Gìn giữ, trao truyền giá trị văn hóa tốt đẹp

10:45 - Thứ Hai, 06/11/2023 Lượt xem: 5603 In bài viết

Từ ngày 3-5/11, tại thành phố Lai Châu xinh đẹp và mến khách, lần đầu tiên diễn ra Ngày hội Văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10.000 người, Tuần Du lịch - Văn hóa tỉnh Lai Châu năm 2023. Lai Châu hân hoan được đón hàng nghìn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tiêu biểu của 14 dân tộc đến từ 11 địa phương trong cả nước. Với hàng loạt các hoạt động đậm bản sắc văn hóa của từng tộc người, ngày hội góp phần gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa đặc sắc của 14 dân tộc.

Ở Việt Nam, 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người (gồm: Si La, Lự, Cống, Bố Y, Ngái, Chứt, B’Râu, Rơ Măm, Ơ Đu, Mảng, Lô Lô, Pà Thẻn, Cơ Lao, Pu Péo) đang sinh sống ở 11 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình và Kon Tum. Văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người là di sản quý giá. Đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất, con người hay địa phương, mà còn là tài sản vô giá của quốc gia, góp phần làm nên sự đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Các giá trị văn hóa truyền thống luôn được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cùng các dân tộc thiểu số rất ít người chung tay củng cố, giữ gìn.

Vòng xòe đoàn kết tại Lễ khai mạc ngày hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Chính vì thế, trước sự giao thoa mạnh mẽ của các nền văn hóa trong nước với nước ngoài và giữa các dân tộc trong nước với nhau đã và đang đặt ra nguy cơ không còn tính nguyên vẹn của văn hóa mỗi tộc người. Do đó, sự kiện Ngày hội Văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10.000 người kết hợp với Tuần Du lịch - Văn hóa tỉnh Lai Châu năm 2023 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh tổ chức với chủ đề: “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”. Thông qua các hoạt động của ngày hội đã tạo ra một không gian văn hóa đặc biệt ý nghĩa để các chủ thể văn hoá, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các dân tộc rất ít người có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Nghi thức đón tiếng sấm đầu năm là tập tục cổ xưa, linh thiêng nhất của người Ơ Đu.

Đến với ngày hội, người dân và du khách được hòa mình vào không khí sôi động, tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao giàu bản sắc như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa; trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; trưng bày, chế biến và giới thiệu nghệ thuật ẩm thực; hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc. Ngoài ra còn có các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và chương trình gặp mặt tôn vinh, biểu dương các nghệ nhân tiêu biểu, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia ngày hội. Người dân và du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bộ trang phục truyền thống, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật được trình diễn công phu; được đắm mình vào không gian lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân trong các nghi lễ; tham gia các môn thể thao, trò chơi dân gian. Đến Lai Châu, các đoàn cũng được trải nghiệm, tham gia rất nhiều hoạt động ý nghĩa của Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023 như: Chương trình Famtrip khảo sát và kết nối các doanh nghiệp lữ hành trong nước, 3 tỉnh bắc Lào (Phông Sa Lỳ, U Đôm Xay, Luông Pha Băng) và Châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc); tham quan không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu trà, sâm, lan và sinh vật cảnh; giải đua mô-tô địa hình tỉnh Lai Châu mở rộng lần thứ I; giải Dù lượn đường trường PuTaLeng Việt Nam và leo núi “Chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn” mở rộng...

Đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm không gian văn hóa của dân tộc Pà Thẻn (tỉnh Cao Bằng).

Tại khu vực Quảng trường Nhân dân tỉnh những ngày qua, có lẽ ai đến đây cũng đều cảm nhận được niềm vui lấp lánh trong ánh mắt của các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên 14 dân tộc đến từ mọi miền của Tổ quốc. Chia sẻ cảm nhận khi đến với thành phố Lai Châu, chị Vàng Thị Kiếm (dân tộc Lô Lô đến từ tỉnh Cao Bằng) niềm nở: Lai Châu đẹp, đất trời Lai Châu trong veo không chút bụi bặm. Lần đầu tiên đến đây nhưng có lẽ tôi sẽ nhớ mãi mảnh đất này với cảnh quan tươi đẹp và tình người rộng mở. Còn nghệ nhân Thẩm Dịch Thọ, dân tộc Ngái (tỉnh Thái Nguyên) thì cho rằng: Ngày hội tái hiện lại một phần nghi thức lễ hội truyền thống của các dân tộc nhưng rất sinh động. Tôi cảm nhận được sự nguyên bản phản ánh đời sống sinh hoạt, tinh thần của đồng bào mỗi dân tộc.

Lễ Cầu mưa là một trong những nghi lễ quan trọng gắn với phong tục, tập quán, lao động của người Lô Lô.

“Tinh thần giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cùng nhau giữ gìn, tôn vinh, trao truyền những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình mà các đoàn có được không chỉ trong khuôn khổ của ngày hội, mà còn lan toả tinh thần này trong cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày tại cộng đồng, để văn hoá truyền thống các dân tộc nói chung, các dân tộc rất ít người nói riêng mãi mãi trường tồn” - lời khẳng định của bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định tại Lễ khai mạc Ngày hội đã gieo nhiều hy vọng khi ngày hội kết thúc. Mong rằng, các cấp, bộ, ngành trung ương và các địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, tổ chức thêm nhiều hoạt động để văn hóa của từng tộc người giữ được hồn cốt, nguyên bản mà không bị mai một theo năm tháng.

Theo baolaichau.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top