Củi lũ và ước mơ nghệ thuật tái chế

15:07 - Thứ Hai, 28/08/2023 Lượt xem: 6885 In bài viết

Từ những thanh gỗ, củi trôi dạt sau mùa mưa bão, Lê Ngọc Thuận đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc mang đậm hơi thở cuộc sống, văn hóa Quảng Nam, quê hương anh. Câu chuyện củi lũ của Lê Ngọc Thuận có sự đồng điệu với xu hướng sáng tạo quốc tế: Sáng tạo nghệ thuật song hành với trách nhiệm xã hội.

Không gian nghệ thuật Củi lũ

Nhà điêu khắc Lê Ngọc Thuận (Hội An, Quảng Nam) đang chuẩn bị những tác phẩm mới nhất của mình để tham gia triển lãm diễn ra vào đầu tháng 9 tại Hà Nội. Lấy cảm hứng từ Tết Trung thu, anh sẽ giới thiệu 3 tác phẩm điêu khắc được sáng tạo từ những thanh gỗ cũ trôi dạt sau những trận lũ ở nơi anh sinh sống. Ba tác phẩm mới của anh có tên là: “Ra phố”, “Cá cõng trăng”, “Chơi lân”, gợi cho người xem những hoài niệm về thời thơ ấu với chị Hằng, chú Cuội và những màn múa lân, múa rồng trong dịp Tết Trung thu.

Nhiều người quen thường gọi Lê Ngọc Thuận với cái tên khá thân thuộc: "Thuận củi lũ". Còn nhớ tháng 5 năm ngoái, lần đầu tiên anh mang những tác phẩm điêu khắc của mình tham gia triển lãm “Con giống” do họa sĩ Lê Thiết Cương tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Người xem khá lạ lẫm với những tác phẩm của anh và phần nhiều trong số đó được mua “trọn gói”, đặt trang trọng trong không gian gia đình của nhà sưu tầm.

Lê Ngọc Thuận chia sẻ rằng ở Quảng Nam quê hương anh, người ta thường sử dụng những con giống như trâu, gà, cú mèo... như linh vật hộ mệnh, che chở cho họ trong cuộc sống hằng ngày. Là người gắn bó với sông nước, với núi rừng, từ nhỏ anh đã yêu thích màu xanh của biển, thích cảnh nhộn nhịp thuyền bè trên sông, thích màu của gió, của nắng, của hoàng hôn... Từ đó, anh tạo nên những câu chuyện văn hóa giàu cảm xúc từ những thanh gỗ vô tri thường chỉ được đem về làm củi đốt.

Không dừng lại ở việc tận dụng những thanh gỗ cũ từ những trận lụt, Lê Ngọc Thuận đang dần hiện thực hóa ước mơ xây dựng không gian nghệ thuật Củi lũ. Làng Củi lũ Driftwood Village của anh tại thôn Đồng Nà (thành phố Hội An) nay đã trở thành một địa chỉ văn hóa, được nhiều du khách tìm đến. Anh đã dành không gian rộng 1.200m2 để trưng bày hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật tái chế, trong đó có cả mô hình khu phố cổ Hội An, di tích Chùa Cầu, những con giáp, tượng người dân tộc Cơ Tu...

Các tác phẩm được chế tác hoàn toàn thủ công, đậm chất văn hóa Việt. Du khách cũng được trực tiếp xem những người thợ lành nghề đục đẽo gỗ, cùng học cách làm nghề mộc, trải nghiệm làm đồ thủ công... Về lâu dài, Lê Ngọc Thuận ấp ủ kế hoạch xây dựng các trại sáng tác mỹ thuật tái chế từ rác thải, từ vải, gỗ, chai nhựa... trong dịp hè, vừa tạo không gian vui chơi, trải nghiệm, vừa có thể tạo sinh kế cho người dân địa phương. “Tôi may mắn được sống trong một vùng văn hóa lớn như Hội An, với những làng nghề một thời rất nổi tiếng như làng gốm Thanh Hà, làng chiếu Bàn Thạch, làng mộc Kim Bồng...

Riêng với làng mộc Kim Bồng, nơi mình gắn bó, tôi nhận thấy mẫu mã sản phẩm không được đa dạng. Người thợ dần bỏ nghề và chuyển sang làm nghề khác. Tôi mong muốn thổi hồn cho những sản phẩm gỗ, với một cách làm, cách nhìn nhận khác hơn, mới hơn... để từ những thanh gỗ nhỏ cũng có thể làm nên sản phẩm. Những con vật gần gũi trong đời sống được chế tác từ gỗ nhỏ hoàn toàn có thể là những vật lưu niệm dành cho du khách trong và ngoài nước. Đây là cách chúng ta bảo vệ môi trường, đồng thời giúp tạo thêm việc làm cho người dân” - anh Lê Ngọc Thuận nói.

Các tác phẩm làm từ củi lũ của nhà điêu khắc Lê Ngọc Thuận.

Đưa sản phẩm mỹ thuật vào du lịch cộng đồng

Lê Ngọc Thuận cũng là một cái tên quen thuộc trong vai trò người tiên phong thiết lập mô hình du lịch homestay đầu tiên ở An Bàng (Hội An) từ hơn 10 năm trước. Với mô hình này, anh mong muốn tạo dựng một môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng, từ đó góp phần giữ gìn được các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của An Bàng. Mô hình homestay của anh tận dụng tối đa nguồn nhân lực địa phương. Anh giữ nguyên kiến trúc nhà truyền thống ven biển: Nhà ba gian cùng mái hiên, khuôn bông trên cửa với chức năng lưu thông không khí và giá trị mỹ thuật; giữ nguyên gần như toàn bộ cây xanh trong vườn nhà; giữ nguyên những con đường cát đi bộ xuống biển.

Cùng với đó, anh sử dụng vật liệu địa phương, rẻ và dễ kiếm nhưng vẫn đảm bảo được công năng và giá trị mỹ thuật cho homestay. Những không gian lưu trú được lợp bằng mái lá dừa, hàng rào bằng tre hoặc gỗ ghe thuyền cũ. Đặc biệt, trang thiết bị trong phòng được sáng tạo từ những vật liệu tái chế: Khung gương ghép từ cành cây, vỏ ốc sò; đèn treo làm từ củi thu lượm trên bãi biển; trang trí đầu giường bằng ván thuyền cũ... Chị Hoàng Mỹ Hạnh, một du khách từng chọn An Bàng là điểm đến cho cả gia đình, nhận định: Lê Ngọc Thuận đã làm đậm đà chất liệu văn hóa bản địa, lấy cảm hứng văn hóa từ đồng bào dân tộc ở Quảng Nam để đưa vào tác phẩm của mình.

Lê Ngọc Thuận cũng đang ấp ủ xây dựng “hệ sinh thái” mỹ thuật tái chế. Những sản phẩm đồ gỗ tái chế của xưởng Coco Casa của nhà điêu khắc trẻ này không chỉ hiện diện ở quê hương anh, trong homestay tại An Bàng mà bắt đầu xuất hiện ở những địa chỉ du lịch cộng đồng tại Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên. Các lớp học về mỹ thuật tái chế cũng đang được hình thành. Bên cạnh đó, anh còn mở rộng việc tìm vật liệu trong vùng, thêm gỗ quế, keo, xà cừ... vào nguồn vật liệu chế tác. “Chỉ cần có ý tưởng, chúng ta sẽ phục hồi được làng nghề. Chúng tôi mong muốn cùng các anh em nghệ sĩ và chính quyền phục hồi làng nghề.

Tôi thường tổ chức các không gian chợ nghệ thuật cuối tuần, nơi gặp gỡ bạn bè và du khách. Với trung tâm mỹ thuật tái chế, không gian triển lãm, sản phẩm của chúng tôi có thể đến với cả nước, ra nước ngoài... Kết hợp với các chương trình fiestival biển, lễ hội ẩm thực, chúng tôi sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa, du lịch đáng nhớ” - Lê Ngọc Thuận bày tỏ niềm lạc quan khi nhìn lại thành quả lao động của anh và người dân An Bàng trong những năm vừa qua.

Để hồi sinh làng nghề và tạo sinh kế cho người dân, con đường sáng tạo nghệ thuật là một lựa chọn đáng chú ý. Không chỉ tạo nên những hiện vật, không gian đầy tính thẩm mỹ, các dự án nghệ thuật tái chế dù ở quy mô nhỏ hay lớn đều mang đến nhận thức mới cho người dân.

Họa sĩ Lê Thiết Cương, người có nhiều năm gắn bó với các làng nghề, cho rằng: “Cổ nhân không mong muốn thế hệ sau “copy”. Phải làm mới truyền thống, biến di sản thành tài sản... Tại sao ở nước ta có hàng nghìn làng nghề mà hầu hết đang rơi vào tình trạng “chết đói”, thậm chí có làng nghề chết hẳn. Nguyên nhân là thiếu sự sáng tạo, thiếu thiết kế mẫu mã, không có tính hiện đại. Nếu sản phẩm của làng nghề sống được trong đời sống hôm nay thì nó mới có thể tự thân tồn tại. Đó chính là câu chuyện thiết kế”.

Cuối tháng 8 này, câu chuyện củi lũ Hội An của Lê Ngọc Thuận sẽ hiện diện tại thành phố Wernigerode - Đức. Một hình ảnh thu nhỏ của Hội An được tái hiện thông qua tác phẩm điêu khắc của Lê Ngọc Thuận, với chùa Cầu, phố cổ Hội An, các làng nghề... được tái hiện sinh động trên những thân gỗ tưởng như chỉ có thể bỏ đi. 24 tác phẩm của anh sẽ được đặt trang trọng trong không gian sắp đặt “Vườn Hội An” với diện tích 200m2. Tin vui này mở ra cho cộng đồng cách nhìn đúng đắn về xu hướng nghệ thuật thế giới: Sáng tạo nghệ thuật phải song hành với việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường... Thái độ của con người với môi trường sống có thể được thức tỉnh bằng nghệ thuật.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top