ĐBP - Là huyện miền núi, biên giới, gồm 8 dân tộc cùng sinh sống, mỗi một dân tộc có những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống riêng biệt; Nậm Pồ có nền văn hóa phong phú. Song ngày nay, những giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị mai một trước sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Vì thế, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện ban hành Nghị quyết về “Ðẩy mạnh bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021 - 2025”.
Ông Phan Ngọc Linh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Pồ chia sẻ: Huyện đã tích cực thực hiện kiểm kê di sản văn hóa đối với các dân tộc. Tiến hành lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” và đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ khoa học đối với các di sản văn hóa khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu giữ các nét văn hóa truyền thống thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ. Nổi bật như: Lễ cúng thần rừng dân tộc Kháng, Lễ Cấp sắc dân tộc Dao, Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, Lễ hội Gội đầu dân tộc Thái... Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội “Tết Hoa” dân tộc Cống; Nghệ thuật trình diễn dân gian của người Khơ Mú; Nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ phang).
Huyện Nậm Pồ cũng tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, lễ hội truyền thống, như: Lễ hội xuân Phìn Hồ; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, dân tộc Thái vào dịp 2/9 với quy mô cấp huyện. Duy trì việc đưa một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào chương trình giáo dục chính khoá, ngoại khóa và các hoạt động tập thể như: Nghệ thuật trình diễn dân gian (múa, hát, trò chơi dân gian), nghề thủ công truyền thống (kỹ thuật đan lát, thêu, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục...).
Nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Thời điểm thành lập huyện (năm 2013), Nậm Pồ chỉ có 20/127 bản có nhà văn hóa; đến nay huyện có 42/121 bản có nhà văn hóa; 1 nhà tập luyện và thi đấu cầu lông, với 4 sân đạt chuẩn theo quy định; 2 sân bóng chuyền ngoài trời… Ðặc biệt, huyện Nậm Pồ đã và đang đẩy mạnh phát huy tốt vai trò của nghệ nhân, các đội văn nghệ quần chúng (toàn huyện hiện có 58 đội văn nghệ quần chúng với 832 thành viên) trong bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Ông Sùng Chừ Dính, bản Mạy Hốc, xã Phìn Hồ chia sẻ: “Múa khèn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh, tinh thần của dân tộc Mông. Tuy nhiên hiện nay, số người biết, nắm rõ và biểu diễn được khèn này rất ít. Ðể lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, tôi đang cố gắng sưu tầm và truyền dạy lại cho con cháu loại hình nghệ thuật này để gìn giữ và phát triển, không bị mai một theo thời gian”.
Với mục tiêu 100% dân tộc trên địa bàn huyện được bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; 100% bản xây dựng quy ước, hương ước gắn với bảo tồn và phát huy các phong tục truyền thống tốt đẹp của các dân tộc… Thời gian tới, huyện Nậm Pồ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của các giá trị văn hóa truyền thống; vai trò, ý nghĩa của việc lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực nhằm phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở; lấy mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS làm việc trong các thiết chế văn hóa cơ sở làm trọng tâm. Chú trọng mở các lớp đào tạo nghệ thuật trình diễn dân gian như: Múa khèn, thổi sáo; chơi tính tẩu, nhị, thổi pí pặp dân tộc Thái, múa cơ bản các dân tộc. Phát huy vai trò nòng cốt của các nghệ nhân trong công tác sưu tầm, truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc… Từ đó, góp phần truyền thụ những nét đẹp văn hóa truyền thống, giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ thêm hiểu và yêu văn hóa truyền thống của dân tộc.