Vấn đề kỳ này

Ða sắc màu văn hóa Ðiện Biên

09:51 - Thứ Năm, 21/09/2023 Lượt xem: 7568 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên - mảnh đất cực Tây Tổ quốc, nơi hội tụ 19 dân tộc sinh sống, với 19 sắc màu văn hóa. Di sản văn hóa Ðiện Biên chính là những phong tục, tập quán, những giá trị tinh thần gắn với cuộc sống của đồng bào các dân tộc được lưu giữ từ hàng nghìn năm nay. Trong đó bao gồm cả những lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao Quần chẹt; Lễ mừng cơm mới dân tộc Si La; Hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú; Lễ hội Hạn Khuống…

Các bạn trẻ dân tộc Thái luyện tập Vũ điệu kết đoàn.

Nhận thức rõ tiềm năng, nguồn lợi kinh tế mà văn hóa truyền thống dân tộc mang lại, nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã khai thác những lợi thế của địa phương, làm giàu cho mình và cho xã hội. Họ tạo dựng nên không gian đầy màu sắc văn hóa dân tộc để giới thiệu tới bạn bè trong, ngoài tỉnh và khách quốc tế. Các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc Thái đã được đưa vào phục vụ ở các khu, điểm du lịch như: Múa, hát làn điệu truyền thống, múa xòe, múa sạp, ném còn… Những nét tinh hoa ẩm thực của người Thái cũng được nâng tầm với những món ăn đặc sắc như: Xôi nếp nương, cá nướng (pa pỉnh tộp); thịt xiên nướng; món lạp; thịt gác bếp… phục vụ du khách.

Thực hiện chủ trương gắn phát triển du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc, Ðiện Biên đã chú trọng tuyên truyền để đồng bào các dân tộc giữ nguyên hiện trạng hoặc khôi phục lại cảnh quan, kiến trúc, hang động, trang phục truyền thống… tạo không gian văn hóa đậm đà bản sắc, thu hút du khách gần xa.

Những năm gần đây, ngành Văn hóa Ðiện Biên đã và đang đẩy mạnh công tác sưu tầm, khôi phục và bảo tồn, giữ gìn văn hóa vật thể, phi vật thể, những phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào các dân tộc như tiếng nói, chữ viết, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trang phục truyền thống, lễ hội... Từ đó nâng cao hơn nữa sức hút của du lịch Ðiện Biên đối với du khách trên cơ sở phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.

Song song với khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa, công tác bảo tồn văn hóa cũng rất cần thiết và được tỉnh coi trọng. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, Ðiện Biên đã ưu tiên thực hiện nhiều dự án bảo tồn văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Ðiển hình là các dự án: Ðiều tra, nghiên cứu, bảo tồn truyền thống dân tộc Thái (ngành Thái đen) tại bản Che Căn, xã Mường Phăng, TP. Ðiện Biên Phủ; Lễ hội “Cầu mưa” dân tộc Khơ Mú, lễ “Mừng cơm mới” dân tộc Xinh Mun, xã Chiềng Sơ, huyện Ðiện Biên Ðông; lễ “Gạ ma thú” dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé... Nhiều hoạt động khác cũng được triển khai như: bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ văn hóa xã đặc biệt khó khăn; phối hợp xây dựng văn hóa cơ sở, cấp trang thiết bị, phương tiện hoạt động cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phương tiện tập huấn cho đội chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển phong trào văn nghệ quần chúng...

Ðể làm tốt công tác bảo tồn di tích lịch sử và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, ngoài các giải pháp về cơ chế, chính sách riêng, tỉnh Ðiện Biên cần dành nhiều kinh phí để hỗ trợ các nghệ nhân trong việc bảo tồn, truyền dạy văn hóa dân tộc cho thế hệ kế cận. Một mặt, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có năng lực và hiểu biết về dân ca, dân nhạc, dân vũ. Cùng với đó là cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của các cộng đồng dân cư...

Có thể khẳng định, chính nhờ hệ thống các di tích đặc biệt cấp quốc gia Chiến trường Ðiện Biên Phủ cùng với phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo, đa dạng của 19 dân tộc đã tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn riêng có, đưa Ðiện Biên trở thành điểm hẹn lịch sử - văn hóa - du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top