Bảo quản hiện vật trong các bảo tàng mỹ thuật: Làm sao để tránh những “thảm họa”?

16:36 - Thứ Hai, 31/07/2023 Lượt xem: 5974 In bài viết

Mặc dù công tác bảo quản hiện vật hiện nay đã có nhiều cải thiện so với nhiều năm trước, nhưng vấn đề bảo quản vẫn là chủ đề nóng được nhiều người quan tâm.

Làm sao để không xảy ra những sự việc như kiệt tác “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí bị hư hỏng vì rửa bằng nước rửa chén hay mới đây, một chiếc chuông cổ thuộc “Bảo vật Quốc gia” bị đưa ra khỏi danh sách do những sai sót trong việc bảo quản vẫn là trăn trở của những người làm công tác bảo tàng.

Kinh phí eo hẹp

Những sai sót trong công tác lưu giữ, bảo quản hiện vật  không hiếm, nhất là trong điều kiện còn nhiều hạn chế như các bảo tàng mỹ thuật ở nước ta hiện nay. Do đó, ngày 26/7, các chuyên gia bảo tàng học và đại diện cơ quan quản lý Nhà nước đã cùng ngồi lại để tìm giải pháp cho vấn đề này tại tọa đàm “Công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”. Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, công tác kiểm kê hiện vật là một trong các khâu hoạt động nghiệp vụ cơ bản và hết sức quan trọng của bảo tàng. Nếu khâu này được thực hiện bài bản, cẩn trọng sẽ làm tiền đề cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu, là bước đầu cho mọi hoạt động nghiên cứu khoa học cho các khâu nghiệp vụ khác như sưu tầm, bảo quản, xây dựng các bộ sưu tập, tuyên truyền giáo dục, trưng bày và quảng bá hình ảnh của bảo tàng.

Quá trình tu sửa bức “Chân dung Em Thúy” của danh họa Trần Văn Cẩn.

Bên cạnh đó, công tác bảo quản phòng ngừa nhằm kéo dài tuổi thọ cho hiện vật cũng như quản lý tốt hiện vật là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trong đó, vấn đề quản lý, tư liệu hóa, số hóa hiện vật là những hoạt động nghiệp vụ cơ bản, nền tảng đảm bảo cho một bảo tàng hoạt động đúng hướng và hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông Minh, các bảo tàng mỹ thuật  trên cả nước hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cũng như về lâu dài của công tác lưu giữ, bảo quản các tác phẩm nghệ thuật theo quy chuẩn của khu vực và thế giới. Trong đó, những bất cập được nhấn mạnh là nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này.

Ông Minh nhấn mạnh: “Không phải ở đâu cũng có quy mô như Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, nhưng hiện nay, bảo tàng này cũng đã chật chội, cần một không gian rộng hơn, cần sự đầu tư nghiêm túc của nhà nước. Các bảo tàng gặp nhiều khó khăn về kinh phí, từ kinh phí bảo quản, sưu tầm đến duy trì hoạt động. Hơn nữa, hiện nay, chúng ta chưa có những quy chuẩn về việc bảo quản hiện vật, mỗi nơi làm một kiểu. Đơn cử như việc vận chuyển tranh và các cổ vật, ở Singapore chỉ có 2 đơn vị được cấp phép chuyển hiện vật, quy trình rất nghiêm ngặt còn Bảo tàng Mỹ thuật mỗi lần di chuyển tranh phải thuê tắc xi tải”.

Các chuyên gia nước ngoài tham gia tu sửa tranh.

Bà Trần Thị Khánh Hồng, trưởng phòng Kiểm kê, Bảo quản - Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Dù ở một thành phố lớn, trung tâm văn hóa - kinh tế như thành phố Hồ Chí Minh, nhưng bảo tàng Mỹ thuật thành phố rất hạn chế về diện tích sử dụng và kinh phí, nhân lực cho công tác lưu giữ, bảo quản. Hiện bảo tàng có nhiều hiện vật hỏng trước khi đưa về, cần một nguồn kinh phí lớn để phục chế, bảo quản nhưng chưa có. Ngoài ra, bảo tàng thành phố chưa xây dựng phần mềm quản lý hiện vật, tra cứu chậm, số hóa chưa tuyệt đối dẫn đến việc kiểm kê, kiểm soát số lượng hiện vật sẽ rất hạn chế”.

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng chia sẻ khó khăn của đơn vị từ kho bảo quản đến hệ thống trưng bày đều tận dụng công trình cũ sửa chữa, cải tạo lại nên chưa phù hợp với công năng hoạt động của bảo tàng. Hiện nay, bảo tàng chỉ có hơn 100m2 khi cơ sở phải lưu trữ đến 1.500 hiện vật, tư liệu, tác phẩm. Trong đó có nhiều hiện vật mang tính đặc thù của địa phương như tư liệu giấy không bền vững (giấy vàng mã) bị hư hỏng nhanh, khó xử lý. Hiện tại các không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật chưa được đầu tư hệ thống điều hòa, máy hút ẩm, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn, thiếu các thiết bị kỹ thuật như máy đo ánh sáng, máy đo bức xạ tia cực tím, ẩm kế. Do đó các tác phẩm đang trưng bày chịu tác động trực tiếp của yếu tố môi trường, khí hậu và yếu tố con người, ảnh hưởng lớn đến tình trạng của tác phẩm. Đây cũng là thực trạng của nhiều bảo tàng mỹ thuật địa phương như Đà Nẵng.

Khoảng trống về nhân lực

Tiến sĩ Trương Quốc Bình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia  sẻ rằng công việc kiểm kê, bảo quản hiện vật là một công việc thầm lặng nên ít được chú trọng đầu tư. Nhưng đó là công việc quan trọng, góp phần không nhỏ bảo quản, bảo vệ hiện vật. Nhân lực hiện nay đều rất thiếu ở hầu hết các bảo tàng trên cả nước, như bảo tàng Đà Nẵng chỉ có 1 cán bộ, quá ít so với lượng tác phẩm hiện có ở bảo tàng. Vì thế, muốn cải thiện công tác kiểm kê, bảo quản, mỗi bảo tàng cần đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý cũng như cán bộ trẻ, có năng lực để tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới trong xu thế toàn cầu.

Để không xảy ra những hiện tượng đau lòng như kiệt tác “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí, chúng ta cũng cần chú trọng việc phòng ngừa trong công tác bảo quản hiện vật hơn là chạy theo sự vụ để sửa chữa. Như hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh trang bị máy điều hòa nhiệt độ cho các kho lưu trữ chất liệu gỗ, giấy, sơn mài, sơn dầu và máy điều hòa nhiệt độ tại phòng trưng bày Bảo vật quốc gia, phòng trưng bày sưu tập tranh lụa của họa sĩ Lê Thị Lựu, họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Nguyễn Gia Trí... Ngoài ra, bảo tàng cũng đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị để hỗ trợ công tác lưu trữ, bảo quản như tủ chống ẩm, máy hút ẩm di động, đồng thời trang bị thêm các túi hút ẩm silicagel trong tất cả hệ thống kho. Ngoài ra, đối với hiện vật lưu trữ trong kho, luôn được che kín ngăn chặn ánh sáng để hiện vật trong chế độ “ngủ đông”.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Trưởng phòng Kiểm kê Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có những kết quả tốt hơn trong công tác bảo quản hiện vật, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế như hệ thống hút ẩm, điều hòa nhiệt độ, các phòng bảo quản hiện vật. Tuy nhiên, hệ thống trưng bày kho mở là một tác nhân ảnh hưởng lâu dài, làm cách nào bảo quản lâu dài khi lượng khách vào thăm bảo tàng ngày càng đông, có những tác động không nhỏ đến hiện vật.

Một vấn đề được đặt ra trong công tác bảo quản hiện vật đó là vấn đề số hóa. “Cách đây 2 năm, chúng tôi đã xây dựng được phần mềm quản lý thông minh, 90% hiện vật được số hóa, tra cứu thông minh. Sáp nhập sổ hiện vật là khó khăn lớn nhất, để xây dựng cơ sở dữ liệu đưa vào quy chuẩn quốc tế. Việc này từ phía bảo  tàng nhà nước còn rất nhiều vướng mắc về chính sách. Do đó, trong tương lai, bộ sưu tập tư nhân sẽ nhiều và giá trị hơn công lập do họ tự chủ”,  ông Kiên khẳng định.

Bức “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí.

Tuy nhiên, không thuận lợi như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông Trương Nguyễn Nguyên Kha, Trưởng phòng nghiệp vụ, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chia sẻ về những khó khăn của bảo tàng địa phương. Hiện nay, số hóa vẫn là một hành trình gian nan với họ, mặc dù ông Kha cho rằng, phiếu hiện vật, sổ đăng ký hiện vật, sổ phân loại hiện vật không nên viết tay thủ công mà nhập bằng máy tính cho thuận tiện công tác chỉnh sửa, bổ sung nội dung và quản lý, rút ngắn thời gian làm việc. Hiện nay, việc số hóa vẫn còn chưa thực hiện được một cách triệt để ở các bảo tàng mỹ thuật do thiếu nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư thiết bị, máy móc. Điều này rất cần nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước và các mạnh thường quân.

Ông Phạm Đình Phong, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, chúng ta đã có nhiều bài học đau đớn từ việc bảo quản, vệ sinh tác phẩm không đúng cách. Vì thế, việc đào tạo, trao đổi chuyên môn và cung cấp nguồn nhân lực, kinh phí cho các bảo tàng là vô cùng cần thiết. Hiện tại, Cục đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập hai trung tâm chuyên về bảo quản, tu sửa, phục chế hiện vật. Một trung tâm chuyên về cổ vật, di vật có thể đặt ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, và trung tâm chuyên về tác phẩm mỹ thuật sẽ đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hy vọng, sự ra đời của hai trung tâm này sẽ góp phần thúc đẩy công tác bảo quản, tu sửa phục chế hiện vật tốt hơn. Tuy nhiên, điều đáng được quan tâm hơn nữa là cơ chế và nguồn kinh phí hỗ trợ cho các bảo tàng từ nhà nước và các mạnh thường quân để thúc đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ, bảo quản hiện vật tại các bảo tàng.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top