Chung tay xây dựng đời sống văn hóa

15:38 - Thứ Tư, 30/08/2023 Lượt xem: 7999 In bài viết

ĐBP - Tại tỉnh ta, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã và đang được triển khai rộng khắp, gắn kết với các phong trào, cuộc vận động và cụ thể hóa bằng nhiều nội dung, việc làm thiết thực. Từ đó, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống xã hội, tạo động lực thúc đẩy nhân dân chung tay phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Người dân thôn Từ Ngài 2, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) thường xuyên trao đổi, chia sẻ cách làm trong thực hiện xây dựng đời sống văn hóa.

Với 5 nội dung, 7 phong trào cụ thể, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Triển khai phong trào, hàng năm, Ban Chỉ đạo các cấp đã chủ động xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch đề xuất các chủ trương, giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực, tập trung đẩy mạnh việc thực hiện nâng cao chất lượng phong trào. Tập trung tuyên truyền sâu rộng thông qua các hình thức đa dạng, nội dung phong phú nhằm giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, nội dung của phong trào.

Thực hiện phương châm hướng hoạt động về cơ sở, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, tổ chức phát động xây dựng các mô hình điểm; tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng, triển khai nhiều mô hình tự quản ở khu dân cư. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện đẩy mạnh phong trào thi đua học tập tốt, lao động tốt, phong trào học tập suốt đời, phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc… Gắn với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến tiếp tục được phát động tại các cấp, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong mỗi dòng họ, mỗi gia đình.

Một điểm nhấn trong triển khai thực hiện phong trào chính là việc tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình, thôn, bản, khu dân cư văn hóa; xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị văn hóa. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 1.356/1.445 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký danh hiệu Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; 13/14 phường, thị trấn đăng ký danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh”; hơn 117 triệu hộ gia đình đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa” (chiếm 93,8%)…

Ðiều dễ nhận thấy là phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ðến nhiều thôn, bản tại các xã vùng cao không khó để gặp những ngôi nhà khang trang, các tuyến đường nhựa, đường bê tông trải dài, ven đường là những hàng cây xanh, con đường hoa đua nhau khoe sắc được vun trồng, chăm sóc từ sự chung tay của người dân.

Ông Vừ A Chư, thôn Từ Ngài 2, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) cho biết: Từ khi xã, thôn triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gia đình tôi cũng như các hộ dân khác trong thôn đã nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh, tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng và Nhà nước, điển hình là việc chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, người dân trong thôn còn tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh, các loại hoa để tạo cảnh quan môi trường.

Mặc dù đã phát triển sâu rộng, có sức lan toả song thực tế phong trào vẫn còn một số hạn chế nhất định: Kết quả chưa toàn diện và bền vững; việc đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa ở một số địa phương còn hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng; nhận thức của một bộ phận nhân dân, đặc biệt khu vực vùng cao, vùng biên giới còn nhiều hạn chế; công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên chưa chặt chẽ.

Ðể tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào, thời gian tới, công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh và đa dạng hóa; thực hiện gắn các nội dung, mục tiêu của phong trào với triển khai “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giữa Ủy ban MTTQ và các ngành chức năng, các tổ chức thành viên; tập trung chỉ đạo có chiều sâu các nội dung cơ bản của phong trào, đặc biệt là xây dựng gia đình, thôn, bản, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu. Cùng với đó, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách văn hóa, cán bộ làm công tác mặt trận ở cơ sở; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để phát triển phong trào.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top