Nhìn thẳng - Nói thật: Kỹ xảo... lòe người đọc

09:57 - Thứ Sáu, 18/08/2023 Lượt xem: 5024 In bài viết

Trong quá trình thưởng lãm văn chương, tính khác biệt thường chú ý hơn là tính hơn kém. Nhà văn này viết khác nhà văn kia, có thế văn chương mới đa dạng, phong phú; nhiều bông hoa mới làm nên vườn hoa khoe sắc. Sự khác biệt có một phần quan trọng từ kỹ năng văn chương, thể hiện tố chất đặc biệt của mỗi người cầm bút.

Thử hình dung để kể một câu chuyện có đầu có cuối, ai cũng có thể làm được, tương tự như dựng lên chòi lá. Nhưng để kể câu chuyện thật hay, hấp dẫn, kéo dài không khác nào xây biệt thự có vô vàn chi tiết phải để ý. Dung lượng từng chương, mục dài ngắn thế nào? Giọng điệu đa thanh hay đơn thanh? Điểm nhìn nhân vật riêng biệt hay trộn lẫn? Cấu trúc văn bản hình thù ra sao? Tất cả các yếu tố đó phải được người viết cấu trúc hóa có ý thức, hình thành một nghệ thuật tự sự phức tạp nằm ở bề sâu văn bản.

Trong quá trình thưởng lãm văn chương, tính khác biệt thường chú ý hơn là tính hơn kém. Ảnh minh họa: baovanhoa.vn 

“Phần nổi của tảng băng” chỉ đơn giản là câu chuyện cụ thể cuốn hút người đọc. Thế nên, ngẫm lại đúc kết người xưa vẫn chí lý: Tác phẩm giá trị, dễ đọc bao nhiêu thì khó viết bấy nhiêu!

Nhà văn mà không tinh thông kỹ thuật viết lách thường khó tiến xa trong sự nghiệp. Nhưng tấm huy chương nào cũng có mặt trái và điểm mạnh đẩy quá mức đôi khi lại hóa thành điểm yếu. Thời nào cũng xuất hiện những cây bút sùng bái hình thức, tôn thờ kỹ thuật mà bỏ qua yếu tố quan trọng đó là vấn đề nhân sinh quan, thế giới quan với định hướng chân-thiện-mỹ vĩnh hằng.

Một số cây bút cho rằng: Tư tưởng về con người, về cuộc đời không quan trọng, quan trọng là kể như thế nào. Nhận thức phiến diện này vô hình trung đã “đẻ” ra rất nhiều tác phẩm quái dị: Hạ thấp phẩm giá con người, đề cao cái ác, cái xấu, cái thấp hèn trong con người. Nguy hại hơn từ những câu chuyện đơn lẻ, không có tính điển hình, một số nhà văn còn nâng quan điểm, quy kết bức tranh xã hội chỉ toàn màu đen của xấu xa, tuyệt vọng, bi ai.

Hình thức và nội dung trong văn chương vốn không tách rời mà chuyển hóa cho nhau. Kỹ thuật viết văn mà không có tư tưởng nhân văn soi rọi rút cuộc cũng chỉ là những kỹ xảo để lòe người đọc, đi vào con đường tắc tị, ra vẻ bí hiểm, cao siêu. Nó thể hiện sự hăm hở quá mức muốn thể hiện “cái tôi” sáng tạo, học đòi xa lạ, cách tân cấp tiến thái quá. Hoặc sâu xa hơn là “mặt nạ” để che đậy bao bức bối và cả hằn học của cá nhân vào trong tác phẩm. Khi dư luận có ý phàn nàn, chê trách thì lập tức có nhà văn cho rằng tác phẩm của mình quá mới mẻ, không dành cho đông đảo quần chúng.

Đáng lo ngại là không ít nhà văn trẻ tuổi nghề sa vào “chủ nghĩa hình thức”. Có người cũng có kiến văn khá sâu sắc, hiện đại, nhưng nội dung tư tưởng rơi vào bế tắc, không hiện lên ánh sáng của nhân tình, mang cho con người niềm hy vọng một sự cứu vớt nào đó. Con đường đó cũng sẽ không thể dẫn họ đi xa hơn những người viết không điêu luyện về kỹ thuật.

Vậy các nhà văn nên làm gì? Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức cuối tháng 7-2023 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, văn nghệ sĩ phải có “khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ sa vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là một thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một sự đam mê tầm thường”.

"Gặm nhấm, yếm thế, tiểu xảo" suy cho cùng chỉ là những "mưu mẹo" đầy toan tính cá nhân hẹp hòi mà không toát lên cốt cách, tâm hồn, tài năng đích thực của nhà văn. Thế nên, nhà văn thời đại nào cũng vậy, quan trọng nhất vẫn ít nhiều phải có tố chất của "con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” thì mới có thể cho ra đời những "đứa con tinh thần lành lặn" để sống lâu bền cùng nhân gian và thời gian. 

Theo qdnd.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top