Âm nhạc thực nghiệm châu Á: Làn gió mới từ chất liệu dân gian

14:03 - Thứ Ba, 04/07/2023 Lượt xem: 5885 In bài viết

Gần đây, nhiều nghệ sĩ dòng âm nhạc thực nghiệm trên khắp châu Á đang làm mới kho tàng âm nhạc dân gian bằng cách sử dụng nhịp điệu mới như funk, ambient làm chất liệu sáng tác... Phong trào này giúp xóa mờ ranh giới giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, nâng cao giá trị truyền thống trong âm nhạc bằng cách tiếp cận đầy sáng tạo.

Âm nhạc thực nghiệm mang màu sắc dân gian đang là hướng đi được nhiều nghệ sĩ châu Á lựa chọn.

Theo các nhà phê bình âm nhạc, theo quy luật, giai điệu dân gian sẽ dần bị lấn át bởi các dòng nhạc hiện đại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là âm nhạc dân gian sẽ bị nhấn chìm. Thực tế chứng minh, chất liệu truyền thống đang trở thành ý tưởng cho sáng tác mới, trong đó có dòng nhạc thực nghiệm, thông qua phương pháp sản xuất độc đáo, truyền tải thông điệp hiện đại của giới trẻ. Sản phẩm cuối cùng không phải để so sánh giá trị giữa truyền thống và tương lai mà là câu chuyện phong phú được viết lên theo dòng chảy thời gian, sự giao hòa giữa sắc thái cũ và mới.

Các thành viên ban nhạc thực nghiệm Churashima Navigator tại Okinawa (Nhật Bản) cho biết, dân ca của nước này đã biến đổi qua thời gian do ảnh hưởng từ Mỹ cũng như Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. “Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, Nhật Bản nằm dưới sự chiếm đóng của Mỹ, bởi vậy, âm nhạc bị ảnh hưởng bới các dòng nhạc phương Tây như blues, disco, funk, house, hip-hop..., tạo thành nền tảng âm nhạc Okinawa hiện đại. Dựa trên nền tảng này, ban nhạc đã tiến thêm một bước trong những sáng tác của mình nhằm làm rõ hơn bản sắc truyền thống. Trong quá trình hòa âm, phối khí, chúng tôi sử dụng nhạc cụ dân gian như đàn sanshin 3 dây, bộ trống shime taiko... và xử lý chúng thông qua các hiệu ứng âm thanh để tạo ra cá tính riêng cho ban nhạc” - DJ Sinkichi chia sẻ.

Sự mới mẻ trong âm nhạc của Churashima Navigator còn là do việc lấy chất liệu sáng tác từ những âm thanh đời sống hiện tại của Okinawa, chẳng hạn như tiếng máy bay chiến đấu tại các căn cứ không quân địa phương, các bài phát biểu tại các cuộc mít tinh. Theo các thành viên của nhóm, “chúng đại diện cho âm thanh của linh hồn Okinawa” song được kết hợp với nhịp điệu từ nhạc cụ truyền thống để nói lên sự muôn màu của vùng đất cực Nam Nhật Bản.

DJ/nhà sản xuất âm nhạc điện tử người Trung Quốc Temple Rat (tên thật là Mai Ngọc Hân) cũng đã cho ra đời nhiều tác phẩm thực nghiệm dựa trên cây đàn nhị. Lớn lên gần Thành Đô, cô bắt đầu chơi đàn nhị từ năm 9 tuổi trong khi những người trẻ khác lựa chọn nhạc cụ phương Tây như piano, violon. “Đối với nhiều người Trung Quốc, đàn nhị là nhạc cụ vô cùng buồn bã, không chỉ vì âm thanh của nó mà còn vì các nhân vật đàn nhị trong các câu chuyện âm nhạc dân gian sống trên đường phố như những kẻ ăn xin” cô giải thích. Thay vì nhấn mạnh vào giai điệu ám ảnh của nhạc cụ, nghệ sĩ đã kết hợp nó với các kỹ thuật điện tử mới, tối giản, mang lại âm thanh ấm áp cho đàn nhị.

Temple Rat cũng yêu thích cồng chiêng và trống của tỉnh Sơn Tây. Cô đã gây ấn tượng mạnh với khán giả tại Lễ hội âm nhạc Âm Dương năm 2018, được tổ chức trên Vạn Lý Trường Thành, khi sử dụng nhiều loại trống khác nhau. "Ngay từ thời nhà Đường, người ta đã sử dụng những chiếc trống này như một tín hiệu để đối thoại. Là một DJ giao tiếp với khán giả, không có gì ngạc nhiên khi tôi bị thu hút bởi câu chuyện này” - nữ nghệ sĩ chia sẻ.

Temple Rat thích kết hợp các phong cách và phương pháp sản xuất khác nhau, không cứng nhắc. Cô cũng đang nghiên cứu về sáo gỗ, loại nhạc cụ có “âm thanh kéo dài và bay bổng khiến người nghe liên tưởng tới những rừng trúc tuyệt đẹp chìm trong sương mù, những ngọn núi trập trùng ở Tứ Xuyên. Hiện tại, Temple Rat đang dần ghi dấu ấn của mình trong cộng đồng nhạc thực nghiệm châu Á và đã có sản phẩm âm nhạc kết hợp với nhạc sĩ nước ngoài.

Tại Mông Cổ, Davaajargal Tsaschikher, nghệ sĩ guitar và giọng ca chính của ban nhạc rock Mohanik, đã giúp người nghe quay ngược thời gian trở về với những lễ hội tín ngưỡng cổ xưa qua đĩa đơn Re Exist. Nghệ sĩ kết hợp âm thanh từ máy bay, nghệ thuật hát từ cổ họng của người Mông Cổ, đàn môi, đàn morin khuur (Mã đầu cầm) để tạo ra cảm giác rộng lớn. Tsaschikher giải thích: "Các nghi lễ cổ xưa của chúng tôi có liên quan sâu sắc đến pháp sư du mục, đạo Tengr và các linh hồn tự nhiên. Thông qua các thí nghiệm âm thanh, tôi đã khám phá ra các yếu tố khí quyển từ âm thanh du mục truyền thống và các nhạc cụ điện tử".

Âm nhạc thực nghiệm đã mở ra một sân chơi không có sự giới hạn về sáng tạo, giúp các nghệ sĩ khám phá khả năng tiềm ẩn của mình và cống hiến cho nền âm nhạc thế giới những tác phẩm mới đầy khác biệt. Sự kết hợp giữa chất liệu dân gian và âm hưởng đương đại sẽ trở thành lối đi được nhiều nhạc sĩ và khán giả hưởng ứng.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top