Băn khoăn với Cánh diều 2023

09:54 - Thứ Ba, 12/09/2023 Lượt xem: 6697 In bài viết

Bước qua hai năm ảm đạm do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, ngành điện ảnh bước đầu có dấu hiệu phục hồi, một số phim ra rạp đạt doanh thu cao. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh của điện ảnh vẫn còn nhiều băn khoăn khi vẫn còn thiếu và yếu. Đây là mối băn khoăn trước thềm Lễ trao giải Cánh diều 2023.

“Đỏ mắt” tìm phim Việt

Ngày 9/9, Lễ trao giải Cánh diều 2023 được diễn ra tại TP Nha Trang. Năm nay, danh sách đề cử phim tranh tài ở hạng mục Phim điện ảnh có 16 tác phẩm. Danh sách đề cử bao gồm: "Nhà bà Nữ", "Biệt đội rất ổn", "Hạnh phúc máu", "Siêu lừa gặp siêu lầy", "Em và Trịnh", "Chị chị em em 2", "Con Nhót mót chồng", "Cô gái từ quá khứ", "Vong nhi", "9", "Tiểu đội hoa hồng", "Mười: Lời nguyền trở lại", "Hoa nhài", "Tro tàn rực rỡ", "Memento Mori: Đất". Số lượng phim điện ảnh đề cử ở mùa giải năm nay được nhận xét là khá khiêm tốn. Như giải Cánh diều 2021 - thời điểm đỉnh dịch COVID-19 cũng có đến 11 tác phẩm tranh tài.

Phim “Nhà bà Nữ” được kỳ vọng sẽ tỏa sáng tại Lễ trao giải Cánh diều 2023.

Thực tế, trong 8 tháng đầu năm, thị trường Việt mới chào đón 13 phim nội ra rạp. Tính cả số phim dự kiến chiếu từ nay cho đến cuối năm, con số này cũng chỉ chưa đến 20 tác phẩm, tương đương giai đoạn 2020-2021 khi rạp chiếu phải đóng cửa vì COVID-19. Trong khi các năm khác, số phim thường dao động quanh mức 35 tác phẩm. Rõ ràng đây là con số đáng báo động vì thấp nhất so với cùng kỳ 5 năm qua. Đó còn chưa kể, số lượng phim vượt mốc trăm tỷ chiếm chưa đến 1/3, bao gồm: “Nhà bà Nữ” (gần 500 tỷ đồng), “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” (gần 300 tỷ đồng), “Chị chị em em 2” (hơn 121 tỷ đồng), “Siêu lừa gặp siêu lầy” (gần 122 tỷ đồng).

Điều này phần nào cho thấy thực trạng phim Việt đang thiếu cung so với cầu. Khi không còn cách nào khác, nhiều nhà sản xuất có thể sẽ lại chọn giải pháp làm phim “mì ăn liền” vì đơn giản, dễ thực hiện. Nhưng hậu quả là chất lượng thấp, bị khán giả quay lưng khi ra rạp, thậm chí còn bị gắn mác thảm họa điện ảnh như: “Khi ta hai lăm” (đạo diễn Luk Vân, doanh thu mới chỉ có… 9,5 triệu đồng thì đã phải rút khỏi rạp), “Biệt đội rất ổn” (đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp, doanh thu hơn 10 tỷ đồng), “Bến phà xác sống” (đạo diễn Thành Nam, doanh thu 3,7 tỷ đồng)… Tình trạng khan hiếm phim chất và lượng khiến giới chuyên môn dự báo năm 2023 điện ảnh Việt sẽ... chạm đáy. Phía Box Office Vietnam mạnh dạn nhận định, với tình hình ít phim bom tấn như hiện tại, phòng chiếu sẽ tiếp tục ở trong trạng thái ảm đạm từ giờ đến hết năm.

“Bến phà xác sống” bị gắn mác là thảm họa tiếp theo của điện ảnh Việt sau phần 1 “Cù lao xác sống” ra mắt năm 2022.

Thực trạng này cũng khiến giới làm phim e ngại về sự xuất hiện liên tục của các dự án phim tại nhiều giải thưởng khác nhau. Tình trạng một phim có nhiều giải thưởng hay ban giám khảo buộc phải "so bó đũa chọn cột cờ" là câu chuyện dễ đoán. Đơn cử, hồi tháng 5, "Nhà bà Nữ" đã giành giải Phim hay nhất hạng mục Phim Việt Nam dự thi tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất, Trấn Thành giành giải Đạo diễn xuất sắc hạng mục này. Tại Cánh diều 2023, tác phẩm của Trấn Thành cũng được kỳ vọng là ứng cử viên sáng giá ở các hạng mục quan trọng. Nhất là từ nay đến đầu năm 2024, ngành điện ảnh Việt liên tục có các giải thưởng vinh danh như:  LHP quốc tế TP. Hồ Chí Minh, tổ chức lần đầu vào tháng 4/2024, giải Ngôi sao xanh, giải Mai vàng… tìm đâu để có phim để dự thi là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.

Không chỉ ở các giải thưởng trong nước, nhiều năm qua, điện ảnh Việt cũng đỏ mắt đi tìm tác phẩm dự thi các LHP quốc tế uy tín. Năm ngoái, “578 - Phát đạn của kẻ điên” (tên tiếng Anh: “578 Magnum”) được Hội đồng quốc gia lựa chọn gửi đi tham dự vòng sơ tuyển Giải thưởng Phim truyện quốc tế Oscar (2022-2023). Thực tế, đây chưa phải là một phim hoàn toàn thuyết phục được công chúng về nội dung khi ra mắt hồi tháng 5/2022. Phim cũng thất bại về doanh thu - hơn 3,4 tỷ đồng là một con số khá thấp so với kỳ vọng.

Trước đại dịch, ngay cả những phim có doanh thu “trăm tỷ” như “Bố già”, “Mắt biếc”, “Hai Phượng”, “Cô Ba Sài Gòn”... từng được chọn đi tham dự Oscar và bị loại ngay từ vòng ngoài đã thể hiện điện ảnh Việt thực sự không có nhiều phim để lựa chọn đi dự những LHP danh giá hoặc có uy tín. Tác phẩm khi được chọn gửi đi hầu hết đều xác định trong tâm thế: “Thi cho vui!”

Hai thái cực của điện ảnh Việt

Trong khi phim Việt chiếu rạp vẫn loay hoay trên sân nhà thì phim truyền hình lại thừa thắng xông lên. Nếu từng có thời phim truyền hình Việt Nam lép vế trước phim dài tập của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… thì hơn 5 năm trở lại đây, phim Việt đang thực sự gây sốt trên sóng, tạo sức hút với khán giả. Theo số liệu do đơn vị nghiên cứu thị trường Kantar Media Vietnam công bố, những bộ phim truyền hình gần đây như: “Đừng làm mẹ cáu” (đạo diễn Vũ Minh Trí), “Đừng nói khi yêu” (đạo diễn Bùi Quốc Việt), “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng), “Gia đình mình vui bất thình lình” (đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh - Nguyễn Đức Hiếu) luôn dẫn đầu trong bảng xếp hạng chương trình được xem nhiều nhất cả nước, có tỷ suất người xem trên 3%.

Phim truyền hình “Cuộc đời vẫn đẹp sao” gây sốt nhờ dàn diễn viên chất lượng, nội dung gần gũi, dung dị.

Không khó để lý giải về hai thái cực nói trên của điện ảnh Việt. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, có hai lý do khiến rạp Việt thiếu phim nội là kinh phí và thời gian. “Thông thường, sau khi phim điện ảnh quay xong, thông thường cần từ 6 đến 8 tháng mới có thể ra rạp. Năm ngoái, điện ảnh Việt không có nhiều phim được sản xuất do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên năm nay không có nhiều phim để chiếu cũng là điều không bất ngờ.

Bên cạnh đó, ngành phim đang không phải là kênh hấp dẫn các nhà đầu tư. Nguyên nhân vì nhiều nhà sản xuất phim Việt có khả năng thẩm định kịch bản thấp, làm phim thiên về bề nổi hơn chú trọng đầu tư cho kịch bản. Và dù có nhiều dự án hay nhân sự tài năng nhưng nếu không có tiền thì cũng sẽ không có phim Việt Nam chất lượng được sản xuất", nam đạo diễn nhận định.

Nhìn vào các bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ trong năm qua, giới làm phim cho rằng, khán giả vẫn “khát” phim Việt, song các nhà sản xuất cần thêm thời gian để nghe ngóng thị trường và thời gian đầu tư cho chất lượng. Chưa kể, thị hiếu của khán giả ngày càng khắt khe. Sự cẩn thận trong chi tiêu sau đại dịch cũng là lý do người xem phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi rút ví để xem một bộ phim ngoài rạp.

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam phát biểu tại họp báo công bố về Giải thưởng Cánh diều Vàng 2023.

Ở chiều ngược lại, phim truyền hình sau cơn sốt “Việt hóa” đã xuất hiện nhiều phim có kịch bản mới, khắc phục yếu điểm kịch bản khô cứng khi khai thác các vấn đề nóng trong xã hội được thể hiện một cách nhẹ nhàng và đặc biệt là giúp khán giả "chữa lành" tâm hồn. Đơn cử, tác phẩm được chiếu gần đây là “Gia đình mình vui bất thình lình” và “Cuộc đời vẫn đẹp sao” liên tục được khán giả đón nhận bởi những diễn biến vui vẻ, tích cực. Các tình huống trong phim cũng được khai thác nhẹ nhàng với cao trào vừa đủ, mang đến những giờ phút xem phim đầy thư giãn cho khán giả. Từ khâu sản xuất bao gồm thiết bị máy móc, lựa chọn diễn viên… đến khâu quảng bá cũng đều được chú trọng. Theo Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC), trong 5 -10 năm gần đây, đơn vị đã chuyển từ quay SD sang HD và đến nay là 4K. Khâu hậu kỳ cũng được đầu tư đồng bộ, đạt chất lượng tương đương phim điện ảnh.

Chuyên gia truyền thông Hằng Nguyễn cho rằng, sự “khôn ngoan” của ê kíp sản xuất phim truyền hình còn ở việc khéo lồng ghép các vấn đề nóng bỏng của xã hội nhờ hình thức sản xuất “cuốn chiếu” và khai thác lợi thế trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ. “Mỗi bộ phim, đều có các hội, nhóm, diễn đàn bàn luận trên mạng xã hội, thu hút hàng hàng nghìn người theo dõi, tương tác. Ở đó, khán giả háo hức chờ đợi, bàn luận sôi nổi và sống cùng nhân vật, dự đoán số phận của các nhân vật trong phim.

Tất nhiên, sẽ là khập khiễng nếu đặt phim điện ảnh và phim truyền hình lên bàn cân chi tiết. Đối với khán giả, phim truyền hình như một món ngon miễn phí. Họ gần như không hoặc chỉ phải trả rất ít tiền để thưởng thức. Đặc thù sản xuất của hai mảng cũng hoàn toàn khác nhau. Nhưng suy cho cùng, kịch bản tốt, sản xuất chỉn chu vẫn là “công thức vàng” để một tác phẩm được khán giả và giới chuyên môn ghi nhận”, bà Hằng Nguyễn nhận định.

Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển nền công nghiệp văn hóa, để từ đó tiến tới xuất khẩu thương hiệu văn hóa, với chiến lược định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Gần nhất, Thành ủy Hà Nội đã lên những kế hoạch đầu tiên để thực hiện chiến lược "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Trong đó, phim ảnh được đề xuất là một trong những mũi nhọn của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, Luật Điện ảnh 2022 vừa được Quốc hội khóa 15 thông qua vào ngày 15/6, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung và rất nhiều điểm mới so với luật Điện ảnh 2006 (và cả luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung năm 2009). Cú hích chiến lược được kỳ vọng thị trường điện ảnh sẽ trở thành thỏi nam châm hấp dẫn nhà đầu tư, từ đó khơi thông dòng vốn. Nhưng đó vẫn là câu chuyện của tương lai khi gần một năm qua chất lượng phim Việt vẫn còn phập phù và trông đợi doanh thu bằng thời điểm.

Trong khi đó, phim điện ảnh vẫn là “át chủ bài” trong công cuộc quảng bá văn hóa, con người Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trước thềm Lễ trao giải Cánh diều 2023, số lượng phim ít ỏi ra rạp, danh sách ¼ phim thảm họa trong năm 2023, cho thấy khát vọng về một ngành công nghiệp điện ảnh phát triển, có vị thế vẫn là hành trình đầy chông gai, khó khăn và xa vời.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top