“Tiếp sức” cho các đội văn nghệ quần chúng

09:12 - Thứ Bảy, 16/09/2023 Lượt xem: 6571 In bài viết

ĐBP - Là một trong những hạt nhân quan trọng góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân tại cơ sở, phong trào văn nghệ quần chúng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm duy trì và nhân rộng. Ðặc biệt mới đây, HÐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho đội văn nghệ quần chúng. Ðây sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ giúp các đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả hơn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc tại địa phương.

Ðội văn nghệ bản Khá, xã Mường Phăng, TP. Ðiện Biên Phủ luyện tập các điệu múa truyền thống.

Khó khăn nhưng vẫn tích cực

Là 1 trong 20 đội văn nghệ của xã Mường Phăng, TP. Ðiện Biên Phủ, những năm qua đội văn nghệ bản Khá được đánh giá là hoạt động hiệu quả. Ðược thành lập cách đây 6 năm, chị em trong đội đang là những nhân tố chính hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Bà Tòng Thị Thơm, Ðội trưởng Ðội văn nghệ bản Khá chia sẻ: “Ðội hiện có 10 thành viên, đều là chị em có niềm say mê với văn hóa, văn nghệ. Các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, chị em tích cực tham gia biểu diễn, mang lời ca, điệu múa của mình phục vụ bà con trong bản, xã. Thế nhưng, từ trước đến nay, các chị em đều tự góp tiền mua trang phục, đạo cụ, đồ trang điểm... để phục vụ biểu diễn. Mỗi năm bản trích ra 1 tạ thóc, quy ra tiền để hỗ trợ chị em hoạt động. Khó khăn về kinh phí khiến cho hoạt động của đội bị hạn chế rất nhiều...”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.038 đội văn nghệ quần chúng thôn, bản, tổ dân phố. Mỗi tổ, đội có từ 10 - 40 hạt nhân văn nghệ là các diễn viên không chuyên, cán bộ nghỉ hưu, đoàn viên, thanh niên, người lao động… Ngoại trừ các đội văn nghệ hiện đang biểu diễn phục vụ tại các bản văn hóa du lịch là có nguồn thu, hầu hết các đội còn lại hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí để sinh hoạt, thuê trang phục biểu diễn. Nhiều đội hoạt động tích cực, hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, du lịch của địa phương. Vào những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, địa phương, bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa, những nghệ sĩ, diễn viên không chuyên tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, trung bình các đội văn nghệ tổ chức khoảng 4.000 buổi biểu diễn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của các đội văn nghệ còn tạo nên nhiều nét riêng có, hấp dẫn cho các điểm du lịch cộng đồng...

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Nhiều tổ, đội hoạt động cầm chừng, theo mùa vụ, chưa hiệu quả do kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, chủ yếu dựa trên nguồn xã hội hóa. Trong khi đó, thu nhập bình quân và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc phát triển cả về số lượng và chất lượng của nhiều đội văn nghệ vẫn chưa được như mong muốn. Ngoài ra, hệ thống các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa văn nghệ còn hạn chế, nghèo nàn, chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế của văn hóa, nhất là phát huy hoạt động của các đội văn nghệ phục vụ phát triển du lịch...

“Tiếp sức” để duy trì hoạt động

Ðể duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, các cấp chính quyền tỉnh nhà đã không ngừng tạo điều kiện thuận lợi cho các đội hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Ðặc biệt là vừa qua, tại kỳ họp thứ 11, HÐND tỉnh khóa XV thông qua Nghị quyết “Quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên”. Theo đó, từ ngày 1/8/2023, mỗi đội văn nghệ thôn, bản, tổ dân phố được hỗ trợ 4 triệu đồng/năm. Ðối tượng được hỗ trợ là đội văn nghệ quần chúng của thôn, bản, tổ dân phố được thành lập theo quyết định của UBND xã, phường, thị trấn trên trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (1 đội/thôn, bản, tổ dân phố). Kinh phí hỗ trợ được dành cho các hoạt động của đội văn nghệ, gồm: Mua sắm, thuê trang phục, đạo cụ, thiết bị, hóa trang; thuê đạo diễn, biên đạo, dàn dựng chương trình; bồi dưỡng cho diễn viên tập luyện, biểu diễn… Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương cấp và được bố trí trong dự toán hàng năm của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HÐND tỉnh chia sẻ: “Ðây là lần đầu tiên tỉnh Ðiện Biên ban hành một cơ chế chính sách hỗ trợ cho các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Các đội văn nghệ này sẽ góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc, đồng thời, cũng góp phần không nhỏ phát triển du lịch của tỉnh nhà”.

Ðội văn nghệ quần chúng bản Púng Tôm, xã Thanh Minh, TP. Ðiện Biên Phủ được thành lập từ năm 2014. Ðội có gần 15 thành viên, tất cả đều là những người yêu thích say mê ca, múa hát truyền thống và mong muốn góp sức vào việc duy trì, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật của quê hương. Từ khi thành lập đến nay, như phần lớn các đội văn nghệ khác trong tỉnh, các thành viên đều tự nguyện đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động. Khi nghe tin được thông qua chính sách hỗ trợ 4 triệu đồng/năm, các thành viên không giấu nổi niềm vui. Thậm chí, nhiều thành viên đã nhẩm tính sử dụng tiền để mua những đạo cụ, thiết bị hỗ trợ còn thiếu. Những đạo cụ, thiết bị này đều rất cần thiết cho hoạt động của đội, nhưng bao lâu nay chị em chỉ dám suy nghĩ trong đầu… Bà Lò Thị Hoàn, Ðội văn nghệ bản Púng Tôm chia sẻ: “Ðội thành lập cũng được gần 10 năm nay rồi nhưng còn nhiều khó khăn lắm, nhất là về kinh phí để duy trì hoạt động. Bây giờ nếu có 4 triệu đồng/năm thì giúp chúng tôi làm được rất nhiều. Trước mắt, số tiền đó có thể hỗ trợ mua thêm loa đài, chúng tôi có điều kiện tập luyện các tiết mục tốt hơn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...”.

Với đặc thù địa phương còn nhiều khó khăn như tỉnh ta, chính sách hỗ trợ 4 triệu đồng/năm thực sự là nguồn động lực rất lớn để các đội văn nghệ quần chúng tiếp tục duy trì và hoạt động ngày càng hiệu quả. Không chỉ góp phần khuyến khích và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ tại cơ sở mà đây còn là chính sách thiết thực, ý nghĩa trong việc đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, tiêu biểu, đậm đà bản sắc dân tộc Ðiện Biên...

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top