Kết nối văn hóa đọc: Đi tìm Hà Nội xưa qua trang báo cũ

16:37 - Thứ Ba, 10/10/2023 Lượt xem: 6452 In bài viết

Trong giới sưu tập sách báo, luật sư Tạ Thu Phong (sinh năm 1974) được nhiều người biết đến với sự nể trọng. Không chỉ vì anh sở hữu hàng vạn đầu sách, báo xưa; đáng nói hơn anh đã khai thác nguồn tư liệu quý hiếm để biên soạn nhiều cuốn sách thú vị, bổ ích, nổi bật là cuốn sách “Hà Nội chuyện xưa phố cũ” (Nhà xuất bản Hà Nội, 2022)

Sau những giờ phút mải miết với nghề luật sư, anh Tạ Thu Phong “giải trí” bằng cách lần giở những tập báo xưa tìm đọc những câu chuyện thú vị về Hà Nội. Anh Phong cũng như nhiều người khác, dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng thời thanh xuân học tập, lập nghiệp ở Thủ đô. Thành phố nghìn năm tuổi, bề dày văn hóa thâm sâu quyến rũ những người tứ xứ một cách âm thầm. Để rồi anh Phong say mê Hà Nội, đôi khi có cảm giác như gia đình anh đã vài đời định cư ở chốn kinh kỳ.

Hà Nội trải qua nhiều thời kỳ, những điều ngày hôm nay là phổ biến, chỉ hơn chục năm đã trở thành quá khứ, không còn dấu tích. Nhưng có điều may mắn là tất cả đều ghi lại trên các tờ báo. Anh Phong sưu tập rất nhiều tờ báo quý hiếm đến mức ở tất cả các thư viện hay bảo tàng cũng không lưu giữ. Anh miệt mài đọc, chắt lọc những câu chuyện thú vị, những điều lạ lùng, phát hiện những mâu thuẫn của người nay viết về ngày xưa... Anh ghi chép cẩn thận, đối chiếu so sánh nhiều nguồn tư liệu để “vẽ” bối cảnh không chỉ chân thực mà còn rất sống động. Đọc cuốn sách này, Tạ Thu Phong giống như một hướng dẫn viên am tường dẫn dắt người đọc về Hà Nội xưa, mang lại cảm giác như đang được sống trong giờ phút quá khứ.

Bìa cuốn sách.

39 bài viết với dung lượng gần 250 trang mang lại nguồn tri thức về Hà Nội xưa rất phong phú. Đó là chuyện lịch sử với mộ “quan năm” (Đại tá) Henri Rivière tử trận ở Cầu Giấy năm 1883. Bọn thực dân và phong kiến dựng đài kỷ niệm y tại làng Hạ Yên Quyết. Vết tích hiện nay còn lại là phiến đá xanh rất lớn ngay đầu ngõ 155 Vỹ Hậu gần Bưu điện Cầu Giấy. Hay chuyện sinh hoạt đời thường như xe kéo tay, cao lâu, chụp ảnh ở hiệu Hương Ký nay còn được Tạ Thu Phong thuật lại chi tiết để biết cha ông xưa đã đi lại, ăn mặc ra sao. Cũng nhờ nguồn tư liệu phong phú, Tạ Thu Phong có thể không ngần ngại nhận xét Nguyễn Tuân có phần hư cấu về chuyện xử trảm bằng đao trong truyện ngắn “Bữa tiệc máu” như nhà văn Đỗ Phấn nhấn mạnh trong lời nói đầu cuốn sách. Hoặc anh có thể đi sâu làm rõ những câu hỏi kiểu như: “Chợ giời” Hà Nội có từ bao giờ?

Báo chí phản ánh hiện thực trung thực cho nên đọc chồng báo cũ sẽ có những câu chuyện thú vị, không khỏi khiến chúng ta ngạc nhiên. Chẳng hạn trên tờ Trung Bắc tân văn ngày 23-6-1924, ở mục thông báo việc riêng có đăng thông tin của ông Nguyễn Văn Giốc, thư ký hiệu Bưu chính kể việc vợ ông là con gái ông chủ cửa hiệu pháo Tường Ký ăn tiêu quá mức, vay mượn khắp nơi; cho nên ông đăng thông báo công khai để mọi người đừng cho vợ ông vay tiền nữa, ông không chịu trách nhiệm về việc này.   

Giá trị của cuốn sách không chỉ để bạn đọc phổ thông có kiến thức về Hà Nội, thêm yêu lịch sử văn hóa Thủ đô. Điều quan trọng chính là từ những tư liệu mà Tạ Thu Phong sưu tầm, chắt lọc có thể làm nền tảng cho những nghiên cứu chuyên sâu theo hướng lịch đại để giải đáp những câu hỏi lớn về bản sắc văn hóa, con người Hà Nội. Cho nên, Tạ Thu Phong có thể không chỉ là người đưa chúng ta vào quá khứ mà còn tạo ra những nền tảng cần thiết để cho ra đời những công trình nghiên cứu tầm vóc về Hà Nội trong tương lai.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top