Bình luận - phê phán

Vấn đề chuyển thể từ tác phẩm văn học: Cần sự tôn trọng và lắng nghe

10:52 - Thứ Sáu, 20/10/2023 Lượt xem: 7302 In bài viết

Thời gian qua, nhiều bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học đã nhận được sự quan tâm, đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Tuy nhiên cũng xuất hiện không ít bộ phim có nội dung sai lệch so với nguyên tác, gây cảm xúc tiêu cực cho khán giả, tạo nên những tranh cãi, phản ứng trong dư luận xã hội.

Một cảnh trong phim “Mẹ vắng nhà”.

Cần thấy rằng khen chê là cần thiết, giúp các nhà làm phim có những sản phẩm tốt hơn để phục vụ công chúng, song rất cần sự đánh giá công tâm và khách quan, tránh sự việc bị đẩy quá giới hạn, gây hệ lụy khó lường.

Tác phẩm điện ảnh chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học là một xu thế được nhiều nhà làm phim ưa thích. Nhật báo Figaro (Pháp) từng đúc kết: “Cứ 5 phim lại có một chuyển thể từ sách”.

Tại Việt Nam, trong suốt chặng đường 70 năm phát triển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, công chúng yêu nghệ thuật thứ 7 đã thưởng thức nhiều bộ phim đặc sắc được “khơi nguồn” từ những tác phẩm văn học nổi tiếng:

“Chị Dậu” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố), “Vợ chồng A Phủ” (dựa trên tác phẩm cùng tên của Tô Hoài), “Mẹ vắng nhà” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Thi), “Làng Vũ Đại ngày ấy” (chuyển thể từ một số truyện ngắn của Nam Cao), “Mê Thảo-thời vang bóng” (chuyển thể từ tác phẩm “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân),…

Thời gian gần đây, nhiều tác phẩm văn học đương đại cũng được các đạo diễn quan tâm và đưa lên màn ảnh như các bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” (chuyển thể từ tác phẩm “Bức huyết thư” của Bùi Anh Tấn), “Chuyện của Pao” (chuyển thể từ tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của Đỗ Bích Thúy), “Hương Ga” (chuyển thể từ tác phẩm “Phiên bản” của Nguyễn Đình Tú), “Cánh đồng bất tận” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc” (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh), “Tro tàn rực rỡ” (chuyển thể dựa trên 2 truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về”)…

Cùng với đó, nhiều tác phẩm văn học kinh điển tiếp tục được các nhà làm phim thử sức như phim “Cậu Vàng” (lấy cảm hứng từ nhiều truyện ngắn của Nam Cao); “Kiều” (lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du), và mới đây nhất là “Đất rừng phương Nam” (lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của Đoàn Giỏi)…

Dù đặt nhiều kỳ vọng, gửi gắm nhiều tâm huyết song không phải tác phẩm điện ảnh nào chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học cũng gặt hái được thành công như mong muốn.

Thậm chí có những bộ phim ngay trong quá trình sản xuất đã vấp phải những ý kiến trái chiều, thậm chí phê phán gay gắt. Như phim “Cậu Vàng” trước và sau khi ra mắt liên tục bị nhận xét tiêu cực và nhận nhiều lời chê bai về kịch bản lẫn kỹ thuật.

Đáng nói nhất là nhà sản xuất chọn chú chó giống shiba của Nhật để vào vai cậu Vàng trong phim. Mặt khác, theo đánh giá của người xem, bộ phim làm theo kiểu minh họa sống sượng trong từng khuôn hình, từng phân cảnh gây ức chế cho khán giả. Sau 2 tuần ra mắt, phim “Cậu Vàng” buộc phải rút khỏi hệ thống rạp chiếu vì không có người xem.

Nhà sản xuất chấp nhận thua lỗ nặng nề khi bộ phim đầu tư tới 25 tỷ đồng nhưng thu về khoảng 3,5 tỷ đồng. Cùng chung số phận “bi thảm” phải kể đến phim “Kiều”. Ngay khi công chiếu, bộ phim đã vấp phải phản ứng dữ dội của khán giả vì nhiều ý kiến cho rằng sử dụng chữ quốc ngữ trong phim chưa sát với lịch sử, tạo hình nhân vật cũng như trang phục không phù hợp.

Song “lỗi” nặng nhất của bộ phim, theo đánh giá của nhiều khán giả, là đã làm sai nguyên tác văn học, những chi tiết hư cấu rất khó chấp nhận, chưa kể một số “cảnh nóng” bị đánh giá là dung tục, làm mất nét đẹp của Truyện Kiều.

Sau 18 ngày công chiếu tại các cụm rạp, “Kiều” đã phải chấp nhận rời “cuộc chơi”, thu về gần 2,7 tỷ đồng trong khi theo nhà sản xuất phải đạt doanh thu 100 tỷ đồng thì phim mới hòa vốn. Rõ ràng theo quy luật thị trường, chính chất lượng và khán giả sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn của một tác phẩm điện ảnh.

Mới đây nhất, bộ phim “Đất rừng phương Nam” vừa công chiếu cũng đã vấp phải sự phản ứng của người xem liên quan đến trang phục của diễn viên không phù hợp, diễn biến của bộ phim không sát với tác phẩm văn học, tên gọi của một số hội nhóm xuất hiện trong phim khiến người xem có thể liên tưởng đến một số tổ chức nước ngoài,…

Đồng thời có ý kiến cho rằng sự hư cấu trong phim đã làm sai lệch lịch sử. Trên cơ sở tôn trọng, tiếp thu ý kiến của khán giả và góp ý, trao đổi của cơ quan chức năng, đoàn làm phim “Đất rừng phương Nam” đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa một số chi tiết trong bộ phim, nhằm mang đến cho khán giả những trải nghiệm tốt nhất.

Động thái này cho thấy tinh thần cầu thị của đoàn làm phim song cũng không thể phủ nhận được sự thiếu nhạy cảm, thiếu tinh tế của ê-kíp sản xuất trong việc xây dựng kịch bản, dàn dựng bối cảnh, chỉ đạo diễn xuất,… nên đã tạo ra một tác phẩm điện ảnh gây ra những cảm xúc tiêu cực cho một bộ phận khán giả.

Dù biện minh với bất cứ lý do nào thì trách nhiệm để xuất hiện những chi tiết có thể gây hiểu lầm cho khán giả cũng thuộc về chủ thể sáng tạo. Hơn ai hết, đoàn làm phim “Đất rừng phương Nam” những ngày qua đã quá thấm thía về điều này.

Sự việc đáng tiếc xảy ra với các bộ phim như “Cậu Vàng”, “Kiều”, “Đất rừng phương Nam” chắc chắn sẽ là bài học đắt giá cho các nhà làm phim. Thành công của nguyên tác văn học sẽ giúp tác phẩm điện ảnh nhận được sự quan tâm của công chúng, song đây cũng là “con dao hai lưỡi”.

Bởi lẽ nếu nhà làm phim khai thác chất liệu từ văn học không tới, chỉ minh họa nửa vời hoặc cải biên quá nhiều, không truyền tải được tư tưởng của nguyên tác, thậm chí là làm sai lệch tác phẩm thì thiệt hại mà nhà sản xuất phải gánh chịu là vô cùng lớn. Khi đó không chỉ là thất bại về doanh thu mà còn bị ảnh hưởng nặng nề cả về uy tín, sự nghiệp.

Chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học trao cơ hội và cũng đặt ra thách thức cho các nhà làm phim trong việc sáng tạo ra một “phiên bản” khác thông qua ngôn ngữ điện ảnh.

Thành công chỉ có thể đạt được nếu tác phẩm điện ảnh vừa tôn trọng tinh thần, giá trị cốt lõi của nguyên tác văn học, vừa mở ra một không gian sáng tạo mới cho các nhà làm phim, phù hợp với xu thế thời đại, mang lại sự hấp dẫn và đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khán giả. Và thành công đó cũng mới thực sự bền vững, tác phẩm điện ảnh mới có chỗ đứng lâu dài trong lòng khán giả.

Từ diễn biến của vấn đề đã cho thấy tâm lý tiếp nhận của người xem có “quyền năng” rất lớn đối với các tác phẩm điện ảnh nói chung cũng như các bộ phim được chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nói riêng.

Dù muốn hay không người xem cũng sẽ nảy sinh tâm lý so sánh, đối chiếu tác phẩm điện ảnh với nguyên tác văn học mà mình từng say mê. Trong không ít trường hợp, ấn tượng, cảm xúc quá mạnh mẽ từ tác phẩm văn học khiến nhiều người đặt kỳ vọng tác phẩm điện ảnh sẽ giúp mình được trải nghiệm lại những cảm xúc mãnh liệt, tuyệt vời đó.

Những cái hay cái đẹp được ấn định trong tâm trí nhiều người khiến họ không dễ dàng chấp nhận phiên bản điện ảnh với những cách khai thác khác không như họ hình dung, kỳ vọng.

Do đó trong một số trường hợp đã xuất hiện những phản ứng thái quá, thậm chí cực đoan. Tất nhiên không thể bắt buộc một cá nhân phải thay đổi ấn tượng, cảm xúc của mình đối với nguyên tác văn học, nhưng thiết nghĩ cũng cần có sự tiếp nhận cởi mở hơn với phiên bản điện ảnh.

Chúng ta không chấp nhận việc sáng tạo của nhà làm phim đến mức làm sai lệch lịch sử, khiến nhân vật trở nên méo mó, tuy nhiên việc tạo ra những tuyến nhân vật mới, mở không gian mới, trải nghiệm mới phù hợp với tinh thần của nguyên tác văn học, phù hợp với văn hóa, thời đại thì cũng cần được đánh giá và ghi nhận, vì đó là tinh thần sáng tạo mà người làm điện ảnh cần phải có.

Bên cạnh đó, nhà làm phim cần lắng nghe, tôn trọng cảm xúc của khán giả. Ngược lại, khán giả cũng cần trao cơ hội cho nhà làm phim để tạo nên không gian sáng tạo của riêng mình.

Đáng buồn là thời gian qua, đã xuất hiện những cách hành xử chưa thực sự văn minh. Chỉ vì không tán đồng một số chi tiết trong phim, với diễn xuất của diễn viên, một số khán giả đã nặng lời mạt sát đoàn làm phim, miệt thị cá nhân, lôi cả những chuyện đời tư để công kích.

Chẳng hạn, những ngày qua, liên quan đến bộ phim “Đất rừng phương Nam” thay vì chỉ giới hạn ở việc đánh giá, bình luận một cách công tâm, văn minh và thẳng thắn, diễn biến của sự việc ngày càng trở nên phức tạp khi có người đã tung ra tin giả “Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu nhà sản xuất phim ĐRPN (được nhiều người cho là viết tắt của Đất rừng phương Nam) chỉnh sửa các nội dung dư luận phản ánh”.

Ngày 18/10, chỉ sau 5 ngày kể từ khi chính thức ra mắt, trên mạng xã hội tràn ngập thông tin cho rằng bộ phim bị đình chỉ phát hành. Đồng thời thông tin về việc “báo đài Trung Quốc đăng bài về phim Đất rừng phương Nam và cảm ơn Việt Nam khi đã làm bộ phim về họ những năm 1920” cũng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt khiến dư luận vô cùng hoang mang. Tuy nhiên, các nội dung trên đều là tin giả.

Các biểu hiện không lành mạnh trên đây đã và đang tác động tiêu cực đến dư luận xã hội nói chung và các nhà làm phim nói riêng. Chia sẻ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên phần nào đã nói lên tâm tư của những người làm điện ảnh Việt Nam: “Sự tranh cãi là cần thiết và tích cực nhưng xin đừng cực đoan”.

Có lẽ đây là thời điểm rất cần các nhà làm phim, các đơn vị quản lý nhà nước, cơ quan chức năng và khán giả bình tĩnh, tôn trọng, lắng nghe nhau một cách thiện chí và cầu thị, công tâm và khách quan.

Trên cơ sở đó, những khúc mắc sẽ được giải quyết thỏa đáng. Và đây cũng là một trong những yếu tố cần thiết góp phần xây dựng một nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top