Thanh âm từ núi và chuyến điền dã âm nhạc thể nghiệm

09:42 - Thứ Hai, 17/07/2023 Lượt xem: 6262 In bài viết

Kết hợp đàn tranh, beatbox, sáo cây, khèn, kèn trumpet… lấy âm nhạc bản địa của dân tộc H’Mông làm trung tâm kết nối, các nghệ sĩ tham gia dự án âm nhạc Thanh Cảnh đang kiến tạo cuộc gặp gỡ hai nền âm nhạc Ðông Tây và sự hội nhập trong giao lưu văn hóa.

Các nghệ sĩ nhóm dự án Thanh Cảnh biểu diễn tại huyện Ðồng Văn (Hà Giang).

Sáng kiến nghệ thuật Thanh Cảnh 2023 được khởi xướng và tổ chức bởi nền tảng văn hóa và nghệ thuật Lên Ngàn, đồng tổ chức Counterflows (UK) dưới sự bảo trợ của Hội đồng Anh. Sáng kiến là cơ hội cho các nghệ sĩ tiềm năng của Việt Nam học hỏi, sáng tạo và phát triển con đường nghệ thuật. Ðiền dã âm thanh là một trong những hoạt động mở màn cho dự án, bên cạnh các sự kiện trò chuyện, thảo luận với nghệ sĩ, mở xưởng, biểu diễn và giới thiệu tác phẩm.

Ðiểm dừng chân đầu tiên của nhóm sáu nghệ sĩ trong nước và quốc tế là tại xã Sủng Trái, huyện Ðồng Văn, Hà Giang. Trần Hoài Anh (đàn tranh), Lương Ngọc Minh (kèn trumpet), Nguyễn Bảo Trung (beatbox), Ly Mí Cường (khèn Mông) và hai nghệ sĩ Inge Thomson, Sholto Dobie đến từ Scotland (UK) đã gặp gỡ, làm việc chung, cùng tìm tòi, thử nghiệm âm nhạc của nhau, tạo nên những yếu tố mới mẻ trong sự giao lưu, hội nhập âm thanh. Bên cạnh các nghệ sĩ nước ngoài với trái tim nồng nhiệt, sẵn sàng đón nhận nét đẹp văn hóa Việt Nam nói chung và vùng đất Hà Giang nói riêng, điều đặc biệt trong sáng kiến âm nhạc này là sự tham gia của Ly Mí Cường, một nghệ sĩ không chuyên người H’Mông đóng vai trò kết nối các nghệ sĩ với người và cảnh vật chung quanh.

Ðặt chân lên cao nguyên đá, ngồi trong căn nhà của gia đình Ly Mí Cường, ăn cơm và trò chuyện, nghe bố mẹ Cường nói chuyện, tìm hiểu những câu chuyện về văn hóa H’Mông, các nghệ sĩ của dự án Thanh Cảnh cảm nhận và trải nghiệm văn hóa dân tộc ngay trong không gian văn hóa truyền thống, thăm đồng bào dân tộc, gặp gỡ nghệ nhân, người làm nhạc cụ và chơi nhạc cụ dân gian.

Ly Mí Cường sinh ra và lớn lên tại cao nguyên đá Ðồng Văn, được học sáo, đàn môi, khèn… bằng phương pháp truyền miệng từ các nghệ nhân dân gian và thực hành âm nhạc dân tộc mỗi ngày trên vùng đất của mình. Cường mong muốn phát triển nghệ thuật dân gian H’Mông theo hướng đương đại thông qua học tập, học hỏi và giao lưu với các nghệ sĩ trong nước và quốc tế, cũng như qua các dự án âm nhạc. Ðang theo học chuyên ngành nhạc cụ truyền thống tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Cường đã chia sẻ và kể những câu chuyện văn hóa bản địa, văn hóa của người H’Mông thông qua biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp với một số nghệ sĩ có tiếng.

Tham gia cùng nhóm nghệ sĩ Thanh Cảnh, có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc thể nghiệm càng khiến Ly Mí Cường muốn khai thác nhiều hơn nữa chất liệu dân gian bản địa và đưa giai điệu truyền thống vào âm nhạc hiện đại. Cường chia sẻ: Âm nhạc dân tộc H’Mông xoay quanh cuộc sống hằng ngày của người đồng bào. Ðứng trong khung cảnh của quê hương mình, được chơi nhạc bản năng và đúng chất của một người H’Mông. Nhiều sáng tác được nảy ra từ những hoàn cảnh khó khăn, cảm xúc khi lên nương, hát dân ca dân tộc mình. Còn âm nhạc chuyên nghiệp cần sự bài bản, chỉn chu. Sai một nốt nhạc là hỏng luôn cả dàn nhạc. Văn hóa dân tộc vô cùng quan trọng, vì vậy người trẻ cần có những chuyến đi thăm và trò chuyện với nghệ nhân, tìm hiểu kiến thức để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong những màn trình diễn ngẫu hứng trên cao nguyên núi đá hay trong không gian ngôi nhà cổ hơn trăm năm, cùng hòa âm đa sắc là tiếng beatbox của Nguyễn Bảo Trung, nghệ sĩ trình diễn, nghệ sĩ thị giác đến từ Hà Nội. Sử dụng âm vực, cơ trong khoang miệng để tạo âm thanh, Bảo Trung nghiên cứu về nhạc thể nghiệm với giọng nói, âm thanh cũng như tập trung thể hiện tiếng nói của bản thân.

Tham gia chuyến điền dã âm thanh này, hành trình sáng tác nghệ thuật của Bảo Trung lại ăm ắp phong cảnh thiên nhiên, núi rừng, những con người bản địa và câu chuyện của người dân địa phương… Lắng nghe tiếng nói của người H’Mông qua những câu chuyện nhỏ, tìm hiểu nhạc cụ và giọng nói của họ, tai nghe mắt thấy nghệ nhân chơi khèn, quan sát cách chơi khèn của mỗi nghệ nhân phụ thuộc vào cơ thể và hơi thở của chính họ, nhạc và âm thanh, chuyển động của tay, chân và toàn bộ cơ thể, cách họ nhảy múa với khèn, với Bảo Trung, Hà Giang không chỉ là mảnh đất của những âm thanh tuyệt vời, mà mọi khía cạnh âm thanh đều có tác động làm cho nhạc cụ có tính người và âm vọng.

Thanh Cảnh là dự án nghệ thuật không có giám tuyển âm nhạc. Các nghệ sĩ hoạt động ở các loại hình nghệ thuật khác nhau trên nền âm thanh, liên kết tìm tòi những hình thức biểu đạt mới, những ngôn ngữ nghệ thuật mới có tính chất liên ngành. Không bó hẹp trong khái niệm âm nhạc truyền thống hay âm nhạc thể nghiệm, tuy mỗi nghệ sĩ có một hướng đi khác nhau, hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đương đại, thể nghiệm, dân gian truyền thống, jazz, nhạc điện tử, nghệ thuật thị giác…, nhưng gặp nhau ở một điểm chung để phát triển các tác phẩm âm nhạc mới. Mỗi thành viên là một mắt xích quan trọng và mang sắc thái riêng biệt. Cảnh sắc và âm thanh của những con côn trùng kêu rả rích quanh nhà, tiếng mưa tí tách, dân ca và nhạc cụ, cuộc sống vất vả của đồng bào vùng cao, những buổi lên nương đi qua những con đường ngoằn ngoèo… đều tác động đến cảm xúc của các nghệ sĩ, trở thành chất liệu thu âm, chế tác nhạc cụ truyền thống, làm nên những tác phẩm âm nhạc.

Tuy chỉ đồng hành cùng đồng bào H’Mông trong khoảng thời gian không dài, nhưng các nghệ sĩ đã trở thành một phần của cộng đồng địa phương, chia sẻ công việc trong không gian sống với người bản địa… để tìm tòi chất liệu sáng tác. Chuyến đi cũng là cơ hội để các nghệ sĩ thực hành lắng nghe những âm thanh của tự nhiên, phát triển các chất liệu nghệ thuật địa phương qua biểu đạt âm nhạc thể nghiệm.

Có thể thấy, cùng với sự phát triển các không gian âm nhạc thể nghiệm, sự kết nối, sáng tạo của sáu nghệ sĩ đã góp phần làm phong phú, mới mẻ các chất liệu âm nhạc quen thuộc. Từng có những lo lắng, băn khoăn về sự cân bằng các màn trình diễn giữa tác phẩm đến từ các nền văn hóa khác nhau, Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Giám đốc nghệ thuật Lên Ngàn chia sẻ: Trong bối cảnh di sản truyền thống đang mất dần, các loại hình nghệ thuật truyền thống không còn thu hút khán giả, giá trị của di sản không phát triển được, nếu không tìm được hướng đi mới mà cứ loay hoay phát triển theo lối mòn thì di sản sẽ như thế nào trong tương lai, di sản thuộc về ai, thế hệ đi sau đang được thôi thúc hãy coi di sản là chất liệu để sáng tác và bảo tồn nét tinh túy độc đáo trong âm nhạc cổ truyền, là cách thức mới trong biểu đạt. Qua các tác phẩm âm nhạc đương đại, có thể nhìn lại và soi chiếu câu chuyện từ quá khứ, thấy mình trong hiện tại để hình dung tương lai của thế hệ trẻ.

Tuy âm nhạc thể nghiệm mang tính truyền thống không mang tính đại chúng nhưng âm nhạc đương đại đang mở ra những góc nhìn đa chiều về nhạc cụ và các hình thức biểu diễn. Việc tác động và thúc đẩy các cộng đồng nhỏ, không gian sáng tạo nhỏ như Lên Ngàn hay Trung tâm Âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm Ðom Ðóm… sẽ góp phần duy trì không gian cho nghệ sĩ phát triển, sáng tác, đồng thời hỗ trợ và đồng hành nhóm nghệ sĩ, nhà sáng tạo thể hiện tiếng nói trong nghệ thuật và các dự án về âm nhạc. Trong quá trình suy nghĩ, cộng hưởng, thử nghiệm, nghệ sĩ sẽ chắt chiu góp nhặt, chia sẻ với công chúng thành quả âm nhạc đáp ứng được nhu cầu biểu hiện của cá nhân và mong muốn thụ hưởng của khán giả trong bối cảnh âm nhạc Việt Nam đang tương tác, cộng hưởng mạnh mẽ với âm nhạc quốc tế.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top