Cuộc sống qua ảnh

Nghề rèn truyền thống của người Mông Tủa Chùa

15:33 - Thứ Ba, 17/10/2023 Lượt xem: 7864 In bài viết

ĐBP - Rèn là nghề truyền thống từ lâu đời của đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao Tủa Chùa. Cho đến nay, các thợ thủ công nơi đây vẫn lưu giữ nghề này với nhiều đặc trưng văn hóa dân tộc…

Dân tộc Mông với tập quán sinh sống, canh tác ở núi cao, những vật dụng, nông cụ hàng ngày đều là các sản phẩm thủ công truyền thống.

Con dao bên hông lúc lắc theo mỗi bước chân lên nương, xuống phố, họp chợ phiên là hình ảnh vô cùng quen thuộc của bà con dân tộc Mông Tủa Chùa. Con dao là vật dụng không thể thiếu bên mình, nó giúp những người đàn ông Mông khi cần phát nương, đào củ, dọn đường…

Cuộc sống hiện đại, những vật dụng hàng ngày có thể mua bán dễ dàng với giá thành rẻ hơn. Mặc dù vậy, nghề rèn truyền thống vẫn có chỗ đứng nhất định trong cộng đồng người Mông Tủa Chùa. Mỗi bản thường sẽ có một nhà luôn “rực lửa” phục vụ người dân xung quanh.

Để rèn lên những con dao sắc, sống dao cứng, bền bỉ, dẻo dai theo thời gian cần rất nhiều thời gian, công sức.

Khâu lựa chọn nguyên liệu là vô cùng quan trọng; vật liệu rèn được người Mông lựa chọn thường là các loại thép từ nhíp ô tô. Qua đôi bàn tay khéo léo rèn đúc của người thợ tạo nên những sản phẩm tinh xảo, sắc bén gắn liền với đời sống hàng ngày.

Cuộc sống ngày càng phát triển, nhiều lò rèn sử dụng bễ điện, máy mài, than đá trong quá trình rèn, tiết kiệm thời gian, công sức hơn.

Trong nhịp sống hiện nay, giống như các làng nghề truyền thống khác, nghề rèn của người Mông gặp không ít khó khăn trong việc giữ nghề và tiêu thụ sản phẩm. Việc mua bán các vật dụng kim khí được sản xuất theo hướng công nghiệp từ các nhà máy lớn với giá rẻ là vô cùng dễ dàng, các sản phẩm thủ công truyền thống rất khó cạnh tranh.

Để tạo nên một con dao, một lưỡi cày, khâu lựa chọn nguyên liệu là vô cùng cần thiết. Thép được dùng là nhíp ô tô, lưỡi được tôi bằng nước hoặc thân chuối, đảm bảo dao đủ cứng cũng như độ sắc bén.

Dù vậy, những thợ rèn người Mông Tủa Chùa vẫn cố gắng giữ nghề, thông thường mỗi bản đều có một lò rèn đỏ lửa, phục vụ nhu cầu mua bán, sửa chữa nông cụ của người dân cả bản; với họ việc rèn nông cụ không chỉ là một nghề để sống, nó còn là truyền thống và văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông nơi vùng cao.

Trần Nhâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top