự cẩu thả mà Xuyên thường nhận được, thì sự tử tế này khiến chị cảm động và trân trọng. Không phải người làm nghề nào cũng có được sự đau đáu trên mỗi trang viết. Sau mỗi lần đi tác nghiệp trở về Đạt hay ngồi lại suy tư. Đạt thấy đâu đó trong nhân vật của mình hình bóng của mẹ, của cha, của phận đời khốn khó. Đạt sợ ngôn từ của mình không lột tả hết được nỗi oan khuất, sự mất mát, đau thương mà họ đang gánh chịu. Có khi lại sợ ngôn từ không đủ sâu sắc để nói hết được sự ấm áp của tình người. Không đủ mềm mại, lấp lánh để nói hết được vẻ đẹp của non nước quê hương. Đạt chưa bao giờ ngừng trăn trở với từng câu chữ. Xuyên nghĩ chỉ có những phóng viên như thế thì tòa báo mới phát triển. Chỉ có những phóng viên như thế bạn đọc mới thấy mình được tôn trọng.

Chị Hạnh về phòng sau cuộc họp giao ban đầu tuần. Với tư cách là trưởng phòng biên tập chị mang tiếng nói của tất cả các anh em phòng mình tới lãnh đạo tòa soạn. Cuộc họp diễn ra khá gay gắt, nội dung chủ yếu xoay quanh chất lượng bài vở của các phóng viên. Kiên quyết đấu tranh với bài vở kém chất lượng, sự cẩu thả, lười nhác của một bộ phận phóng viên. Đây không phải lần đầu vấn đề này được đề cập trong các cuộc họp nhưng hiệu quả không cao do giải quyết chưa đến nơi đến chốn. Lần này các lãnh đạo tòa soạn cũng đã đưa ra quy định mới nhằm giải quyết tận gốc vấn đề. Nhuận bút sẽ được chấm dựa trên chất lượng bài vở khi chưa qua biên tập. Những bài viết ẩu sẽ bị cắt giảm nhuận bút. Những bài viết được đầu tư công sức sẽ được trả nhuận bút tương xứng. Chỉ có như vậy phóng viên buộc phải có trách nhiệm với bài viết của mình. Phòng biên tập mới bớt đi sự vất vả không đáng có. Tòa soạn mới mong ngày càng có thêm nhiều bài viết chất lượng, khai thác những đề tài nóng bỏng của xã hội xuất hiện trên mặt báo. Khỏi phải nói nghe chị Hạnh thông báo Xuyên và đồng nghiệp vui biết chừng nào. Mà có lẽ vui nhất là những phóng viên chân chính như Đạt.

Bó hoa sen dường như vẫn còn ngậm đầy sương sớm, e ấp tỏa hương khắp phòng biên tập. Hít hà từng nụ hoa, Xuyên ngửi thấy cả mùi thơm của bùn đất quê hương. Không một lời nhắn nào gửi lại nhưng Xuyên nường tượng ra cậu phóng viên trẻ trên đường đi tác nghiệp trở về tòa soạn lúc tờ mờ sáng. Trên tay ôm theo bó hoa sen mới mua được từ một người nông dân chân lấm tay bùn, mang về lặng lẽ đặt ở đây.

Mùa này trời thường sáng rất sớm. Từng tờ báo rời nhà in đến tay bạn đọc vẫn còn thơm mùi mực. Phía sau trang báo những con người tận tụy với nghề lại bắt đầu cho ngày làm việc mới. Trong số họ có những người chưa từng có tên xuất hiện trên mặt báo...

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top