Kết nối văn hóa đọc - Khám phá đất nước qua tranh vẽ

10:21 - Thứ Ba, 29/08/2023 Lượt xem: 7625 In bài viết

Trong những chuyến đi khám phá quê hương, đất nước, mỗi con đường, cánh đồng, ngọn núi ta qua, mỗi con người ta gặp đều đem đến những cảm giác bồi hồi, vừa mới lạ, vừa thân quen. Góp nhặt những mẩu chuyện, chọn lọc cẩn thận những nét vẽ, tác giả Lê Rin đã cho ra đời bộ sách 2 tập “Việt Nam dọc miền du ký” (Nhà xuất bản Lao động, năm 2022) với mong muốn chia sẻ và làm giàu thêm vốn trải nghiệm cho những người ham thích khám phá vẻ đẹp non sông đất nước.

“Việt Nam dọc miền du ký” là tập hợp những bức vẽ bằng màu nước kết hợp với ghi chép về những vùng đất, văn hóa, con người mà tác giả Lê Rin đã trực tiếp trải nghiệm. Đến với cuốn sách, người đọc sẽ được ghé thăm cảnh sắc trên quê hương đất Việt, từ Hà Giang, Sa Pa, Ninh Bình, Huế đến Hội An, Ninh Thuận, Cần Thơ, An Giang... Ấn tượng ban đầu chính là những bức họa với mảng màu đậm sắc, đường nét chân thực, sinh động. Những chuyển động bằng hình ảnh thêm phần cuốn hút qua ghi chép với ngôn ngữ giàu sắc thái cảm xúc của tác giả. Mới bắt đầu “Từ bến thuyền Tam Cốc, du khách được đi thuyền xuôi theo dòng sông Ngô Đồng với dòng nước trong vắt, chạy quanh co uốn lượn ôm theo những ngọn núi đá vôi sừng sững cùng những cánh đồng lúa thay đổi màu sắc theo mùa. Khung cảnh hòa hợp giữa sông, núi, mây trời tạo nên một cảnh sắc không nơi đâu có được”; phút chốc, độc giả đã được du ngoạn đến “Sông Hương chảy uốn lượn qua lòng thành phố Huế, nước trong xanh và dòng nước êm ả, hiền hòa. Chính vì vậy mà sông Hương có nét trầm buồn, lãng mạn”...

 Bìa cuốn sách “Việt Nam dọc miền du ký” tập 2.

Không chỉ dừng lại ở cảnh sắc thiên nhiên, trong cuốn sách của mình, Lê Rin còn đi sâu khai thác những câu chuyện văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của các vùng, miền. Nổi bật trong những câu chuyện ấy chính là hình ảnh của con người. Họ có thể là người dân bình thường, cũng có thể là nghệ nhân dân gian có tên tuổi cụ thể như bà Lộ Thị Két (Gốm Bàu Trúc), bà Đinh Thị Sổ (Võng gai Khánh Nhơn), ông Kỳ Hữu Phước (Tranh dân gian làng Sình)... Dù là ai, sinh sống ở đâu, họ cũng được phác họa một cách sinh động qua nét vẽ tài hoa của họa sĩ Lê Rin. Để rồi từ đôi bàn tay, ánh mắt và nụ cười trong tranh, họ sẽ kể cho người đọc những câu chuyện hồn hậu, chất phác, chân thành về quê hương, xứ sở, về niềm tự hào của mình với làng nghề truyền thống mà ông cha để lại, trao truyền cho hậu thế.

Một điểm đáng chú ý trong những câu chuyện kể bằng tranh vẽ của Lê Rin là tác giả đã có ý thức về việc bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Anh đã chia sẻ trong cuốn sách: “Ở mỗi địa danh mà tôi giới thiệu trong cuốn sách này, có những nơi mà có thể ngay bây giờ bạn đến đó sẽ không còn nguyên vẹn nữa. Đó có thể là một ngôi nhà gỗ của người H’Mông đã bị hư hỏng, được xây lại theo kiểu hiện đại hơn. Hoặc ví như nghề đan võng gai truyền thống sắp bị thất truyền”. Lê Rin không chỉ muốn tái hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn để tri ân, nhắc nhở thế hệ trẻ về ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc đang dần mai một.

Gấp lại “Việt Nam dọc miền du ký”, người đọc sẽ còn cảm thấy lòng mình reo vang những thanh âm bất tận của cuộc sống, hòa trong tâm trí mình sắc màu cuốn hút của cảnh sắc thiên nhiên. Để rồi qua đó, chúng ta có thể viết tiếp những cảm xúc tự hào và yêu mến với quê hương, đất nước mình hơn. Như chính tác giả cuốn sách mong muốn: “Tôi hy vọng bạn yêu cuốn sách này như chính tình yêu tôi dành cho đất nước, văn hóa và con người Việt Nam”.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top