Từ trường hợp mới nhất của bản điện ảnh Đất rừng phương Nam, những tranh cãi xung quanh việc làm phim từ các tác phẩm văn học sẽ trung thành với nguyên tác, hay chỉ lấy cảm hứng để thỏa sức sáng tạo, vẫn diễn ra không ngớt thậm chí gay gắt trên mạng xã hội.
Tranh cãi chưa hồi kết
Câu chuyện bộ phim Đất rừng phương Nam vừa bắt đầu những ngày chiếu sớm nhưng đã bị chỉ trích “làm sai lệch lịch sử” hiện vẫn chưa đi đến hồi kết. Bộ phim có thể nói được xếp vào hàng “xưa nay hiếm”, bởi dù đã ra rạp nhưng vẫn được thẩm định lại. Cụ thể, ngày 29-9, 100% thành viên hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện đã kết luận, phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi, với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ. Nhưng đến chiều 14-10, một lần nữa phim được thẩm định lại theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL với sự tham gia của hội đồng cùng một số cơ quan, đơn vị chức năng.
Trong cuộc họp với Cục Điện ảnh, nhà sản xuất đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim. Theo đó, nhà sản xuất sẽ thay lời thoại “Nghĩa hòa đoàn” bằng “Nam hòa đoàn” và “Thiên địa hội” bằng “Chính nghĩa hội”. Thay đổi này nhằm tránh sự liên quan đến những hội nhóm của nước ngoài. Đây cũng chính là chủ đề gây nhiều bàn tán, tranh luận và thậm chí không ít ý kiến yêu cầu xét lại, dừng chiếu, dù bộ phim đã ra rạp. Trên mạng xã hội, nhiều bài viết rất dài còn đưa ra các dẫn chứng, lập luận, phân tích để chứng minh phim “làm sai lệch lịch sử” khi “nâng tầm vai trò của Thiên địa hội”.
Có thể nói, Đất rừng phương Nam đến giờ đã trở thành dự án gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử điện ảnh Việt. Trước khi lên đỉnh điểm với việc phải thẩm định và chỉnh sửa lại, dự án này đã có rất nhiều tranh cãi ngay từ khi mới khởi động. Từ việc trang phục, tạo hình nhân vật không phù hợp, nhất là với bối cảnh lịch sử, đến việc diễn xuất của một số diễn viên bị đem so sánh với bản truyền hình… Bên cạnh đó, việc bộ phim thay đổi thứ bậc chính - phụ của các tuyến nhân vật xung quanh bé An, bối cảnh và không khí loạn lạc thời chiến, hình ảnh lên phim vì quá trau chuốt nên bớt đi sự mộc mạc, giản dị…, cũng được đem ra mổ xẻ đa chiều.
Ngoài ra, việc nhiều chi tiết, tuyến truyện, nhân vật không xuất hiện cũng khiến bộ phim mang đến cảm giác chưa trọn vẹn, đặc biệt khi đặt lên bàn cân so sánh với phiên bản truyền hình đã quá thành công. Nhiều người cho rằng, nhà làm phim đang “để dành” những chi tiết này cho các phần sau, nhưng điều này thì ngay chính đoàn phim cũng trả lời nước đôi, theo kiểu phải có lời mới dám làm tiếp.
Không mập mờ với lịch sử
Một trong những chi tiết mà phim bị lên án gay gắt nhất là vấn đề về tuyến thời gian. Trong nguyên tác Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, thời gian của truyện được ghi rõ là sau 2-9-1945. Trong bản truyền hình năm 1997, Đất phương Nam lùi bối cảnh lại những năm 1920-1930. Còn trong bản điện ảnh vừa ra mắt, theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, phim lấy mốc thời gian trước năm 1930.
Thế nhưng, không phải ngẫu nhiên mà từ sách văn học đến phim truyền hình ngay từ đầu đều nhấn mạnh đến yếu tố thời gian, bởi dù là tác phẩm hư cấu nhưng đều đặt trên nền tảng lịch sử, đều có yêu cầu rất cao về tính chính xác. Phiên bản điện ảnh lấy nguyên tên gốc của tác phẩm văn học, giữ nguyên tên, câu chuyện của các nhân vật, các sự kiện chính, nhưng lại mập mờ, không nêu rõ bối cảnh thời gian, lịch sử khiến nhiều người xem hiểu nhầm bộ phim đang đi theo mạch thời gian của tác phẩm văn học gốc. Chính điều này đã khiến phim chịu nhiều chỉ trích vì các sai sót nghiêm trọng về lịch sử, đặc biệt là khi gắn với các sự kiện, nhân vật, tổ chức có thật trong giai đoạn này. Để “chữa cháy”, nhà làm phim đã phải nhấn mạnh yếu tố “lấy cảm hứng”!
Đất rừng phương Nam có thể xem là một bài học cho những nhà làm phim trong nước khi làm phim từ các tác phẩm văn học, nhất là các tác phẩm có liên quan đến yếu tố lịch sử. Ai cũng hiểu, các phim được làm từ tác phẩm văn học, không phải và không nên là sự minh họa, hay bê nguyên trang sách lên màn ảnh. Thay vào đó, các nhà làm phim thường chỉ lấy cảm hứng để thỏa sức sáng tạo, hư cấu, thêm bớt các nhân vật, tình tiết... Bản thân phim truyền hình Đất phương Nam cũng có thêm nhiều tình tiết mới, hư cấu so với nguyên tác tiểu thuyết.
Sáng tạo, hư cấu là điều tất yếu của nghệ thuật điện ảnh nhằm tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn. Tuy nhiên, với những tác phẩm như Đất rừng phương Nam, yêu cầu đặt ra còn cao hơn, khi vừa phải giữ được tinh thần nguyên bản, vừa phải tạo ra một đời sống mới độc lập và đủ sức thuyết phục khán giả. Đặc biệt, dù sáng tạo theo phương cách nào thì sự cẩn trọng chưa bao giờ là thừa, đặc biệt là với những tác phẩm có yếu tố lịch sử. Bởi dù có chủ đích hay không, việc gây ra những hiểu lầm với khán giả, trách nhiệm trước hết cũng nằm ở chủ thể sáng tạo.