Người Thái Chà Nưa gìn giữ nghề đan lát truyền thống

08:26 - Thứ Bảy, 29/07/2023 Lượt xem: 6665 In bài viết

ĐBP - Bà con dân tộc Thái ở huyện Nậm Pồ có nhiều nghề thủ công truyền thống khác nhau như: Nghề dệt vải, nghề đan lát, nghề rèn công cụ… Trong các nghề đó, nghề đan lát là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời nhất. Tại xã Chà Nưa, nghề đan lát được người Thái gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến nay, nghề đan lát vẫn được bảo tồn và phát huy.

Ông Thùng Văn Ðôi đan chiếc mũ thủ công của dân tộc Thái.

Là huyện miền núi, biên giới với 8 dân tộc sinh sống. Ðồng bào dân tộc Thái ở huyện Nậm Pồ có cả ngành Thái đen và Thái trắng, chiếm 18,50% trong tổng số 8 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn huyện, tập trung chủ yếu ở 5 xã: Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn và Nà Hỳ. Từ trung tâm huyện, theo đường ra Km45, chúng tôi vòng về xã Chà Nưa, người dân các bản ở dọc theo hai bên đường và bên kia suối đẹp tựa bức tranh hữu tình với những ngôi nhà sàn vững chãi, đường bê tông khang trang đến từng bản. Phía trước trụ sở UBND xã là dòng chữ màu trắng to: “Chung tay xây dựng bản mường”. Dường như một cuộc sống mới “no cơm, ấm áo” đang hiện hữu trong từng ngôi nhà ở Chà Nưa. Trong ngôi nhà sàn tuy nhỏ nhưng khá kiên cố của gia đình ông Tao Văn Pín - một trong những nghệ nhân đan lát giỏi tại bản Nà Ín, xã Chà Nưa. ông Pín và vợ đang miệt mài đan cái mâm cơm và cóong khẩu của dân tộc Thái để kịp gửi cho khách. Là một thợ đan giỏi nên ông Pín có nhiều vật dụng được đan lát thủ công, từ cái mâm cơm, cái ếp mà các chị, các mẹ hay đeo bên hông khi đi làm nương, làm ruộng, chiếc đó bắt cá, rổ, rá, sọt đựng nông sản trên nương... Tất cả những đồ dùng này là do tự tay ông Pín làm để phục vụ gia đình và bán ra các vùng lân cận tạo thêm thu nhập cho gia đình. Năm nay ông Pín đã 78 tuổi, thế nhưng đôi bàn tay thô ráp của ông thoăn thoắt với những sợi nan mỏng để hoàn thiện cái mâm cơm đang đan dở. Ông Pín tâm sự: “Từ bé tôi đã được bố, mẹ dạy cho cách đan những vật dụng trong gia đình, nhìn bố mẹ làm tôi học dần. Ðến lúc trưởng thành, hầu hết các vật dụng từ đơn giản đến phức tạp thì tôi đều biết đan, giờ thông thương thuận lợi, mạng xã hội phát triển, tôi không chỉ đan phục vụ gia đình mà tôi còn đan bán và đan theo yêu cầu của khách đặt trên facebook của các con”.

Theo ông Thùng Văn Ðôi, ở bản Nà Ín, xã Chà Nưa, nguyên liệu dùng để đan lát của người Thái thường được khai thác ở các đồi núi quanh địa bàn cư trú, bao gồm các loại cây như: Tre, mây, giang, sặt, dây rừng... Những nguyên liệu này được lựa chọn bằng kinh nghiệm thực tế của người thợ đan lát. Ðể có sản phẩm đan lát đẹp, bền thì việc chọn nguyên liệu rất quan trọng, tuy sẵn có nhưng phải biết lấy những cây không già quá, không non quá, không cụt ngọn. Khi mang về nhà cũng không để lâu quá vì cây khô, mọt sẽ khó chẻ nan và cũng không giữ được độ dẻo thích hợp, khi uốn nan dễ bị gẫy. Ðồng thời, những cây mây, tre phải thẳng đều và dài thì mới cho ra sợi nan suôn mượt, để khi đan không phải nối nhiều đoạn. Sau khi đã chọn được cây tre, giang, mây... đủ tiêu chuẩn, người đan sẽ bắt tay vào việc vót nan. Công đoạn vót nan cũng mang yếu tố quyết định để sản phẩm đẹp, do đó đòi hỏi người đan phải có kinh nghiệm. Chẻ nan mỏng hay dày là tùy thuộc vào sản phẩm sẽ được đan. Chẻ nan xong thì phải chuốt sao cho nan có độ mềm, nhẵn và đều, để khi đan các nan khít vào nhau. Nan chuốt xong mang đi ngâm suối 2 hôm để đảm bảo không bị mối mọt. Nghề đan lát đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu chuẩn bị các nan đan cho đến khâu cuối cùng thành sản phẩm. Kỹ thuật đan của người Thái cũng rất đa dạng, bà con thường chọn kiểu đan tùy theo sản phẩm định đan, chẳng hạn đan rổ, rá, giần, sàng, bu để nuôi nhốt gia cầm thì đan long mốt, long đôi, đan ô vuông, lồng ngang dọc. Còn đối với các vật dụng như mâm ăn cơm, cóong khẩu, giỏ đựng kim chỉ của chị em phụ nữ thì lại thường là đan bắt chéo, đan hình quả trám để tạo hình hoa văn cho sản phẩm thêm thẩm mỹ. Sau khi đan xong các vật dụng, bà con thường gác lên bếp hun khói khoảng 1 tháng để giữ cho đồ dùng bền và bóng đẹp hơn.

Ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết: “Lịch sử sinh sống ngàn đời của dân tộc Thái đã hình thành nên nền văn hóa cổ truyền đặc trưng. Xã Chà Nưa có 6 bản, trong đó, 5 bản người dân tộc Thái. Người Thái ở đây vẫn giữ được nguyên nghề đan lát. Hầu hết lớp người cao tuổi tại xã Chà Nưa ai cũng biết đan lát các sản phẩm thủ công. Nghề đan lát không chỉ giúp đồng bào Thái ở đây giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn giúp bà con có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Thời gian tới xã tiếp tục tuyên truyền tới bà con về tầm quan trọng của việc bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc để người dân tích cực tham gia bảo tồn, lưu giữ những sản phẩm truyền thống độc đáo. Ðồng thời, quan tâm hơn nữa đến việc truyền nghề, dạy nghề cho những người trong độ tuổi lao động, thanh, thiếu niên để nghề đan lát không bị mai một”.  Hiện nay, đời sống của đồng bào các dân tộc nói chung đã có nhiều thay đổi. Với sự xuất hiện của những vật dụng bằng nhựa, bền, rẻ được bán nhiều trên thị trường, nhất là việc tìm cây giang, cây mây không còn dễ dàng như trước mà phải đi rất xa thì việc đan lát để dùng không còn được nhiều người lựa chọn. Người đan giỏi chủ yếu là lớp người cao tuổi thì cũng không còn nhiều, lớp trẻ ngày nay hầu như không thích thú với việc đan lát. Do vậy, để giữ được nghề đan lát của người Thái nói riêng và giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung, huyện Nậm Pồ đã xác định việc khôi phục và bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025 này.

Ðỗ Thành Trung (huyện Nậm Pồ)
Bình luận

Tin khác

Back To Top