Xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu

17:16 - Thứ Ba, 17/10/2023 Lượt xem: 5817 In bài viết

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu là một đề tài xuyên suốt và đem lại niềm cảm hứng sáng tạo lớn lao đối với giới văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, theo các văn nghệ sĩ, đây là một đề tài khó, đặt ra không ít thách thức để tái hiện chân dung một vĩ nhân.

Cảm hứng lớn lao đối với các nghệ sĩ sân khấu

Ngay khi Bác Hồ vừa mới đi xa (2-9-1969), giới sân khấu đã nung nấu một quyết tâm, làm sao tập trung trí tuệ tập thể để gấp rút hoàn thành một vở diễn thể hiện hình tượng Bác Hồ. Công trình mang tính thử nghiệm mở đầu ấy có tên “Người công dân số một” do nhà viết kịch lão thành Hà Văn Cầu với sự cộng tác của Vũ Ðình Phòng chấp bút, được Nhà hát Cải lương Trung ương dàn dựng, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Dương Ngọc Ðức đạo diễn. Mặc dù kịch bản viết theo phong cách tư liệu, bám sát các hoạt động của lãnh tụ theo hình thức biên niên sử nhưng vở diễn ra mắt đã làm nức lòng khán giả, đáp ứng đòi hỏi của công chúng là được nhìn tận mắt hình ảnh, nghe tận tai giọng nói của Bác. Vở diễn “Người công dân số một” nhanh chóng trở thành sự kiện nghệ thuật quan trọng, góp phần thúc đẩy cho những sáng tác tiếp theo về đề tài này.

Vở kịch "Đêm trắng" do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng và biểu diễn.  

Tiếp sau đó, sân khấu Việt đã cho ra đời nhiều tác phẩm về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhiều loại hình như tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, dân ca... Có thể kể đến vở kịch nói “Đêm trắng” (Đoàn Kịch nói Hà Nội), vở dân ca kịch “Lời người lời của nước non” (Nhà hát Dân ca kịch Nghệ An)... Gần đây, các vở diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tiếp được các nhà hát bắt tay vào dàn dựng và ra mắt khán giả như vở chèo “Những vần thơ thép” (Nhà hát Chèo Việt Nam), vở cải lương “Nợ nước non” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), vở nhạc kịch đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh-“Người cầm lái” (Nhà hát Công an nhân dân)...

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật Hà Nội cho biết: "Thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu không chỉ đáp ứng nhu cầu khỏa lấp nỗi nhớ của công chúng về Bác, về một lãnh tụ gần gũi, mà lớn hơn thế là mục đích, là lý tưởng của cuộc sống hôm nay. Những vở diễn như: “Đêm trắng”, “Lịch sử và nhân chứng”, “Những vần thơ thép", “Hồ Chí Minh hồi ức màu đỏ”... đã để lại ấn tượng sâu sắc với người xem bởi lối diễn chân thực, dung dị mà vẫn lột tả rõ nét chân dung Bác Hồ".

Khởi đầu từ tình cảm kính yêu Bác  

Dù gặt hái không ít thành công nhưng giới chuyên môn đều có chung nhận định, xây dựng vở diễn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những thách thức. Bởi để tái hiện được cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người qua hình thức sân khấu hóa, trong không gian và thời gian của sân khấu là không dễ dàng. Mặt khác, để biểu đạt được hình tượng Bác Hồ và truyền tải được biểu cảm, hành động, tư tưởng của Người đến với công chúng thông qua việc nghe, nhìn sao cho gần gũi, tự nhiên, quen thuộc, và để khi hình tượng Bác xuất hiện sẽ tạo nên cảm xúc lớn, dâng trào trong lòng công chúng lại càng khó hơn. Chưa kể, việc hóa thân của diễn viên trong hình ảnh Bác cũng đặt ra những yêu cầu nhất định trong việc lựa chọn diễn viên ở cả khả năng diễn xuất và đạo đức của người nghệ sĩ.

Theo NSND Trần Quốc Chiêm, thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu là một quá trình nhận thức, khám phá và sáng tạo lâu dài, đồng thời cũng là một nhiệm vụ mang tính trách nhiệm đặt ra trước giới nghệ sĩ sân khấu. Vinh dự này đòi hỏi đội ngũ nghệ sĩ cần tiếp tục vươn lên hơn nữa về nhiều mặt, từ ý thức công dân, tinh thần nghệ sĩ-chiến sĩ như lời dạy của Bác đến phát huy tài năng và chuyên môn nghề nghiệp; đồng thời không thỏa mãn với những tác phẩm đã có mà tiếp tục phấn đấu tìm tòi, sáng tạo không ngừng hướng tới những sáng tác mới mang chất lượng mới về hình tượng Bác Hồ, đáp ứng yêu cầu và sự mong đợi của công chúng.

Để xây dựng được nhiều hơn nữa tác phẩm về Bác, NSND Thanh Trầm, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho rằng: Các nhà biên kịch, nhất là nhà biên kịch trẻ phải tích cực đọc các tác phẩm của Bác, các tài liệu viết về Người, học hỏi kinh nghiệm của lớp người đi trước. Với đội ngũ diễn viên phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm, trau dồi, rèn luyện kỹ năng diễn xuất mới có thể hóa thân vào vai diễn, tạo dựng được hình tượng Bác Hồ gần gũi, giản dị trên sân khấu. Đặc biệt, phải làm nổi bật được những phẩm chất cao đẹp, tầm vóc vĩ đại của Người, tạo sức hấp dẫn đối với công chúng. Bản thân mỗi đơn vị biểu diễn cũng phải thường xuyên cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tác phẩm... Qua đó truyền tải tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người tới công chúng để mỗi người thêm thấm thía, học và làm theo Bác một cách tự giác.

“Bên cạnh nỗ lực của giới nghệ sĩ, những đơn vị sân khấu, các ngành chức năng cần tổ chức nhiều hơn trại sáng tác, đi thực tế những "địa chỉ đỏ" nơi Bác từng sống, làm việc, để các tác giả có thêm tư liệu thực tế, hiểu sâu hơn về cả cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng tác phẩm. Cùng với đó, quan tâm đầu tư kinh phí cho các sân khấu khi thực hiện những dự án, vở diễn, chương trình nghệ thuật xây dựng hình tượng Bác Hồ”, NSND Thanh Trầm nhấn mạnh.

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top