Nhiều khó khăn trong phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

15:44 - Thứ Sáu, 08/09/2023 Lượt xem: 7221 In bài viết

Hiện nay, cả nước có khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 497 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và 2 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Sau khi ghi danh, các di sản văn hóa được các nhà quản lý khai thác, quảng bá, phát triển du lịch, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị các di sản này vẫn còn nhiều hạn chế, cần sớm được khắc phục kịp thời.

Nghệ thuật Ca trù ở Hà Nội có nhiều khởi sắc sau khi được UNESCO ghi danh.

Sau hơn 11 năm được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, đến nay, di sản Ca trù ngày càng được phát huy tốt hơn. Các điểm biểu diễn thường xuyên và có khán giả vẫn hoạt động tốt như: Câu lạc bộ (CLB) ca trù Hà Nội diễn tại đình Kim Ngân, CLB ca trù UNESCO Hà Nội tại Bích Câu đạo quán, CLB ca trù thuộc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc thuộc Hội Âm nhạc Việt Nam tại Phố cổ và chợ Đồng Xuân...

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hà Nội là địa phương có số lượng nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND) và Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nhiều nhất cả nước, trong đó có nghệ thuật trình diễn Ca trù.

Qua 3 lần phong tặng năm 2015, 2019, 2022, Hà Nội có 32 nghệ nhân Ca trù được phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Hoạt động truyền dạy của các CLB Ca trù trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn ra định kỳ hằng tháng tại nhà văn hóa địa phương, di tích lịch sử văn hóa hoặc tại nhà của một trong số các thành viên của CLB. Việc duy trì định kỳ sinh hoạt hằng tháng của CLB tạo điều kiện cho các hội viên tham gia tập luyện và gắn kết với nhau hơn.

Hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hỗ trợ mở các lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn Ca trù cho các CLB. Điều đáng mừng là có cả học sinh, sinh viên yêu thích Ca trù theo học các nghệ nhân và tiếp thu kiến thức khá nhanh. Tuy nhiên, Ca trù là bộ môn nghệ thuật rất đặc trưng, rất khó học, khó hát và khó theo dài lâu. Vì vậy, thế hệ kế cận thường xuyên không ổn định, đối diện với nguy cơ bị thiếu hụt, nếu không có các biện pháp bảo vệ thường xuyên, liên tục. Một số CLB hoạt động không thực sự hiệu quả, quy mô cũng hạn chế như CLB Ca trù Cầu Đơ, CLB Ca trù Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Trung tâm UNESCO Ca trù (quận Ba Đình). Nhóm Ca trù của nghệ nhân, NSƯT Phó Thị Kim Đức hiện nay vẫn chỉ truyền dạy và sinh hoạt mang tính chất phạm vi nội bộ gia đình...

Cũng theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, mặc dù di sản Ca trù đã có những khởi sắc hơn so với giai đoạn trước nhưng số người có khả năng học hát Ca trù chưa nhiều, lại không có môi trường biểu diễn hay thực hành di sản nhiều nên ít người theo nghề. Trong khi đó, số nghệ nhân hát Ca trù còn ít, hầu hết tuổi cao, một số đã mất nên việc truyền dạy gặp khó khăn. Thời gian truyền dạy phải kéo dài 3-5 năm, thậm chí 7-10 năm nhưng nhiều người chỉ học cấp tốc 1 tuần, 1 vài tháng nên chưa đủ kiến thức sâu, rộng về nghệ thuật Ca trù.

Các trường đào tạo về nghệ thuật, âm nhạc hiện không dạy bộ môn này. Một số thể cách khó, kép đàn, trống chầu có nguy cơ mai một vì thường không có điều kiện tập luyện, tổ chức truyền dạy, do một số nghệ nhân lớn tuổi nay đã già yếu, qua đời hoặc truyền dạy không tỉ mỉ, dẫn đến sai lệch…

Thực tế, những khó khăn trong phát huy giá trị di sản Ca trù của Hà Nội không phải là cá biệt. Việc phát huy di sản Đờn ca Tài tử Nam Bộ ở TP Hồ Chí Minh, hát Xoan ở Phú Thọ, nghệ thuật Bài Chòi ở Bình Định… cũng tương tự. Thực tế, nhiều vấn đề về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh cũng đã được cơ quan quản lý văn hóa nhận diện.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cũng chỉ ra rằng, thời gian qua, nhận thức của xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế và không đồng đều. Các giá trị, đặc trưng, đặc điểm, tính chất, nguyên tắc thực hành, hiện trạng thực hành và bảo vệ di sản, các nguy cơ tác động, dẫn tới thực hành sai lệch, mai một và thất truyền di sản chưa được nắm bắt kịp thời. Kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế, chưa có cơ chế, chính sách hợp lý nên chưa thu hút được sự hỗ trợ, hợp tác, tài trợ của các cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, việc gia tăng về số lượng di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có tính chuyên môn đặc thù, cần có lộ trình tiếp cận vấn đề, chiến lược lâu dài, hướng tới quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh một cách bền vững.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top