Cuốn sách “Truyện về Hồ Chí Minh” chứa đựng nhiều tư liệu quý về Người

14:45 - Thứ Hai, 23/10/2023 Lượt xem: 5511 In bài viết

“Truyện về Hồ Chí Minh” - ấn phẩm vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt bạn đọc - chứa đựng nhiều tư liệu quý, có giá trị, góp phần làm sáng rõ cuộc đời, sự nghiệp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến những năm đầu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được thành lập.

 

Cuốn sách chứa đựng nhiều câu chuyện cảm động và ấn tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuốn sách “Truyện về Hồ Chí Minh” do Nguyễn Hải Hoành và Dương Trung Dũng dịch từ một ấn phẩm tiếng Trung, PGS.TS Lê Văn Toan hiệu đính.

Theo Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, tháng 6-1949, Nhà Xuất bản Bát Nguyệt (Thượng Hải, Trung Quốc) đã xuất bản, phát hành cuốn sách dịch nghĩa là “Hồ Chí Minh truyện”, được Trương Niệm Thức dịch từ một tác phẩm của Trần Dân Tiên. Bản dịch tiếng Trung này không chỉ rõ nguyên tác được viết bằng ngôn ngữ nào, cũng không giới thiệu tác giả Trần Dân Tiên là ai. Về sau, cuốn sách này được Thư viện Quốc gia Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan, Trung Quốc) công bố rộng rãi trên mạng internet.

Cuốn sách cho thấy, vào giữa thế kỷ XX, lãnh tụ Hồ Chí Minh không chỉ có công lao to lớn đối với dân tộc Việt Nam mà còn có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là đối với các nước thuộc địa ở Á, Phi, Mỹ Latinh lúc bấy giờ. Vì vậy, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức biên dịch và xuất bản cuốn sách tiếng Trung này sang tiếng Việt với tinh thần tôn trọng và bám sát tối đa bản gốc từ nội dung đến hình thức thể hiện với tựa đề “Truyện về Hồ Chí Minh”.

Cuốn sách “Truyện về Hồ Chí Minh” gồm 36 câu chuyện. Mỗi câu chuyện được kể bởi những nhân vật được cho là đã từng làm việc, hoạt động cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hoặc viết nên từ các tư liệu lịch sử phong phú khác nhau.

Cuốn sách khắc họa rõ nét con người và những cống hiến của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới đầu thế kỷ XX, một tấm gương sáng ngời về tinh thần quốc tế cao cả bác ái và đấu tranh không ngừng nghỉ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Cuốn sách được kể bằng văn phong mộc mạc, cuốn hút, dễ hiểu, dễ nhớ; góp phần cung cấp nguồn tài liệu quý, làm sáng tỏ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong cuốn sách, có nhiều câu chuyện cảm động và ấn tượng. Có thể kể đến nhóm các câu chuyện số 11, 12, 13, kể về thời kỳ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Pháp, tham gia Đảng Xã hội Pháp và bắt đầu tìm hiểu về những vấn đề lý luận chính trị.

Lúc này, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc rất tích cực tham gia và hoạt động sôi nổi trong các chương trình của Đảng Xã hội Pháp, đặc biệt là các cuộc mít tinh bàn về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ mọi lúc mọi nơi, chắt chiu, dành dụm tiền để tìm mua và đọc sách, báo; sau đó là học viết báo và sáng lập ra báo "Người cùng khổ" với tôn chỉ là khơi dậy tinh thần đấu tranh chống thực dân và sự đoàn kết của các dân tộc thuộc địa…

Là nhà khoa học dành trọn cuộc đời mình với nghiên cứu Hán học, văn hóa, tư tưởng phương Đông, đảm nhận vai trò hiệu đính của cuốn sách, PGS.TS Lê Văn Toan (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, cuốn sách xuất bản năm 1949 bằng chữ Hán có thể do Trương Niệm Thức chuyển dịch từ một ngôn ngữ khác sang tiếng Hán nên cách diễn đạt bảo đảm được tư tưởng, nhưng về câu chữ thì diễn đạt theo văn phong Hán ngữ, mang phong cách của văn hóa, ngôn ngữ Trung Quốc. Chính vì vậy, khi biên dịch và hiệu đính cần chuyển ngữ sao cho vừa bảo đảm được tính chính xác về hàm nghĩa, bảo đảm được tính tường minh, khúc chiết của một tác phẩm truyện ký, lại vừa phải mang đậm văn phong của tiếng Việt để tạo sự gần gũi và rung cảm với độc giả Việt Nam.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top