Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa: Tăng cường tương tác ảo, không gian trực tuyến

15:46 - Thứ Tư, 16/08/2023 Lượt xem: 5306 In bài viết

Di sản văn hóa là một phần quan trọng của bản sắc dân tộc. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển văn hóa của quốc gia, đồng thời góp phần xây dựng và củng cố nhận thức văn hóa trong cộng đồng.

Khách tham quan tương tác cùng công nghệ tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM.

Di sản văn hóa trực tuyến

Trong thời đại số, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng bắt đầu khoác lên mình chiếc áo công nghệ. Tại TPHCM, công nghệ số hiện đang được ứng dụng chủ yếu tập trung ở nhóm các bảo tàng và di tích. Trong đó, có nhiều công nghệ tiên tiến nhất đã được ứng dụng như công nghệ quét 3D hay thực tế ảo 360o.

Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến dự án “Cultural Heritage Creative House” do Hội Di sản văn hóa TPHCM phối hợp Công ty CP Sáng tạo di sản văn hóa, Tạp chí Vietnam Heritage (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) và các nghệ sĩ trẻ từ Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM triển khai vào tháng 8-2023. Đây là dự án ứng dụng công nghệ 3D và 360o kết hợp trải nghiệm thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Từ đó, tạo ra một “ngôi nhà chung” trên không gian mạng cho các tác phẩm thuộc kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Khách tham quan dù ở bất cứ nơi đâu đều có thể tiếp cận các hiện vật, tác phẩm sáng tạo trong môi trường ảo gần giống như tiếp cận hiện vật trong thực tế. Với khả năng tùy biến cao của công nghệ số, trong tương lai gần, “ngôi nhà chung” trên mạng của di sản văn hóa Việt Nam sẽ có thêm nhiều hình thức thể hiện khác như: video, podcast, hiện vật 3D, bản đồ số...

Đưa di sản văn hóa đến với người trẻ

ThS Nguyễn Thái Dương (Trưởng Bộ môn Hình họa, Khoa Mỹ thuật, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM) cho biết: “Thanh thiếu niên, học sinh - sinh viên hiện đối mặt với nhiều khó khăn khi tiếp cận và tìm hiểu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại Việt Nam. Một yếu tố quan trọng là thiếu thông tin đáng tin cậy về di sản văn hóa, khiến việc nắm bắt thông tin chính xác về di sản văn hóa trở nên khó khăn đối với giới trẻ”.

Điều này có thể thấy rõ trong thực tế, tại các điểm di tích hay bảo tàng gần như không có việc tương tác trực tiếp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người có kiến thức chuyên sâu về di sản văn hóa, trong khi đây là một cách quan trọng để hiểu rõ hơn về nó…

Những người trẻ quan tâm di sản khi đến các điểm này gần như có rất ít cơ hội giao tiếp trực tiếp với những chuyên gia, đồng thời thiếu cơ hội thảo luận và trao đổi ý kiến. Công nghệ chính vì thế được cho là công cụ quan trọng hỗ trợ việc đưa di sản đến với người trẻ. Thông qua các phương tiện hiện đại, khi đến với các bảo tàng, di tích, người xem nếu quan tâm đến một hiện vật nào đó có thể dễ dàng truy cập các nguồn thông tin từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu về các yếu tố lịch sử, kiến trúc, thẩm mỹ…, thậm chí là kỹ thuật, những câu chuyện bên lề của hiện vật, di tích. Người xem còn có thể đặt câu hỏi và tương tác với các chuyên gia để hiểu sâu hơn, có cái nhìn tường tận hơn về di sản.

Bên cạnh đó, thông qua các hỗ trợ về công nghệ, tương tác ảo, còn giúp đưa di sản văn hóa đến với một đối tượng khách tham quan đặc biệt là thiếu nhi. Bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng Áo dài) bày tỏ: “Giá trị của các hiện vật, di sản mang lại bài học giáo dục, lịch sử rất cao đối với trẻ em. Chính vì thế mà với đối tượng này, không chỉ đơn thuần là tham quan, nhìn ngắm hiện vật trưng bày là đủ, mà phải tăng cường sự tương tác, chương trình bổ trợ bên cạnh một vòng tham quan bảo tàng”.

Trong nhịp sống 4.0, di sản khoác chiếc áo công nghệ gần như là xu hướng không thể khác, tuy nhiên để giá trị văn hóa ngàn năm phát huy hết bản sắc của mình chính là bài toán hài hòa và gắn với đời sống giới trẻ, bởi họ chính là lớp người kế thừa và phát huy những giá trị ấy phù hợp với xu thế nhịp sống.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top