Giải pháp bảo tồn tính nguyên vẹn mộ chum sau khai quật

16:19 - Thứ Sáu, 04/08/2023 Lượt xem: 5695 In bài viết

Sau khi hoàn thành khai quật khu vực hồ chứa nước Nước Trong (tỉnh Quảng Ngãi), các nhà khảo cổ đã chỉnh lý, phục dựng hàng chục mộ táng có giá trị trong Văn hóa Sa Huỳnh. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giải pháp bảo tồn tính nguyên vẹn mộ chum sau khi khai quật.

Đưa mộ chum từ lòng đất vào bảo tàng

Trong chương trình giải phóng vùng lòng hồ chứa nước Nước Trong giai đoạn 2009 - 2012, Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi phối hợp với một số chuyên gia khảo cổ học đã khai quật nhiều di tích ở vùng phía tây huyện Trà Bồng và huyện Sơn Hà.

Qua đó, phát hiện được các di tích cư trú, di tích mộ táng, thu được các di vật như đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, đồ thủy tinh và đồ gốm từ 3.500 năm trước đến một vài thế kỷ sau Công nguyên. Đây là lần đầu tiên phát hiện dấu tích Văn hóa Sa Huỳnh ở miền núi của tỉnh.

Năm 2021 - 2022, dự án “Chỉnh lý kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực mặt bằng xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong” được triển khai thực hiện. Kết quả có 24 mộ táng được chỉnh lý và phục dựng, bảo quản, tiến hành phục dựng 80 đồ gốm tùy táng bao gồm nồi, bình, bát, hũ, tiến hành xử lý bảo quản 10 di vật chất liệu đồng, sắt trong mộ táng, 200 bản dập hoa văn trên các hiện vật gốm, phân tích đồng vị carbon 5 mẫu, phân tích thạch học gồm 20 mẫu...

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi giới thiệu về các mộ chum được khai quật từ lòng hồ chứa nước Nước Trong và đến nay được bảo quản trong kho lạnh. Ảnh: Nguyễn Trang

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Trong suốt từ giai đoạn năm 2009-2022, chúng tôi đã thực hiện các công việc từ khai quật, chỉnh lý, bảo tồn các di sản khảo cổ từ vùng núi ở hồ chứa nước Nước Trong về đến bảo tàng và bảo tồn nguyên vẹn".

Ông Đoàn Ngọc Khôi cho biết, khi nước trong hồ dâng lên thì đoàn khảo cổ phải xử lý theo kiểu cổ điển là tách rời từng cái, sau đó gửi mẫu ra Viện Khảo cổ học để phân tích các thành phần hóa học trong đất, tính chất thổ nhưỡng… Và, các nhà khảo cổ học cũng nhận thấy những ưu điểm trong chất đất để bảo tồn nguyên vẹn từng mộ chum và khu đất xung quanh vùng khai quật.

“Chất đất trong lòng hồ chứa nước Nước Trong có các thành phần như silic, cao lanh, các khoáng chất khác… Nó tồn tại những hạt mà chúng tôi gọi là "những hạt thần thánh", tạo thành kết nối bền vững giúp khối mộ chum không bị vỡ vụn”, ông Đoàn Ngọc Khôi cho biết.

Hiện trường khai quật từ hồ chứa nước Nước Trong. Ảnh tư liệu dự án “Chỉnh lý kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực mặt bằng xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong”.

Tuy nhiên, để những mộ chum từ lòng đất về bảo tàng an toàn và nguyên vẹn, đoàn khảo cổ tiến hành xử lý nhiều công việc ngay tại công trường.

Ông Khôi chia sẻ: “Sau những phân tích thành phần trong đất của Viện Khảo cổ học và làm rõ cách thức tục táng chum, mộ đất của cư dân Sa Huỳnh cổ, chúng tôi đã thực hiện giải pháp là đông hóa tại chỗ hay gọi là cứng hóa bằng cách phun sương từ từ cho các khối đất kết đông lại, thời gian khoảng 1 tháng để đất làm mộ chum thích nghi với môi trường xung quanh”.

Mở kho và tiến hành chỉnh lý các mộ chum. Ảnh tư liệu dự án “Chỉnh lý kết quả khai quật khảo cổ tại khu vực mặt bằng xây dựng công trình hồ chứa nước Nước Trong”.

Khâu vận chuyển từ miền núi vào bảo tàng được thực hiện kỹ lưỡng, đoàn đã đưa các mộ chum vào trong palet (tấm kê hàng) bằng gỗ, bên trong lấp đầy vỏ trấu, vận chuyển bằng xe tải vượt 90km đường núi và bảo quản các kho lạnh với nhiệt độ thấp. Đến nay, sau hơn 10 năm, khi tiến hành mở kho chỉnh lý các mộ chum vẫn còn nguyên vẹn.

Nan giải đưa ra trưng bày di tích là mộ chum

Bảo vệ một đồ gốm sẽ đơn giản hơn bảo vệ một khối đất mà còn là các mộ chum với những đặc điểm táng tục đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, sau khi được chỉnh lý và phục dựng, các mộ chum được đưa vào kho bảo quản của bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và luôn giữ nhiệt độ, độ ẩm từ 18-250C, nhằm giữ cho chất đất trong mộ chum không bị vỡ.

Ông Khôi cho biết: “Bảo tàng hiện chỉ trưng bày các hiện vật còn trưng bày mộ là trưng bày di tích trong bảo tàng, ứng xử di tích hoàn toàn khác với hiện vật, phải có đầu tư khác nhau. Trong suốt quá trình khai quật, chúng tôi đã sử dụng các giải pháp đông hóa, cứng hóa tại chỗ và khi về đến bảo tàng, chúng tôi chỉnh lý và giữ gìn trong môi trường độ ẩm, nhiệt độ thấp, hầu như không tiếp xúc nhiều với ánh sáng bên ngoài. Do vậy, việc đưa ra trưng bày sẽ rất khó”.

Theo ông Khôi, khi đưa ra trưng bày, mộ chum sẽ tiếp xúc với ánh sáng, nhiệt độ thay đổi so với môi trường cũ, sự chênh lệch môi trường có thể làm mộ chum bị nứt vỡ, không còn đảm bảo tính nguyên vẹn di tích.

Hiện nay, việc bảo quản mộ chum vẫn là trong các kho lạnh và khép kín của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Trang

“Khi phát hiện Văn hóa Sa Huỳnh trên không gian rộng lớn từ đồng bằng, miền núi và hải đảo, chúng tôi đã nghĩ đến trưng bày riêng biệt Văn hóa Sa Huỳnh trong một bảo tàng khác để có thể phát huy giá trị văn hóa kéo dài suốt hơn nghìn năm từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn với các loại hình mộ táng, đồ gốm… từ đó phát huy các giá trị di sản", ông Khôi cho biết.

Một số ít mộ chum trưng bày tại Khu trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi được khai quật từ địa điểm Gò Quê năm 2005 và mộ chum được khai quật Xóm Ốc năm 1997. Ảnh: Nguyễn Trang

Ông Khôi mong rằng, trong tương lai sẽ có những công trình nghiên cứu nước ngoài để làm rõ hơn giải pháp bảo tồn tính nguyên vẹn của mộ chum này.

Trong quá trình khai quật, những mẫu đất cạnh khu mộ cũng có tính chất tương đồng, giống như một bằng chứng khảo cổ, từ đó các nhà khảo cổ có thể lấy mẫu đất này để phân tích môi trường sống cư dân cổ, thảm thực vật, cảnh quan và các ý nghĩa khác trong mẫu đất.

"Trước mắt, chúng tôi mong muốn các giá trị di tích, khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh có không gian trưng bày riêng biệt và có công nghệ bảo quản mộ chum. Từ đó, khách có thể đến tham quan, tìm hiểu về một nền Văn hóa Sa Huỳnh trải dài ở cả miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng”, ông Khôi mong muốn.

Ông Đoàn Khắc Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) cho biết, trong chuyến tham quan, tìm hiểu về Văn hóa Sa Huỳnh tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 3-8 đã khẳng định dấu ấn đặc trưng nền Văn hóa Sa Huỳnh và đến nay đã khai quật, bảo quản được nhiều hiện vật, mộ chum Văn hóa Sa Huỳnh.

Ông Việt cho rằng, để đáp ứng yêu cầu về phát triển du lịch thì cần sự đầu tư hơn nữa về quy mô trưng bày hiện đại để tái hiện được nền văn minh, văn hóa, cuộc sống của con người trong giai đoạn đó. Qua đó, tạo điểm nhấn du lịch cho địa phương, thu hút khách du lịch.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top