Ðể tiếng khèn Mông vang xa

09:53 - Thứ Bảy, 02/09/2023 Lượt xem: 6948 In bài viết

ĐBP - Sáng sớm mùa thu, bản Pú Súa (xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng) vẫn còn lẩn khuất sau màn sương mờ ảo. Song bất chợt vang lên âm thanh lúc trầm, lúc bổng. Ðó là tiếng khèn của người Mông trên đỉnh Pú Súa - thứ âm nhạc đã ngân vang khắp núi rừng, “thấm” vào đất, vào mây và cả tâm hồn người Mông nơi đây từ thế hệ này qua thế hệ khác. Theo tiếng khèn tôi tìm đến nhà nghệ nhân Hậu Phái Sếnh, người đang mở lớp truyền dạy chế tác khèn Mông cho những người yêu khèn, có đam mê với nhạc cụ dân tộc của người Mông.

Nghệ nhân Hậu Phái Sếnh (thứ 2 từ phải sang) chỉ dạy học viên cách làm bầu khèn.

Hiện ra trước mắt tôi là một lớp học đặc biệt, diễn ra trên một bãi đất trống, học viên không phân biệt tuổi tác, có đủ mọi lứa tuổi từ những cậu bé tuổi 15 cho đến các bậc trung niên ngoài 50 tuổi. Lớp học đông vui, nhộn nhịp tràn đầy tiếng nói cười, xen lẫn tiếng đe, tiếng búa tán lá đồng (để chế tạo một trong những bộ phận quan trọng tạo nên âm thanh cho cây khèn). Một số học viên lại đang tập trung tập thổi những bài khèn “vỡ lòng” đầu tiên. Chế tác khèn vô cùng độc đáo, không có quy chuẩn chung, tất cả đều phụ thuộc vào kinh nghiệm, sự khéo léo, tỉ mỉ của người tạo ra nó. Do đó, tất cả những người thợ chế tác khèn Mông đều là những người sử dụng thành thạo, biết thổi, biết múa khèn và có kinh nghiệm, trình độ thẩm âm nhất định.

Ngay từ khi còn nhỏ cậu bé Hậu Phái Sếnh thường được nghe cha mình thổi những điệu khèn Mông. “Với niềm đam mê, yêu thích nhạc cụ của dân tộc mình tôi đã hăng say tập luyện và thành thục các điệu múa khèn từ khi mới đôi mươi, đến nay đã ngoài 70 tuổi. Nhà nước rất quan tâm đến bản sắc dân tộc của người Mông, hỗ trợ mở lớp tại bản Pú Súa để tôi truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Tôi sẽ cố gắng hết sức để truyền dạy kỹ thuật thổi khèn, múa khèn và chế tác khèn Mông cho thế hệ trẻ, đặc biệt là 18 học viên của lớp học. Ðể không bị mai một văn hóa dân tộc người Mông” - nghệ nhân Hậu Phái Sếnh tâm sự.

Học thổi khèn, múa khèn đã khó, học chế tác khèn còn khó hơn nhiều lần. Ðể chế tác ra một cây khèn cần rất nhiều công đoạn. Từ chọn vật liệu để làm ống khèn, bầu khèn, lá lam đồng (lưỡi gà). Công đoạn đầu tiên là nấu đồng, rèn lưỡi lam có độ mỏng vừa đủ để phát ra độ rung ngân tốt; bầu khèn thường được làm bằng gỗ pơ mu; 6 ống khèn được làm từ cây trúc được luộc, uốn, phơi, khoan lỗ đúng âm, đúng khoảng cách. 6 ống khèn có độ dài, ngắn khác nhau, trên mỗi ống khèn đều có một lỗ nhỏ được gắn lưỡi gà. 6 ống khèn được cắm xuyên qua bầu khèn và được cố định lại bằng các đai khèn, khi thổi âm thanh trầm hay bổng tùy thuộc vào độ dài ngắn của ống trúc. Âm thanh cây khèn có hay, có chuẩn hay không đều phụ thuộc vào kinh nghiệm thẩm âm của người tạo ra nó.

Khi tiếng khèn vang lên cũng là lúc các học viên ở bản Pú Súa tập trung về gia đình nghệ nhân Hậu Phái Sếnh để được ông truyền dạy cách chế tác khèn Mông và các điệu múa khèn. Lớp dạy chế tác khèn Mông tại bản Pú Súa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh hỗ trợ kinh phí mở lớp. Lớp không chỉ học vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần mà bất kể khi nào nghệ nhân và các học viên có thời gian rảnh rỗi, những lúc công việc lao động sản xuất đã xong, hay những đêm trăng tròn.

Có thể nói cây khèn là một trong những vật dụng song hành trong suốt cuộc đời của người Mông. Cây khèn là linh hồn của văn hóa dân tộc Mông. Tùy vào từng hoàn cảnh mà thổi, múa các bài khèn khác nhau. Ðối với các bài khèn vui chơi thì động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và khó hơn, như: Lăn nghiêng, lăn ngửa, đá gà, đá ngựa, nhảy ngồi xổm, tay nọ vỗ vào chân kia, tay kia vỗ vào chân nọ, tiếng vỗ phải kêu mà tiếng khèn vẫn không dứt. Các bài khèn tiêu biểu như: Tiếng khèn xuống chợ, Tiếng khèn gọi bạn, Xuân vùng cao… thường thổi vào dịp tết, đám cưới. Ðối với các bài khèn trong việc cúng, việc tang thường có âm điệu bi ai…

Ngày nay, sự phát triển của khoa học công nghệ, cùng với sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc dẫn đến một bộ phận giới trẻ không còn đam mê, hứng thú với nhạc cụ dân tộc. Trong đó, có cây khèn của dân tộc Mông tại Pú Súa. Hiện nay, hầu như người trẻ trong bản không biết làm khèn, thổi khèn, một số ít biết thổi nhưng không biết làm. Băn khoăn về điều này, ông Hờ A Thể, bản Pú Súa chia sẻ: Tôi năm nay đã 50 tuổi rồi nhưng vẫn tham gia học lớp làm khèn của thầy Sếnh để làm gương, động lực cho con cháu noi theo. Qua đó, góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc.

Với mong muốn con cháu, thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa và giá trị sâu sắc của khèn trong đời sống tinh thần của người Mông, nghệ nhân Hậu Phái Sếnh ngày ngày vẫn đang nỗ lực truyền dạy cách làm và sử dụng khèn cho con cháu, cho những người yêu thích, đam mê với khèn nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc của người Mông.

Chúng tôi rời Pú Súa mà tiếng khèn vẫn âm vang. Hi vọng với những nỗ lực của những người như nghệ nhân Hậu Phái Sếnh, thông qua các lớp học chế tác khèn Mông, tiếng khèn Mông không chỉ réo rắt trên đỉnh Pú Súa mà còn vang xa hơn nữa.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top