Mạch nguồn ví, giặm lan tỏa giá trị di sản trường tồn

09:59 - Thứ Sáu, 18/08/2023 Lượt xem: 6233 In bài viết

Hát ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đến nay đã gần 10 năm. Danh hiệu cao quý dành cho ví, giặm-di sản âm nhạc truyền thống là dấu mốc quan trọng ghi nhận những thành tựu, đóng góp to lớn trong sáng tạo, bảo tồn, phát huy nghệ thuật dân tộc của cha ông, của cộng đồng di sản vùng đất Nghệ Tĩnh.

Tái sinh di sản ví, giặm

Trong những năm đấu tranh giải phóng đất nước, bên cạnh những thắng lợi to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngay từ những ngày đầu cách mạng, khi đất nước tuy còn nhiều gian khó nhưng Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng đã chỉ rõ công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam theo định hướng: Dân tộc-Khoa học-Đại chúng. Với tinh thần chỉ đạo, định hướng ấy, nhiều hoạt động văn hóa-nghệ thuật (VHNT) cách mạng từng bước được thực hiện.

Những đầu tư hiệu quả dành cho hoạt động sưu tầm, nghiên cứu khoa học, nâng cao, sáng tạo, tái tạo mới các sản phẩm nghệ thuật dân tộc cho đến công tác giáo dục, đào tạo VHNT dân tộc luôn đạt kết quả tốt, phát huy, phát triển tốt, đưa vốn cổ dân tộc phục vụ tốt sự nghiệp cách mạng trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Hát ví, giặm luôn được người dân xứ Nghệ lan tỏa trong đời sống văn hóa tinh thần.

Nhiều loại hình âm nhạc dân gian nay được hưng thịnh, âm nhạc mới Việt Nam được hình thành, phát triển và định hình. Di sản ví, giặm Nghệ Tĩnh cũng nằm trong tình hình chung ấy, trong bảo tồn, phát huy, phát triển tốt các giá trị của di sản. Ví, giặm đã góp phần làm phong phú, đa sắc màu cho nền VHNT cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Những ngày đầu tháng 8-2023, Festival dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức. Vào dịp đó, chương trình VHNT được Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu chủ đề 65 năm nghệ thuật xứ Nghệ. Qua chương trình, một lần nữa khán giả biết nhiều đoàn nghệ thuật xứ Nghệ được ra đời vào nhiều thời điểm, hoàn cảnh lịch sử, văn hóa xã hội khác nhau, mang nhiều tên gọi khác nhau: Đoàn cải lương Bông sen trắng Nghệ An ra đời từ năm 1958; Đoàn Ca múa nhạc Nghệ An; Đoàn Kịch nói Nghệ An, Trung tâm Nghệ thuật Chèo Nghệ An... Tuy ra đời ở những thời điểm khác nhau nhưng các đoàn nghệ thuật xứ Nghệ đều đã để lại những dấu ấn đậm rõ, khẳng định vị trí, vai trò, chức năng riêng của VHNT xứ Nghệ.

Các đoàn nghệ thuật đều đóng góp tích cực, hiệu quả vào đời sống xã hội trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng nước nhà. Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An nay là địa chỉ hội tụ nhiều đoàn nghệ thuật xứ Nghệ đã cho thấy vai trò, vị trí, nhiệm vụ các đơn vị nghệ thuật nơi đây mang tính đa dạng, phong phú, đậm rõ diện mạo nghệ thuật truyền thống xứ Nghệ, trong đó đặc biệt là dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã kế thừa truyền thống VHNT dân gian và VHNT chuyên nghiệp cách mạng tại quê hương Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Từ khi ví, giặm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này được đẩy mạnh trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Các CLB dân ca ví, giặm thực sự là mô hình sinh hoạt tập thể, hướng tới việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời nuôi dưỡng, ươm mầm những tài năng cho nghệ thuật truyền thống, nhất là thế hệ trẻ.

Hướng tới kỷ niệm 10 năm ví, giặm Nghệ Tĩnh được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Festival dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2023 diễn ra đã để lại trong lòng công chúng yêu nghệ thuật ví, giặm nhiều ấn tượng tốt đẹp. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức festival, một số vấn đề về hình thức, nội dung các chương trình dự thi còn có những điều cần luận bàn, cần rút kinh nghiệm để dịp liên hoan sau có nhiều kết quả nghệ thuật cao hơn, mang được ý nghĩa tác động xã hội thiết thực trước mục tiêu xây dựng, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, phát triển ví, giặm bền vững, phù hợp bối cảnh mới, con người mới đương đại.

Festival được tổ chức dịp này, chúng ta không quên nhắc nhớ, ghi ơn những đóng góp to lớn của nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian, nghệ sĩ chuyên nghiệp vùng dân ca ví, giặm xứ Nghệ-những người đã góp sức gìn giữ, tái sinh, tạo dựng nên diện mạo dân ca ví, giặm được như hôm nay.

Cần thiết hình thành vành đai vệ tinh di sản

Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa nói chung, VHNT dân tộc nói riêng đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm chấn hưng văn hóa, để “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đúng với vị trí, vai trò đích thực của mặt trận văn hóa. Đây cũng là cơ hội mới để việc xây dựng một “Học viện Nghệ thuật dân tộc Việt Nam” sánh tầm quốc tế liệu có được đặt ra và trở thành hiện thực?

Cùng với việc xây dựng Học viện Nghệ thuật dân tộc Việt Nam sánh vai bè bạn năm châu, việc hướng tới đầu tư tốt hơn cho “vành đai vệ tinh các di sản VHNT dân tộc gốc” tại các địa phương, cộng đồng các di sản được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cũng là vấn đề cấp thiết, thiết thực.

Chẳng hạn, ở vùng văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc có hát then Tày, Nùng, Thái, xòe Thái; ở trung du đồng bằng châu thổ Bắc Bộ có hát xoan, quan họ Bắc Ninh, hát văn, hát ca trù; ở Trung Bộ, Tây Nguyên có ví, giặm Nghệ Tĩnh, hô bài chòi, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên; khu vực Nam Bộ có đờn ca tài tử... Mỗi địa phương, mỗi vùng, tiểu vùng di sản VHNT tiêu biểu ấy đều cần xây dựng những “trung tâm gốc di sản”. Chính những nơi này sẽ là điểm bảo tồn, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản VHNT dân tộc trong đời sống đương đại tốt nhất, phù hợp nhất, gần gũi cộng đồng đã sản sinh, nuôi dưỡng di sản ấy từ lâu và bền vững nhất.

Chúng ta rất vui, tự hào khi ở nửa đầu thế kỷ 21, Việt Nam đã nắm bắt nhiều cơ hội, đã đi tắt đón đầu để thực hiện thành công hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội... thời kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, độc đáo của đất nước với hàng nghìn năm lịch sử vẫn luôn được bảo tồn, phát huy, phát triển theo hướng bền vững.

Đề cương về văn hóa Việt Nam đến nay đã tròn 80 năm, hướng tới 100 năm, việc xây dựng kế hoạch tổng kết, đánh giá những thành tựu về VHNT cách mạng Việt Nam suốt một thế kỷ qua là nhiệm vụ cấp thiết, cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị Di sản văn hóa phi vật thể trong nhiều thập kỷ qua cần được tổng hợp, phân tích, đánh giá khoa học toàn diện.

Những kết quả nghiên cứu căn cơ, khoa học đó sẽ góp phần tư vấn giúp xây dựng những kế hoạch vĩ mô, vi mô trong nhiệm vụ, mục tiêu tổng thể bảo tồn, bảo vệ, phát huy, phát triển các Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam phù hợp điều kiện khách quan, chủ quan, hợp đặc trưng, đặc thù của mỗi loại hình di sản ở mỗi địa phương, mỗi cộng đồng thời kỳ mới, bối cảnh mới. Việc ứng xử thống nhất, đồng đều mọi di sản nhưng lại quên những đặc thù của thể loại, loại hình VHNT dân tộc ở Việt Nam là điều cần được lưu ý.

Festival dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2023 có chủ đề “Ví, giặm-Tinh hoa tỏa sáng” là dịp để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh hội tụ và tỏa sáng, khẳng định sự phong phú, đa dạng của di sản dân ca ví, giặm. Đồng thời, thể hiện sự gặp gỡ, giao thoa, gắn kết và lan tỏa của loại hình nghệ thuật này giữa các vùng, miền, địa phương trong liên chuỗi nhiều hoạt động nghệ thuật khác, như: Hội diễn đàn, hát dân ca 3 miền năm 2023; Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ V (liên tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) với chủ đề “Đôi bờ ví, giặm”; Lễ hội đường phố với chủ đề “Sắc màu di sản”...

Một lần nữa ví, giặm xứ Nghệ khẳng định rõ tính đa dạng, phong phú, sức lan tỏa của di sản trong cuộc sống đương đại, quảng bá hình ảnh địa phương, tạo thương hiệu cho du lịch xứ Nghệ... Đây cũng là cơ hội, điều kiện để nâng tầm giá trị Di sản văn hóa phi vật thể dân ca ví, giặm xứ Nghệ.

Theo qdnd.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top