Cuộc sống qua ảnh

Độc đáo Lễ Dù Su ở Tỏa Tình

16:37 - Chủ Nhật, 17/09/2023 Lượt xem: 7273 In bài viết

ĐBP - Dân tộc Mông ở Điện Biên có nền văn hóa lâu đời, các phong tục tập quán, văn hóa còn lưu giữ rất đặc sắc, độc đáo. Nổi bật là các lễ hội dân gian như: Lễ hội Gầu Tào, lễ Cúng Rừng… Trong đó, Lễ Dù Su (lễ cúng dòng họ) là một trong những lễ quan trọng, nổi bật trong đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc Mông.

Lễ Dù Su (lễ cúng dòng họ) được tổ chức mỗi năm một lần. Theo tiếng dân tộc Mông, “Dù” có nghĩa là nhốt lại, gói lại; “Su” có nghĩa là những rủi ro, không thuận lợi, may mắn trong cuộc sống. Lễ Dù Su là ngày lễ xua đuổi vận hạn, cầu chúc sự may mắn sẽ đến từng thành viên của dòng họ trong năm.

Đối với từng dòng họ sẽ có cách tổ chức, ấn định ngày giờ khác nhau, tùy thuộc vào sự thống nhất cũng như quan niệm ngày tốt, ngày xấu của dòng họ. Như họ Giàng ở xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, 29/7 hàng năm sẽ là ngày tổ chức cố định Lễ cúng dòng họ. Trong ngày này các hộ gia đình của dòng họ Giàng ở trong và ngoài tỉnh sẽ tiến hành dùng giấy bản tự làm, nhuộm màu xanh, đỏ, vàng khác nhau để phủi, chà lau qua các vật dụng trong nhà tượng trưng cho sự đen đủi, vận xui đeo bám; sau đó kẹp vào hương rồi gói lại mang tới nhà người đăng cai tổ chức lễ.

Tại Lễ Dù Su, trưởng họ là người cúng lễ; mỗi người một tay, một chân tham gia dỡ hương, tháo giấy, xắp cho ngay ngắn. Thầy cúng sẽ tập trung đại diện các hộ gia đình trong vòng tròn bằng dây vải màu, vừa đọc lời cúng vừa đánh chiêng để xua đuổi vận xui. Sau đó, mọi người tổ chức dâng vật tế là một con dê. Con dê được đeo vòng với những răng gỗ nhọn, dùng để treo giấy của các hộ gia đình mang tới (tượng trưng cho “Su”). Thầy mo sẽ đeo khăn đỏ che mặt, mỗi tay một vật phẩm được làm từ kim loại, vừa làm lễ vừa nhảy tròn trên 9 chiếc ghế đè lên nhau. Sau khi đọc hết lời khấn, thầy mo ném thẳng chiếc vòng gắn chuông từ nhà ra sân; người giữ dê sẽ thúc dê chạy đến rừng cách xa bản làng. Tại đây, chiếc vòng giấy mang những điều xui rủi sẽ bị đốt, lọ đựng các tờ giấy nhiều màu được gấp gọn gàng sẽ được mọi người chôn, lễ vật được mổ thịt, dâng lên các vị thần, các linh hồn lành, dữ lẩn khuất gần bản làng.

Có thể nói Lễ Dù Su là một nghi lễ đặc sắc, độc đáo, không chỉ thể hiện những quan niệm, tín ngưỡng văn hóa truyền thống; mà nó còn thể hiện lối sống cộng đồng, đoàn kết, gắn bó cùng nhau phát triển của đồng bào dân tộc Mông.

Lễ Dù Su (lễ cúng dòng họ) là một trong những lễ cúng quan trọng nhất trong năm của đồng bào dân tộc Mông.
Đây là dịp các gia đình trong dòng họ dân tộc Mông tụ họp sau một năm lao động vất vả.
Để chuẩn bị cho Lễ cúng dòng họ, mỗi gia đình sẽ dùng giấy chà, phủi khắp các vật dụng trong nhà…
…Rồi quấn vào hương, bỏ vào túi và mang tới nơi tổ chức lễ, tại đây các “Su” sẽ được dỡ, bện lại với nhau.
Chuẩn bị vòng đeo với những răng nhọn để treo “Su” của dòng họ lên vật phẩm cúng tế.
Bàn làm lễ cúng với các loại vật dụng bằng kim loại như dao, vòng lúc lắc, chiêng… để phục vụ thầy mo khi làm lễ.
Khi đã chuẩn bị xong, thầy mo sẽ bắt đầu làm lý, đại diện các hộ gia đình sẽ ở trong vòng tròn bằng vải màu, tượng trưng cho sự bảo vệ khỏi những điều không may.
Thầy mo đi xung quanh vòng tròn, vừa khấn vừa đánh chiêng xua đuổi “Su”.
Làm dấu lên lưng thành viên trong dòng họ.
Làm lý xong các hộ sẽ ra khỏi khu vực làm lễ, thầy mo sẽ tiến hành phần quan trọng nhất chuẩn bị lễ vật đuổi sự không may mắn ra khỏi nhà, tránh xa dòng họ của mình.
9 ghế được lược bỏ thành 1 ghế to ở trên và 8 ghế nhỏ ở dưới, đây là vị trí ngồi làm lễ cho đến khi kết thúc của thầy mo, thể hiện sự bề thế, mạnh bạo, to lớn của chủ lễ.
Thầy mo đeo khăn đỏ che mặt, mỗi tay một vật phẩm được làm từ kim loại phát ra âm thanh.
Cuối lễ cúng dòng họ, thầy mo sẽ nhảy trên ghế, cần một người khỏe mạnh để đỡ, sau một tiếng hô mạnh bạo thầy mo sẽ ném vòng bằng sắt trên tay ra ngoài sân…
… Cùng với đó là tiếng chiêng dồn dập.
Người dắt lễ vật gánh “Su” sẽ thúc dê cho chạy lên rừng cách xa bản làng.
Các vận đen, không may mắn sẽ được đốt, giấy trong chai nhựa sẽ được nắp kín và đem chôn xuống đất.
Lễ vật sẽ được mổ thịt, dâng lên các vị thần, các linh hồn lành, dữ lẩn khuất gần bản làng, đồng thời người trong dòng họ sẽ chỉ được phép ăn, không được phép mang thịt còn dư về nhà.

 

Trần Nhâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top