Ðiện Biên Ðông bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế

09:36 - Thứ Bảy, 12/08/2023 Lượt xem: 6019 In bài viết

ĐBP - Trong bản thống kê 6 dân tộc sinh sống ở huyện Ðiện Biên Ðông, có tới 5 cộng đồng dân tộc thiểu số với những đặc trưng về phong tục, tập quán, văn hóa. Ðây là thế mạnh đặc thù mà cấp ủy, chính quyền huyện Ðiện Biên Ðông quan tâm đầu tư, bảo tồn để trở thành động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Nghệ nhân truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho con cháu.

Trở lại bản Mường Luân 1, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông) đúng ngày lập thu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước bức tranh cuộc sống mới của bà con dân tộc Lào ở nơi này. Bên con đường bê tông vào bản hoa đua sắc thắm. Dưới sàn nhà của mỗi gia đình thấp thoáng người phụ nữ bên khung cửi dệt thổ cẩm rực rỡ sắc màu.

Nhà chị Lò Thị Tưởng ngay sát đường nội bản. Thấy tôi say sưa ngắm những tấm thổ cẩm có hoa văn đẹp mắt hình chữ nhật được vắt ngay ngắn lên chiếc sào phơi, chị Tưởng buông con thoi rồi đon đả mời khách vào nhà. Chị cho biết, dệt thổ cẩm là nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Lào ở Mường Luân. Ngoài may trang phục truyền thống thì người Lào ở Mường Luân còn dệt thổ cẩm để làm vỏ chăn, ga, gối, khăn quàng và nhiều phụ kiện khác để phục vụ trong đời sống hàng ngày. Khi thị trường có nhiều trang phục được bày bán với giá rẻ có họa tiết na ná, nên một thời gian nhiều người đã bỏ nghề dệt và mua hàng chợ về dùng cho tiện. Nhưng bây giờ nghề dệt thổ cẩm đã được khôi phục. “Ở Mường Luân nhà nào cũng có khung cửi dệt vải, may trang phục, phụ kiện truyền thống. Không chỉ phục vụ đời sống hằng ngày mà còn phát triển thành sản phẩm hàng hóa; tùy số lượng nhiều hay ít, nhưng trung bình mỗi năm thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng từ bán thổ cẩm.

Bày tỏ lo ngại về hình thức cũng như sự cạnh tranh về giá bởi ngoài thị trường có quá nhiều sự lựa chọn mà rẻ hơn rất nhiều, chị Tưởng cho biết: Thổ cẩm ở Mường Luân có nét riêng, hoa văn độc đáo, nhất là chất lượng sản phẩm tốt, chất thổ cẩm mịn, dễ thấm mồ hôi, và rất dễ phân biệt, người dùng chỉ cần sờ vào là biết đâu là thổ cẩm được dệt theo phương thức thủ công của người Lào Mường Luân và đâu là chất vải công nghiệp. Vì thế thổ cẩm Mường Luân tiêu thụ rất tốt, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, thường không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chia sẻ về công tác bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của địa phương, ông Lò Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Luân cho biết: Thực hiện chủ trương của huyện “Văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, xã đã tuyên truyền, định hướng cho bà con phát triển nghề dệt tổ cẩm của địa phương, định hướng, hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó trong những năm gần đây, dệt thổ cẩm ở Mường Luân được phát triển, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền trống vừa mang lại thu nhập cho người dân. Không chỉ đối với dệt thổ cẩm, mà tất cả các hoạt động văn hóa dân tộc đều định hướng, phát triển song song với phát triển kinh tế của địa phương.

Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện khóa VI về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Ðiên Biên Ðông, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, vận động Nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ. Chú trọng phát hiện, tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn, biểu dương các gương điển hình; đồng thời phê phán các biểu hiện suy thoái, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Cùng với đó, hướng dẫn các xã, bản thực hiện bảo tồn, gìn giữ, phát huy văn hóa phi vật thể cùng các nét văn hóa truyền thống tiêu biểu của 5 dân tộc thiểu số: Thái, Mông, Khơ Mú, Lào, Xinh Mun với 7 loại hình di sản (tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian). Bảo tồn và phát huy 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun và Nghệ thuật trình diễn múa Khơ Mú. Triển khai các nội dung để bảo tồn nghệ thuật trình diễn truyền thống khèn của người Mông, xòe của người Thái, nghệ thuật trình diễn múa lăm vông của người Lào. Các tập quán xã hội và tín ngưỡng, như: Lễ mừng cơm mới của người Khơ Mú, Thái; Tết Khẩu Hó, Tết té nước của người Lào; lễ tết Nào Pê Chầu, lễ Dù Su của người Mông trắng ở xã Háng Lìa; các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc trên địa bàn được bảo tồn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.

Ðến nay huyện Ðiện Biên Ðông có 12.195/13.370 hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; 198/198 bản, tổ dân cư đăng ký xây dựng bản, tổ dân cư văn hóa. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc đang được huyện Ðiện Biên Ðông quan tâm thực hiện, bước đầu góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Các sự kiện văn hóa, lễ hội cũng thu hút được sự đầu tư các dịch vụ, phục vụ nhu cầu vui chơi, tiêu dùng của bà con. Ðây cũng là nền tảng thuận lợi để phát triển du lịch lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Anh Khôi
Bình luận
Back To Top