Gìn giữ văn hóa truyền thống từ các lễ hội

09:30 - Thứ Bảy, 23/09/2023 Lượt xem: 8587 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên - mảnh đất giàu bản sắc văn hóa với 19 dân tộc cùng sinh sống. Ðể gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Một trong số đó là bảo tồn, phục dựng và tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa vừa để nhấn mạnh những nét đặc sắc vừa để gìn giữ những giá trị thuộc về văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh…

Lễ hội Thành Bản Phủ được gìn giữ từ lâu đời đã phát huy và duy trì những tinh hoa văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện Ðiện Biên.

Những ngày đầu tháng 9 vừa qua, huyện Mường Nhé rộn ràng trong không khí Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc lần thứ 6. Với 10 dân tộc cùng sinh sống, Ngày hội đã tái hiện gần như đầy đủ nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc của mảnh đất cực Tây Tổ quốc. Những làn điệu dân ca, dân vũ đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, Hà Nhì, Mông… được các nghệ nhân, diễn viên trình diễn trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu. Các gian hàng trưng bày không gian văn hóa, sản vật của các xã trên địa bàn huyện cũng cho thấy sự phong phú về sắc màu văn hóa cũng như các sản vật nơi đây. Ông Nguyễn Văn Úy, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: “Huyện Mường Nhé cũng là một trong những cái nôi văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Bắc. Các lễ hội, trang phục truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán của các dân tộc trên địa bàn huyện vẫn đang được lưu giữ và bảo tồn. Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mường Nhé lần thứ VI, năm 2023 là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và người dân trên địa bàn huyên được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về những nét văn hóa truyền thống đó. Ðồng thời, thêm một dịp gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc huyện Mường Nhé, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… ”

Hòa mình vào không khí ngày hội, chị Vàng Thị Tuyền, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé không giấu được niềm vui về sự đổi thay của quê hương mình. Ðiều chị mừng hơn cả là những nét văn hóa truyền thống các dân tộc huyện nhà vẫn hiện diện gần như nguyên vẹn. Chị Tuyền chia sẻ: “Khi sinh ra và lớn lên ở đây, tôi cảm nhận được sự thay đổi từng ngày của mảnh đất Mường Nhé này. Trước đây, kinh tế còn khó khăn nhiều lắm, mọi người chỉ tập trung vào lao động sản xuất. Nay mọi thứ đều phát triển hơn, người dân có thời gian quan tâm gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc mình. Và Ngày hội như một cơ hội để họ thể hiện điều đó. Các nghệ nhân, diễn viên và cả các vận động viên đều đã nỗ lực tập luyện bằng khả năng, sức lực, tâm huyết của mình, góp phần quảng bá những nét văn hóa truyền thống, những hình ảnh đẹp về mảnh đất và con người Mường Nhé đến bạn bè, du khách gần xa...”.

Tiết mục biểu diễn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mường Nhé lần thứ VI, năm 2023.

Nằm không xa Mường Nhé, huyện Nậm Pồ cũng đang tích cực gìn giữ văn hóa truyền thống các dân tộc thông qua các lễ hội, sự kiện lớn tại địa phương. Dù còn không ít những khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền huyện biên giới trẻ nhất cực Tây đã và đang dành tâm huyết cho nội dung này. Theo quan điểm của lãnh đạo huyện, bảo tồn, gìn giữ được các nét văn hóa truyền thống sẽ phục vụ cho phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai. Nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Nậm Pồ phần lớn được quảng bá, giới thiệu tại những sự kiện văn hóa, du lịch của huyện, của tỉnh như: Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, Lễ hội hoa Ban, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Ngày hội văn hóa dân tộc Thái… Huyện Nậm Pồ cũng đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu giữ các nét văn hóa truyền thống thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ. Qua mỗi sự kiện, lễ hội đó, có thể thấy nhiều nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Nậm Pồ vẫn đang được bảo tồn khá tốt. Cụ thể, đồng bào các dân tộc Nậm Pồ có các di sản văn hóa đa màu sắc. Nổi bật như: Lễ cúng thần rừng dân tộc Kháng, Lễ Cấp sắc dân tộc Dao, Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, Lễ hội Gội đầu dân tộc Thái...

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới Lễ hội Hoa Ban - sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm của tỉnh. Trong hầu hết các hoạt động của Lễ hội, màu sắc văn hóa các dân tộc Ðiện Biên đều xuất hiện như một lời khẳng định về sức sống trường tồn của chúng với thời gian. Tiêu biểu như tại Lễ hội Hoa Ban năm 2023 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch các dân tộc tỉnh Ðiện Biên lần thứ VII, phần thi “Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc”, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Trong nội dung này, mỗi huyện tái hiện 1 trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa đặc trưng, tiêu biểu 1 dân tộc tại địa phương mình. Các trích đoạn mang tính tiêu biểu, đặc trưng, có tính giáo dục, tính cộng đồng, phản ánh sinh động đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc ở địa phương. Cụ thể huyện Mường Ảng trình diễn trích đoạn lễ cúng “Cầu mưa” dân tộc Khơ Mú; TP. Ðiện Biên Phủ dựng hội “Hạn khuống” dân tộc Thái; huyện Tủa Chùa lễ “Cấp sắc” dân tộc Dao; huyện Ðiện Biên có lễ “Tra hạt làm lễ cầu mưa” dân tộc Khơ Mú; huyện Ðiện Biên Ðông “Tết khẩu hó” dân tộc Lào; TX. Mường Lay “Bó khoăn lung” (gọi hồn vía lạc) dân tộc Thái… Các tiết mục, phần thi trình diễn được các đoàn chuẩn bị chu đáo, công phu với những trang phục, đạo cụ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã đem đến cho người xem nhiều cảm xúc sâu sắc. Qua hoạt động này không chỉ giới thiệu nét đẹp văn hóa các dân tộc, địa phương trong tỉnh Ðiện Biên tới người dân, du khách mà còn giáo dục các thế hệ sau biết gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc mình…

Trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, các giá trị văn hóa truyền thống sẽ là nền tảng, động lực để cộng đồng các dân tộc tỉnh nhà vươn lên phát triển bền vững. Việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống giàu bản sắc của dân tộc thông qua các lễ hội, sự kiện cũng là cách để mỗi dân tộc vươn lên khẳng định mình trong quá trình phát triển và hội nhập đó. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội trong thời gian qua được khảo sát nghiên cứu kỹ lưỡng về người nắm giữ di sản, thời gian, địa điểm tổ chức; quy trình thực hành, không gian văn hóa liên quan... Ðây cũng là cơ sở khoa học để thực hiện bảo tồn lễ hội được diễn ra đúng với truyền thống và bản sắc dân tộc. Cùng với đó, quá trình bảo tồn lễ hội được cộng đồng các dân tộc đồng tình ủng hộ, tham gia thực hành các nghi thức, nghi lễ và các hoạt động liên quan tới lễ hội một cách chủ động, khoa học, đem lại thành công cho việc bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống…

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top