Lá cờ đỏ thắm

10:13 - Thứ Năm, 21/09/2023 Lượt xem: 7727 In bài viết

ĐBP - Vào những ngày cuối tháng Tám, khắp các phố phường, làng bản đều đỏ thắm sắc cờ. Những người lái tàu, thuyền ngược sông mải miết cũng treo cờ lên cái cán bằng inox. Người ở sườn núi chênh vênh sắm cây trúc thật dài để cờ được treo cao, từ xa người đi lên đường mòn có thể nhìn thấy được.

Bây giờ, người trẻ nhìn lá cờ đầy tự hào và thấy ở khắp mọi nơi. Từ ngôi trường làng đến sân vận động, từ chiếc áo bóng đá đến chiếc máy bay. Họ mang theo cờ tổ quốc đến sân cổ vũ cho các đội tuyển quốc gia, họ phất cờ diễu hành bằng xe máy, ô tô khi đội tuyển nước nhà giành chiến thắng.

Nhìn hình ảnh đó, bà Lan lại xúc động rơm rớm nước mắt. Hẳn là trong màu cờ đỏ đã thắm bao xương máu cha ông mấy ngàn năm, trong ánh sao vàng gắn với biểu tượng tổ quốc thiêng liêng. Nhưng trong lòng bà còn trào dâng một một xúc cảm khác. Ðó là lá cờ được đặt trong chiếc tủ gỗ quý mà gia đình bà đã lưu giữ bao năm nay. Suốt đêm qua bà không thể tài nào chợp mắt được bởi cái ý nghĩ đã ấp ủ bao năm. Sắp đến ngày Quốc khánh, chắc sẽ có nhiều đoàn khách đến thăm Bảo tàng lắm…

Năm ấy, mùa màng thất bát, đã thế mà quan lại bắt cống nạp rất nhiều. Người trong bản đã vét sạch gạo, lợn, gà để nộp mà vẫn bị hạch sách. Nhiều ngày phải ăn rau rừng, củ dại khiến bà Lan và những người trong nhà hoa mắt, người mệt mỏi chỉ muốn gục ngã. Một hôm, bố của bà là ông Bình đi rừng đào củ, bỗng nhận ra vết chân lạ trên nương. Theo phản xạ của một thợ săn, ông nhận ra vết chân còn mới liền nấp vào tảng đá lớn nghe ngóng. Bình đoán những người này từ hang đá ra suối nên sớm muộn sẽ quay trở lại.

Ðúng như phán đoán của người thợ săn dày dạn, ba người đàn ông mặc áo Tày đã xuất hiện. Họ đi theo hàng dọc, cách nhau một quãng để quan sát. Nhìn kĩ, Bình nhận ra một người trắng trẻo, dáng cao gầy giống người kẻ chợ. Người cuối cùng là ông Toản, trưởng bản. Thấy Bình, ông Toản dặn dò to nhỏ. Bình tuy chưa hiểu hết ý tứ nhưng khuôn mặt bỗng bừng lên một hy vọng...

Từ bữa đó, Bình kiếm cớ đi săn nhưng thực chất là tiếp tế cho cán bộ Việt Minh. Ðược nghe cán bộ Lương giác ngộ, anh hiểu ra sự cao cả của người cách mạng, của một chế độ mà người dân cày có ruộng, không còn quan lại, địa chủ đàn áp, bóc lột. Từ đó, phường săn của Bình bên ngoài cải trang là dân đi rừng đặt bẫy, săn bắn nhưng thực chất đã ra nhập đội vũ trang bí mật luyện tập trên nương vắng.

Một ngày, có tin bọn lính Nhật đã bị đẩy lùi bởi Liên Xô đâu đó. Chúng giờ không còn ngông ngênh như lúc mới đến mà đã thành con rùa rụt cổ. Bọn lính Pháp thì đã mất mặt, lực lượng vũ tranh cách mạng ngày một trưởng thành. Cán bộ Lương hỏi Bình:

- Theo anh Bình, lực lượng của ta có vũ khí gì mạnh nhất?

- Thưa cán bộ, chắc là mấy khẩu súng Lebel, Berthier của Pháp phải không ạ...

Anh Lương cười, vỗ vào vai anh Bình:

- Anh là người đi săn, là xạ thủ của đội vũ trang, anh thấy các loại súng đó bắn hiệu quả. Nhưng vũ khí mạnh nhất của ta thì địch không bao giờ có được mà mấy ngàn năm lịch sử đã giúp ông cha mình đánh đuổi ngoại xâm là lòng dân. Không súng gươm nào khuất phục được lòng dân, không có thành lũy, áo giáp nào của kẻ xâm lược cường bạo ngăn được lòng dân…

- À, tôi đã hiểu. Bình như thức tỉnh.

Anh Lương nói tiếp:

- Thế nên, để hiệu triệu được đồng bào các bản làng, từ các dân tộc anh em, chúng ta phải có một lá cờ. Lá cờ ấy như mặt trời để mọi người cũng hướng đến, lá cờ như lửa bếp thiêng giữ hơi ấm bản mường.

Thế rồi, lá cờ được làm trong một đêm mưa rừng như trút. Mưa ngập lối như thể rửa sạch bùi bặm của quá khứ. Sáng hôm sau, khi đem lá cờ ra cửa hang, ông Bình và những người chiến sĩ thấy sắc cờ ánh lên trong nắng mới. Nếu mai ngày kéo lá cờ đó lên cao sẽ in trên nền trời xanh này đẹp lắm, khí phách lắm. Nhưng bao giờ, biết hôm nào điều tưởng như đơn giản ấy mới thành được hiện thực.

Một ngày đầu tháng Tám, khi vừa ngụp xuống dòng suối sau ngày đi rừng nắng gắt, Bình giật mình vì có người túm lấy vai mình. Mở choàng mắt ra, trước mặt ông là thằng Tỉn. Nó vốn là đứa từ lâu đã đi khỏi bản. Nghe nói, nó đi theo lái buôn rồi sau đó biệt tăm. Bình cũng chỉ nghe nói thế chứ mấy năm nay chưa tường mặt.

Bình miễn cưỡng theo thằng Tỉn lên ngồi ở tảng đá, Nó đưa cho anh một cái tẩu hút thuốc lá hiệu Imola Nclr của Ý và bảo cầm về cho ông cụ. Nhìn cái tẩu quý, Bình thích lắm nhưng trong đầu lóe lên một sự hồ nghi:

- Sao mày kiếm được cái tẩu quý đó?

- Tao có tiền, đi buôn kiếm được nhiều tao mua. Mày thích không?

Bình nghĩ, dù có tiền cũng chẳng dễ mà mua được vật quý này. Biết đâu... anh chợt nhớ đến lời cán bộ Lương hay căn dặn - nó là tay sai, là Việt gian. Y như rằng, chẳng bao lâu thằng Tỉn bắt đầu dò la hỏi về lực lượng trai bản, về chuyện nghe nói cán bộ về bản, chuyện mấy lò rèn giáo mác...

Chiều hôm ấy, vừa đến gần cửa hang Bình bất ngờ phát hiện ra toán người đang nấp sau những tảng đá. Nguy hiểm quá, nếu chúng tiến vào hang mà cán bộ Việt Minh và những anh em không rút kịp thì sẽ ảnh hưởng đến đại sự. Nhưng phải làm ám hiệu gì bây giờ?

Một tiếng súng vang lên, thằng Tỉn dẫn bọn tay chân ập đến, chúng chĩa nòng súng vào lùm cây. Trong lúc đó, một nhóm người nhanh như sóc đã đu dây leo thoát ra con đường bí mật trên hang để vòng ra sau núi. Trong bụi cây, Bình đang nằm lăn vật vã, khẩu súng săn lăn lóc bên cạnh.

- Mày định làm gì, định đánh động cho Việt Minh à?

- Ôi, các ông nói gì thế? súng, súng săn cướp cò... Ôi cái chân của tôi...

Dù rất bực bội nhưng lũ Việt gian tay sai đành hậm hực vì tay thợ săn bất cẩn đã làm “con mồi” trong hang biến mất. Chúng không biết rằng, máu từ thân thể Bình chảy ra không chỉ nhuộm đỏ màu áo chàm mà còn có lá cờ đỏ thắm được giấu ở phía trong.

Lá cờ đỏ đã được gìn giữ cẩn thận cho đến ngày khởi nghĩa ở nơi đây, chính quyền nhân dân đã thay thế bộ máy quan lại cũ, cán bộ Lương ôm chầm lấy Bình.

- Anh thấy không, lá cờ đang bay phất phơi trên bầu trời bản mình. Hôm nay, ngày mai và những ngày sau nữa, cờ đỏ sao vàng sẽ tung bay khắp Việt Nam. Trong lá cờ ấy có cả màu đỏ của dòng máu trung kiên, dũng cảm của người du kích như anh Bình đó.

Sớm nay, bà Lan sẽ mang lá cờ đỏ đã từng thấm dòng máu của người cha đến hiến tặng cho bảo tàng. Bà mong rằng những đoàn khách đến thăm quan nhân dịp Quốc khánh sẽ được thấy kỉ vật quý giá đó. Với bà, tình cảm với Ðảng, với nhân dân, đất nước đều hòa chung trong dòng chảy thiêng liêng sẽ còn truyền lại cho con cháu muôn đời...

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top