Tạo điều kiện để người dân tự chủ trong xây dựng đời sống văn hóa

17:19 - Thứ Hai, 28/08/2023 Lượt xem: 5446 In bài viết

Ngày 28/8, lần đầu tiên Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trực tiếp tại Hà Nội, trực tuyến tại các tỉnh, thành khác trên cả nước.

Hội nghị nằm trong chuỗi hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa ( 28/8/1945 – 28/8/2023), chào mừng Quốc khánh 2/9, nhằm phát huy nhân tố văn hoá - con người để chấn hưng văn hoá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021.

Các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, nhận diện, giới thiệu các mô hình xây dựng môi trường văn hóa tiêu biểu; trao đổi nghiệp vụ quản lý nhà nước về văn hóa; đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện có 140 mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được triển khai ở các cấp, trong đó tập trung xây dựng các mô hình: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đẩy mạnh và phát triển hoạt động văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; vận động tuyên truyền thay đổi, xóa bỏ những tập tục không phù hợp, tập tục lạc hậu; phát động và duy trì phong trào khuyến học, khuyến tài...

Nhiều mô hình, câu lạc bộ ở cấp xã, thôn về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc; phòng, chống bạo lực gia đình... đã được các địa phương triển khai từ rất sớm, cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thực tiễn kiểm nghiệm có sức sống trong đời sống xã hội, từ đó tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phát huy sức mạnh, sáng kiến của cộng đồng để khuyến khích lan tỏa, phát triển theo chiều sâu,tạo điều kiện để người dân phát huy tính tự chủ, tự nguyện và trách nhiệm trong xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa.

Tại hội nghị, các địa phương đã chia sẻ nhiều mô hình, kinh nghiệm xây dựng, hoạt động hiệu quả. Các đại biểu thống nhất nhận định, thời gian qua, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa và sự phối hợp liên ngành ở các cấp đã có những bước chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tiếp tục đạt được kết quả tốt. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành có bước trưởng thành…

Tuy nhiên, môi trường văn hóa còn nhiều biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục và vẫn còn một số hiện tượng mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng còn chưa thực sự quan tâm xây dựng môi trường văn hóa. Trình độ quản lý, điều hành trong thực tiễn của đội ngũ cán bộ làm văn hóa cơ sở có nơi còn nhiều bất cập, nhất là ở các cấp huyện, xã.

Các thiết chế văn hóa, thể thao đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chung của xã hội cũng như nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giữa các địa phương phát triển còn chưa đồng đều về chất lượng và số lượng. Mặc dù tỷ lệ gia đình văn hóa, làng, bản, khu phố văn hóa đạt khá cao nhưng vẫn còn nhiều vấn đề xã hội và tệ nạn diễn biến ngày càng phức tạp. Các biểu hiện thiếu văn minh, văn hoá, thiếu tự giác trong sinh hoạt và giữ gìn vệ sinh môi trường vẫn còn diễn ra.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các điểm cầu ở các tỉnh, thành phố.

Trong thời gian tới, ngành Văn hóa cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa phải tạo bước đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng và hoàn thiện các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023; hoàn thiện, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt “Chương trình mục tiêu về chấn hưng, phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top