Giếng làng - nét đẹp văn hóa các vùng quê Việt Nam

17:02 - Thứ Ba, 24/10/2023 Lượt xem: 5725 In bài viết

Cùng với cây đa, sân đình, từ bao đời nay, giếng làng đã trở thành một trong những biểu tượng vẻ đẹp của vùng quê Việt Nam, đặc biệt là ở đồng bằng Bắc Bộ.

Việc khôi phục lại giếng làng do cha ông xây dựng không chỉ góp phần tạo nên hình ảnh làng quê nông thôn vừa tươi mới lại vừa cổ kính, mộc mạc mà còn là cách để truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị vốn quý của văn hóa làng. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều giếng làng được người dân Ninh Bình chú trọng khôi phục, sửa chữa và giữ gìn.

Nơi lưu giữ tình làng, nghĩa xóm

Giếng làng nằm trong khuôn viên đình, chùa làng Yên Thành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư được xây dựng từ năm 1890. Theo những người cao tuổi ở địa phương kể lại, giếng làng được xây dựng ở vị trí "mắt rồng" trong tổng thể hình ảnh rồng chầu về đình, chùa làng Yên Thành. Giếng được đặt ở nơi cao ráo, thoáng mát, gần nơi tập trung cộng đồng. Hơn 130 năm qua, giếng làng Yên Thành là mạch nguồn chính phục vụ đời sống dân sinh của nhân dân trong làng, cung cấp nguồn nước mát lành để dùng trong sinh hoạt của người dân địa phương từ nấu ăn đến giặt giũ, tắm rửa… Giếng làng là không gian văn hóa, biểu tượng mang giá trị tinh thần của nhiều làng, xã.

Ông Nguyễn Ngọc Vị, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi làng Yên Thành, xã Trường Yên chia sẻ, trong ký ức của ông, giếng làng không chỉ có ý nghĩa cung cấp nước mà nơi đây còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Giếng làng chính là nơi chứng kiến bao sự kiện của làng, xóm từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cuộc sống ngày càng phát triển hơn. Người dân trong làng không còn dùng nước từ giếng nữa mà chuyển sang sử dụng nước máy phục vụ sinh hoạt. Nơi đây vẫn là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp của tình làng nghĩa xóm. Mỗi buổi chiều về, trẻ con trong làng vẫn ra đây vui đùa, người già vẫn chọn giếng làng là nơi gặp gỡ trò chuyện, kể cho nhau nghe chuyện cày cấy, đồng áng, những kỷ niệm về một thời cuộc sống nghèo khó, vất vả. Giếng làng vẫn tồn tại như một phần ký ức của người làng, rất cần được bảo tồn, phát huy trong đời sống hiện đại.

Xã Trường Yên hiện có trên 20 giếng làng. Cùng với những giếng làng vẫn thường xuyên tu bổ, sử dụng làm nơi sinh hoạt cộng đồng, xã Trường Yên đang tuyên truyền nhân dân khôi phục những giếng làng bỏ hoang lâu năm để phục vụ sinh hoạt văn hóa, gắn kết người dân và cũng là nơi con em quê hương hướng về nguồn cội. Bà Bùi Thị Thanh Nhàn, Công chức văn hóa - xã hội, xã Trường Yên cho biết, xã luôn coi giếng làng như một “báu vật’’ của làng quê, cùng với cây đa, sân đình đã gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử. Do đó, xã rất quan tâm, chú trọng bảo tồn giếng cổ. Công chức văn hóa - xã hội xã đã tích cực tham mưu cho UBND xã xây dựng đề án, đưa vào nghị quyết hàng năm để có kế hoạch bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giếng làng.

Giữ gìn nét văn hóa làng quê

Xác định được sự cần thiết cũng như tầm quan trọng của việc khôi phục, giữ gìn nét văn hóa làng quê, song song với việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhiều thôn, làng trên địa bàn huyện Hoa Lư đã tiến hành sửa chữa và khôi phục lại giếng làng xưa.

Thực hiện Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh Ninh Bình về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030, huyện Hoa Lư đã xây dựng kế hoạch và tuyên truyền, vận động các địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể và nhân dân cùng vào cuộc khôi phục, bảo tồn giếng làng gắn với phát triển du lịch của địa phương. Trong quá trình xây dựng, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc cải tạo đường giao thông nông thôn, nhân dân trên địa bàn huyện Hoa Lư đã đồng thuận đóng góp sức người, tiền của để xây dựng, sửa chữa giếng làng bằng các biện pháp như gia cố, xây hệ thống tường gạch bao quanh, kè đá để giữ cho giếng không bị sụt lún.

Không chỉ ở riêng huyện Hoa Lư, địa bàn tỉnh Ninh Bình còn rất nhiều địa phương còn bảo tồn, lưu giữ giếng làng. Trong đó, nhiều giếng làng nổi tiếng như giếng Ngọc nằm dưới chân núi chùa Bái Đính cổ, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Theo sử cũ ghi lại, giếng có cách đây khoảng 1.000 năm. Ngày nay, chùa Bái Đính cổ được tôn tạo và xây dựng, giếng Ngọc cũng được cho tu sửa lại. Hiện, giếng có hình mặt nguyệt, đường kính rộng gần 30m, độ sâu khoảng 6m, khuôn viên quanh giếng được xây dựng hình vuông có diện tích lên đến 6.000m2. Vào năm 2007, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp Bằng xác nhận kỷ lục “Ngôi chùa có giếng

Ông Trương Đình Tưởng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Ninh Bình cho biết, như một chứng nhân của lịch sử, người dân còn gắn cho giếng làng những câu truyện, truyền thuyết, huyền thoại mang tính nhân văn thể hiện nét văn hóa tâm linh của cả cộng đồng. Cuộc sống ngày càng hiện đại và phát triển, giếng làng không còn giữ vai trò quan trọng như trước đây nữa, nhưng không vì thế mà người dân lãng quên giếng làng. Giếng làng vẫn được gìn giữ không chỉ là để bảo tồn một vẻ đẹp truyền thống trong văn hóa làng quê mà còn là cách để phát huy hồn cốt của vùng nông thôn. Việc gìn giữ giếng làng không chỉ vì một công trình dân sinh mà còn là giữ gìn một nét đẹp văn hóa tâm linh.

Đặc biệt, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, dù cảnh quan môi trường ở các làng quê trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có rất nhiều thay đổi, nhưng những nét đẹp cảnh sắc độc đáo ở làng quê như cây đa, giếng nước, sân đình... vẫn luôn được các thế hệ tiếp nối chung tay bảo vệ, bảo tồn như biểu trưng cho nguồn sống, sinh khí tốt lành. Giếng làng đã và đang cần được gìn giữ, khôi phục để nhắc nhở các thế hệ mai sau luôn nhớ về cội nguồn.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top