“Ông Điện Biên”

08:56 - Thứ Bảy, 22/07/2023 Lượt xem: 7409 In bài viết

Cha tôi yếu lắm rồi. Buổi sáng, không đi bộ được nữa. Nhưng, đã thành nếp, cứ tầm 5 giờ là cha… ra đường, vịn vào cánh cổng, nhìn xa xa. 

Phải hơn tiếng sau tôi mới thức dậy, làm những việc cá nhân trước khi đến cơ quan. Nhanh gọn, tuần tự, quen thuộc… Hôm nào cũng giống hôm nào, bao năm rồi cũng ngần đấy việc.

Tôi không biết khoảng thời gian riêng tư của cha. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là cha thức dậy đón bình minh, lấy sự tĩnh lặng, khí trời mát mẻ. Tuổi cao rất cần những không gian như thế.

Tôi vô tâm. Cho mãi tới một hôm, tôi dậy sớm bất thường. Trắng đêm, không chợp mắt được vì một chuyện không đâu. Trời còn mờ mờ, tôi đã dậy, mở cửa, lơ vơ đi ra.  Giật mình, cổng nhà đã mở. Một bóng người đứng im. Cha. Tôi nhón chân sát lại, nín thở theo dõi.

Có tiếng nói, nhỏ nhưng rõ:

Hôm nay sao chưa thấy đứa nào nhỉ? Ðường to đẹp thế này mà không chịu về chơi. Hay là giận… hay là không thấy tao lên đồi A1 đón. Khổ quá, dạo này thở còn chả được, đi đâu được nữa, thông cảm cho.

Ô, Minh à, có thế chứ, lại đây, lại đây. Mà sao đến có một mình, thằng Hùng, thằng Thạnh cùng tiểu đội đâu, chúng mày thân nhau lắm cơ mà… Ơ, quên à, tao ở A1, chúng nó tít trên Mường Pồn thỉnh thoảng mới xuống chứ. Ừ nhỉ, đầu óc chán quá, tao thì chín mươi rồi, chúng mày mãi mười chín.

“Chín mươi - mười chín”, tôi thấy gai người. Gió sớm lạnh hơn. Cha đang cái bóng nghiêng mờ, cây gậy như oằn xuống. Tôi muốn nghe tiếp câu chuyện của cha. Nhưng một chiếc ô tô tải chở hàng sớm, ầm ầm qua. Tiếng động cơ buổi sáng thật chói.

Xung phong! Xung phong! Trúng rồi! Cháy rồi. Cây gậy giương lên, cha dướn lên cùng tiếng hô to.

Mấy người đi thể dục về, dừng lại. Có người giật mình. Mấy người đã quen, nói: ông Ðiện Biên hôm nay đánh trận lớn quá, chiến thắng chứ ạ. Rồi tất cả quây quanh cha. Cha cười nói rổn rảng: Thắng chứ, trận cuối cùng này là phải thắng chứ. Quân ta toàn thắng rồi… Giải phóng Ðiện Biên rồi… Giải phóng Ðiện Biên bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui…” - Cha ngân nga hát, giọng khỏe đến bất ngờ. Không ai bảo ai, tiếng hát cùng cất lên.

Tôi ra dìu cha về. Mọi người bảo, ông cụ nhà anh đẹp lão quá… hô xung phong còn vang lắm.

Sau giải phóng Ðiện Biên, cha ở lại Ðiện Biên.  Mấy năm đầu thỉnh thoảng cha bị sốt rét, còn mấy chục năm nay, ông chưa phải đi viện. Ðất trời sông núi Ðiện Biên cho cha sức khỏe.

Tôi xem các chỉ số xét nghiệm sức khỏe của cha, thấy mừng, tuổi này như thế là… an toàn. Nhưng, thời gian tuổi tác không bao giờ chiều theo ý người. Dạo này, tôi thấy sức khỏe cha đi xuống rõ rệt. Mới tuần trước, tuần nay mà cha xọp hẳn. Ngồi xuống như ngồi mãi, muốn đứng dậy phải người đỡ nách, rồi mới tự lần rờ bước một.

Cha ngày càng ít ngủ. Ðêm đêm, nghe tiếng cựa mình, thở dài, ho khặc khụa… mà xót ruột.

Rồi mấy ngày gần đây, sáng sáng, cha không ra cổng đón bình minh được nữa.

Tôi phải dậy sớm hơn, tự mở cổng, phóng xe đi làm.

Một sáng, tôi bị dậy muộn, không hiểu sao mở mắt ra đã là 7h20. Cuống cuồng, ào ào các việc… dắt xe ra cổng hết 4 phút. Nhưng, trời ơi làm sao thế này, xe không tài nào nổ được. Mặc đề mặc đạp, xe cứ như cục sắt trơ ì ra. Mãi không sao, hôm nay đã muộn thì chớ, chết rồi… đầu tôi nóng ran nghĩ tới buổi họp quan trọng.

Kết quả cuối cùng, xe không cần biết người sớm muộn, bắt tôi phải đẩy nó vào nhà. Chả còn cách nào khác, tôi đành gọi taxi. Giời ơi, lại tút tút không trả lời, thật là họa vô đơn chí.

Tôi như kẻ điên, tất tả ra cổng ngóng ngược ngóng xuôi, mong gặp một ai đó để xin đi nhờ. Hôm nay lại khác hẳn mọi ngày, mãi mà đường vẫn vắng teo. 5 phút sau, tôi đành quay vào nhà, hết hy vọng.

Tôi chán nản nhìn cái xe, bất giác vỗ mạnh một cái cho thỏa cơn tức. Cha không nghe thấy, cha đang lần lần ra cổng. Tôi ngẩng lên, giật mình không thấy cha đâu. Tôi gọi to mấy câu thì có tiếng cha ngoài cổng.

Ðầu tôi đã dịu lại, tự nhiên ngồi lên xe, vô thức đề một cái. Nổ rồi. May quá, tôi khoan khoái phóng đi luôn, muộn còn hơn không.

Giờ giải lao mọi người xúm lại hỏi tôi làm sao hôm nay “cái đồng hồ” lại đi muộn. Tôi thật thà kể. Ðám đông râm ran bình luận. - Dùng mãi, ắt phải có ngày dở chứng, bình thường mà. Chắc tại anh vội, đề đạp cuống cuồng, nó trơ ra là phải. Thôi, anh tấm gương mãi rồi, cũng phải có lần điểm trừ như thế này chứ…

Tôi cười chừ. Tôi đã giấu chuyện xe nổ máy được khi cha ra đứng cổng. Nó chỉ là ngẫu nhiên, vô tình, hư thực… khó tin.

Chiều hôm ấy, tôi vừa về thì cha đã bảo ngay, tối nay nhà mình có khách. Cha kể… Có đoàn con cháu của cụ Minh lên Ðiện Biên viếng mộ. … Không hiểu sao họ biết được bố, gọi điện hẹn từ mấy hôm trước... Vâng, mình ở Ðiện Biên, gần các nghĩa trang liệt sĩ, con sẽ tiếp đón, giúp đỡ họ chu đáo, bố cứ yên tâm.

Tối nay nhà tôi thật vui. Chủ khách hai mâm chuyện trò, nói cười, chúc sức khỏe... Khoảng cách 700 cây số giờ gọn trong tình người nhà đồng đội. Ông con trai cụ Minh chốc lại vột vạt, quý hóa quá, may mắn quá, gia đình chúng con lại gặp được bạn chiến hào của bố con ngay giữa chiến trường Ðiện Biên xưa. Tôi hỏi luôn, như thế nào mà anh lại tìm ra bố em. Là thế này… suốt mấy chục năm, đi khắp các nghĩa trang mà nhà tôi chẳng biết bố tôi nằm ở nơi nao. Tôi cứ nghĩ bố mình mãi là “liệt sĩ chưa biết tên” ở một nghĩa trang nào đó, thì một hôm thằng cháu về khoe toáng lên, cháu xem facebook, có một cụ già cứ gọi Minh ơi... Có khi họ biết ông mình đấy. Cháu mở clip ra xem, thấy một cụ đứng ở cổng, đang nói chuyện một mình, rõ là nhắc đến tên Minh, các liệt sĩ Ðiện Biên.

 Cả nhà tôi cùng đưa đoàn con cháu cụ Minh đi viếng nghĩa trang liệt sĩ do cha làm trưởng đoàn. Cha vui lắm, bước đi giọng nói khỏe hẳn lên.

Tháng 7 những ngôi mộ như sáng lên trong dòng người thăm viếng. Qua bạt ngàn các bia mộ, cha dừng lại một ngôi - đây Nguyễn Văn Minh (Quảng Xương, Thanh Hóa) ở đây… Minh ơi, hôm nay… con cháu bạn…. lên Ðiện Biên… rồi…

Cha đang khóc, chòm râu đang nấc gọi. Tôi thấy bầu trời nằng nặng.      

Truyện ngắn của Nguyễn Dũng

Bình luận

Tin khác

Back To Top