Dịch giả trẻ vừa thừa, vừa thiếu, chưa đáp ứng về cả số lượng và chất lượng

09:08 - Thứ Hai, 10/07/2023 Lượt xem: 6024 In bài viết

Những năm gần đây, sự nhập cuộc sôi nổi của đội ngũ dịch giả trẻ đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của thị trường sách, cổ vũ tích cực cho văn hóa đọc. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, trừ một số trường hợp tài năng đặc biệt, vẫn còn số lượng không nhỏ các dịch giả giỏi ngoại ngữ, nhưng lại yếu tiếng Việt.

Dịch giả nhí Lily (ngồi giữa) tham gia tọa đàm về văn học dịch.

Theo thống kê từ các nhà xuất bản, công ty sách… hầu hết các đơn vị duy trì số lượng đầu sách dịch chiếm hơn 50%, có đơn vị trên dưới 80%. Tín hiệu này cho thấy đang có một nhu cầu khá lớn trong tiếp nhận văn học dịch của bạn đọc và vai trò quan trọng của dịch giả trong công tác biên dịch, quảng bá giá trị văn học trong nước ra nước ngoài và ngược lại.

Dù vậy, ở nhiều tọa đàm, hội thảo, giới chuyên môn cũng chỉ ra thực tế “vừa thừa, vừa thiếu” dịch giả. Nếu tính về số lượng nhân sự đang công tác ở lĩnh vực này thì khá đông đảo, ngày càng trẻ hóa, được đào tạo bài bản, nhiều dịch giả du học ở nước ngoài về. Song, khi phân chia mảng đề tài chuyên biệt, đặc biệt là thể loại sách khoa học, sách chuyên ngành… thì đội ngũ dịch giả lại chưa đáp ứng về cả số lượng và chất lượng. Đó cũng lý do mà ở nhiều giải thưởng văn chương, suốt nhiều năm liền, hạng mục Văn học dịch thường bị bỏ trống hoặc nếu có thì đó là các “cây đa, cây đề” trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa các loại ngôn ngữ, như tiếng Anh chiếm ưu thế lớn, các ngôn ngữ khác dịch giả thưa vắng cũng là vấn đề đáng suy ngẫm. Những nhà xuất bản quy mô, tỷ lệ sách ngôn ngữ tiếng Anh chiếm khoảng 70%, các ngoại ngữ khác khoảng 20%.

Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chỉ ra một thực tế đáng lo ngại: Phần lớn dịch giả giỏi thuộc thế hệ trước, họ không còn nhiều thời gian, trong khi thế hệ kế thừa khá mỏng. Dù có tín hiệu khả quan là một số dịch giả trẻ có nền tảng tốt về mặt ngôn ngữ, tri thức, đam mê… nhưng số lượng lại vẫn còn ít ỏi. Giỏi ngoại ngữ nhưng yếu tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt - là một trong những vấn đề lớn mà dịch giả trẻ đang mắc phải. Nhiều đơn vị xuất bản đã nỗ lực “chọn mặt gửi vàng”, nâng cao công tác kiểm soát sau biên tập nhưng khi phát hành nhiều tác phẩm vẫn mắc lỗi tiếng Việt, thậm chí trở thành “thảm họa dịch thuật”.

Có những ấn phẩm bị bạn đọc phê phán ngôn ngữ cẩu thả, lộn xộn, mập mờ… Và lỗi này không chỉ dịch giả từng du học mắc phải mà là vấn nạn chung, bộc lộ vốn tiếng Việt nghèo nàn, ý thức trách nhiệm với nghề còn kém. Về phía các dịch giả, họ cũng thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng để có thêm động lực và một trong những yếu tố gây tranh cãi đó là mức thù lao phổ biến khoảng 40.000-70.000 đồng/trang in (theo sách gốc). Như vậy, nhuận bút cho một cuốn sách dịch khoảng 10-15 triệu đồng trong khi thường các dịch giả phải mất nhiều tháng mới có thể hoàn thành một cuốn sách dịch. Không ít dịch giả đã chọn hướng thay đổi nghề nghiệp, sử dụng vốn ngoại ngữ vào những công việc khác để mưu sinh.

Bên cạnh những nguy cơ có thể đã ở mức báo động, những tín hiệu đáng mừng từ một số dịch giả trẻ tài năng vẫn mang đến sự lạc quan, tin tưởng của bạn đọc và giới xuất bản. Dịch giả Nguyễn Bình mới ngoài 20 tuổi, là du học sinh Việt Nam tại Mỹ đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng Tác giả trẻ ở hạng mục Văn học dịch với tác phẩm dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh. Từ khi còn nhỏ, Nguyễn Bình đã say mê tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc và có những tương tác sâu sắc. Sau khi đọc các bản dịch Truyện Kiều đã có bằng tiếng Anh, anh nhận thấy bản dịch của mình phải làm sao toát lên được “chất nghệ thuật của Truyện Kiều”, khác với các bản dịch đã có.

Khi mới 10 tuổi, dịch giả nhí Lily đã dịch thành công cuốn sách khoa học-lịch sử “Unstoppable us” của tác giả Yuval Noah Harari sang tiếng Việt. Giám đốc xuất bản Omega Plus Trần Hoài Phương cho biết, ngay sau khi đơn vị hoàn thành thủ tục mua bản quyền cuốn sách xong, đã nghĩ đến dịch giả Lily bởi cô bé từng có bản dịch cuốn sách “Những vệ thần tuổi thơ của William Joyce” với chất lượng tốt. Cuốn sách của Yuval Noah Harari có văn phong nhẹ nhàng, lối dẫn dắt, diễn giải theo logic của trẻ thơ nên một dịch giả nhí sẽ có lợi thế hơn người lớn trong việc tiếp thu và truyền đạt lại nội dung sách.

Nguyễn Khang Thịnh (sinh năm 2007) là dịch giả của “Evie và chuyến phiêu lưu ở rừng nhiệt đới” của tác giả Matt Haig. Dịch cuốn sách trong chưa đầy ba tháng, tuy gặp khó khăn trong việc chuyển tải nét hài hước qua cách tác giả “chơi chữ” tiếng Anh, Khang Thịnh vẫn chinh phục được bạn đọc khó tính. Ngoài ra có thể kể đến các hiện tượng khác như Nguyễn Xuân Nhật khi mới học lớp 5 đã là dịch giả của nhiều cuốn sách thiếu nhi được nhiều bạn nhỏ yêu thích, như: Bộ Sách lật tương tác song ngữ, Sách đố vui lật mở song ngữ, Sách tập kể chuyện cho trẻ, bộ Go Green…

Sự nhập cuộc sôi nổi của đội ngũ dịch giả trẻ cùng yêu cầu khắt khe từ bạn đọc là những yếu tố cần thiết thúc đẩy văn học dịch hoàn thiện cả năng lực về số lượng và chất lượng. Chia sẻ về câu chuyện này, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết: Việc kế thừa và phát huy giá trị của văn học dịch mang tính quy luật và càng cần thiết trong xã hội hiện nay. Chúng ta đang có một thế hệ mới thông thạo ngoại ngữ, đủ khả năng dịch thuật, sáng tạo là một lợi thế và điều quan trọng hơn, họ cần chuyển tải tinh hoa văn hóa dân tộc, bản sắc Việt cũng như sự chuẩn mực, gợi mở, thu hút của ngôn ngữ tiếng Việt.

Có như vậy, văn học dịch mới phát huy tối đa sự đổi mới, cống hiến tích cực và thiết thực vào quá trình xuất bản, quảng bá văn học và phụng sự bạn đọc. Bối cảnh mới đặt lên vai các dịch giả trẻ nhiệm vụ đưa văn hóa, văn học nước nhà hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, để không dừng lại ở hoạt động gặp gỡ, giao lưu, khám phá sơ lược mà phải có tác động đa chiều, có thể lan tỏa đến các lĩnh vực khác, chiều kích khác của đời sống văn hóa tinh thần. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá cao các dịch giả nhí bởi ngoài năng lực “thần đồng”, các em còn truyền cảm hứng đặc biệt cho các bạn nhỏ khác tự tin trở thành tác giả, dịch giả.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top