Phát huy giá trị chợ phiên

12:05 - Thứ Bảy, 14/10/2023 Lượt xem: 7279 In bài viết

ĐBP - Tủa Chùa là huyện có nhiều chợ phiên nhất tỉnh, gồm: Chợ phiên Xá Nhè, chợ phiên Tả Sìn Thàng và chợ đêm thị trấn Tủa Chùa. Ðây là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nơi hội tụ giá trị tinh thần, là nét đẹp văn hoá độc đáo mang đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Những năm qua, huyện Tủa Chùa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh công tác bảo tồn, tuyên truyền, quảng bá, phát huy hình ảnh chợ phiên gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.

Toàn cảnh chợ phiên Xá Nhè.

Cách trung tâm thị trấn Tủa Chùa chừng 15km, chợ phiên Xá Nhè, xã Xá Nhè được tổ chức họp 6 ngày một phiên vào ngày dậu (con gà) và ngày mão (con mèo) theo lịch Can chi. Ðến phiên chợ, đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái, Phù Lá... của các xã: Xá Nhè, Mường Ðun, Tủa Thàng, Mường Báng và một số địa bàn khác đổ về mua bán trao đổi hàng hóa, giao lưu, thăm hỏi. Chợ họp từ sáng sớm đến xế chiều, hàng hóa bà con mang xuống chợ chủ yếu là nông sản, thực phẩm, dụng cụ lao động sản xuất… Không chỉ mang hàng hóa để bán mà bà con còn mang theo nét đẹp, đặc sắc riêng của dân tộc mình. Ðó là những bộ trang phục dân tộc được thêu tay tinh xảo.

Chị Hạng Thị Ly, người dân xã Xá Nhè cho biết: “Ðến ngày chợ họp thì không kể là ai, người giàu hay người nghèo, đều cố gắng có mặt như một lời hẹn ước. Nhà có điều kiện thì đi xe máy, nhà khó khăn thì đi bộ đến chợ, bất kể xa hay gần”.

Những phụ nữ dân tộc Mông, Dao trong bộ váy áo rực rỡ sắc màu đi từng tốp kèm theo những gùi hàng, người địu con, người mang sản vật đổ về chợ phiên. Chợ không chỉ là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa mà còn là nơi giao lưu, thể hiện tình cảm, sinh hoạt văn hóa. Chợ phiên trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào vùng cao, như cách nói của người dân địa phương là: “Ði chơi chợ.”

Không có truyền thống lâu đời như chợ phiên Xá Nhè, nhưng với những nét độc đáo, chợ phiên (chợ đêm) thị trấn Tủa Chùa (khai trương tháng 10/2022 và diễn ra từ tối thứ 7 đến hết ngày chủ nhật hàng tuần) đang thu hút đông đảo du khách gần xa khi đến với huyện Tủa Chùa. Nằm ngay trung tâm thị trấn Tủa Chùa - nơi đô thị hóa, hiện đại hóa đang phát triển mạnh mẽ với các cửa hàng tiện lợi dần thay thế cho chợ truyền thống, song chợ phiên thị trấn vẫn giữ nhiều bản sắc truyền thống. Còn chợ phiên Tả Sìn Thàng nằm ở trung tâm của 5 xã phía Bắc: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình, Trung Thu, Sính Phình, là hình ảnh sống động náo nhiệt của núi rừng.

Ðến với chợ phiên Tủa Chùa, du khách sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa đầy tính cộng đồng - một nét đẹp vùng cao. Chợ phiên là nơi trao đổi mua bán hàng hóa; là nơi gặp gỡ, vui chơi và sinh hoạt của người dân bản địa; cũng là nơi lưu giữ văn hóa ẩm thực, trang phục… vô cùng độc đáo. Bên cạnh các gian hàng nông sản, chợ phiên Tủa Chùa có điểm nhấn độc đáo với các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian, món ăn dân tộc.

Người dân xem, mua hàng tại chợ phiên Xá Nhè.

Với nhiều nét độc đáo về văn hóa, tinh thần và tiềm năng phát triển du lịch, những năm qua huyện Tủa Chùa đang từng bước phát triển chợ phiên thành sản phẩm du lịch địa phương.

Ông Ðặng Tiến Công, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: Chợ phiên trên địa bàn huyện, nhất là chợ đêm Tủa Chùa là một sản phẩm đặc trưng của huyện. Hiện nay, chợ đêm Tủa Chùa là sản phẩm du lịch duy nhất khai thác mô hình chợ đêm tại tỉnh. Sau một năm khai trương thì lượng khách tới chợ tăng theo tuần đã chứng tỏ sự hấp dẫn và thu hút của chợ đêm Tủa Chùa đối với khách du lịch là rất lớn. Trở thành điểm đến, kết nối được với các tour du lịch khi đến thăm Tủa Chùa nói riêng và Ðiện Biên nói chung. Trung bình tại chợ đêm Tủa Chùa, mỗi phiên thu hút từ 3.000 - 4.000 lượt người; chợ phiên Xá Nhè, chợ phiên Tả Sìn Thàng thu hút trên 1.000 lượt người/phiên.

Chị Nguyễn Thị Hồng Cúc, đến từ TP. Hà Nội chia sẻ: Tôi làm trong ngành du lịch và cũng đi khá nhiều các chợ đêm ở các vùng văn hóa khác nhau. Ðây là lần đầu tiên đến với Tủa Chùa tôi rất ấn tượng với phiên chợ bày bán các sản phẩm nông sản gần gũi đời sống thường ngày, con người thì thân thiện, chất phác. Ðiều làm tôi ngạc nhiên hơn là việc một số bà con người dân tộc ở đây sử dụng công nghệ để kinh doanh, bán hàng và quảng bá hình ảnh văn hóa đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Huyện Tủa Chùa phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của tỉnh Ðiện Biên và vùng Tây Bắc; thu hút trên 40.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trong đó khoảng 10% khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch và các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ du lịch chiếm tỷ lệ quan trọng trong tổng thu ngân sách trên địa bàn. Thông qua phát triển du lịch tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho trên 3.000 lao động. Ðể đạt được mục tiêu đề ra, cùng với việc phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, hang động... huyện Tủa Chùa tập trung tuyên truyền quảng bá về các chợ phiên; từng bước kết nối với các hãng lữ hành du lịch để đưa các tour du lịch đến chợ phiên Tủa Chùa gắn với các điểm du lịch trên địa bàn huyện.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top