Tản văn

Thương mùa sương khói

09:43 - Thứ Năm, 09/11/2023 Lượt xem: 5371 In bài viết

ĐBP - Mùa này có những ngày thực tình người ta không biết sương xuống từ bao giờ. Sương xuống từ chiều hay đêm? Cũng có thể sương xuống từ lúc tờ mờ sáng, mặt trời còn chưa lên. Bà cụ hàng xóm cười bảo: “Chắc tại màn sương dày đặc nên mới không nhìn thấy ánh mặt trời. Chứ giờ này nhẽ ra mặt trời đã lên cao đến đỉnh dãy núi phía xa xa”. Lũ trẻ rúc sâu vào trong chăn khi thấy mẹ bật điện gọi dậy đến trường.

Những buổi sáng cuối tuần trở thành niềm ngọt ngào ấm áp. Khi mấy mẹ con có thể nằm bên nhau lâu hơn, hít hà da thịt nhau, rúc rích kể những câu chuyện không đầu không cuối. Ngoài cánh đồng sau nhà đã thấy lẫn trong sương bóng nón trắng nhấp nhô. Tôi chợt nhớ những mùa sương khói ấu thơ sống trong căn nhà nhỏ không cửa ngõ. Sương bay vào tận giường, phủ lên chiếc chăn bông lạnh ngắt. Cả nhà nằm co quắp lấy nhau, chăn hẹp, kéo bên này thì hở bên kia. Bố mẹ nằm chặn ở hai đầu.

 Gà gáy sáng, mẹ khẽ khàng trở dậy vội vàng nhóm lửa. Tiếng bẻ củi lách cách dưới bếp khua động buổi sớm mai lạnh lẽo. Mùi cơm rang thơm lừng đã lôi mấy anh em tôi bật dậy khỏi giường. Cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa, cơm độn sắn rang lên được mẹ nắm lại chia đều cho các con. Ngoài vườn lũ gà lục tục ra khỏi chuồng. Bố dắt bò ra đồng tranh thủ cày nốt thửa ruộng cho vụ đông xuân. Mẹ thò tay vào chậu nước lạnh ngắt, vớt sắn đã ngâm từ đêm trước ra băm. Trước khi đến trường tôi đội sương đi phơi sắn ngoài sân. Bàn chân bé nhỏ trong đôi dép mòn vẹt gót run lên vì buốt. Chỉ có ai sống ở núi rừng miền Bắc mới thấy được sự lạnh cóng của sương giá ngấm vào tận đốt xương, buốt lên tận óc. Nhưng cũng kì lạ lắm, chúng tôi cứ thế lớn lên không phải mất viên thuốc nào. Thương những ngày hanh nắng, co ro ngồi chờ chiếc áo bông duy nhất được mẹ vừa giặt vội phơi lên. Ngó xung quanh đâu cũng thấy trắng muốt sắn phơi và màu bàng bạc không rõ sương hay khói…

Ngày đó trẻ con chỉ học nửa ngày. Tan học, lóc cóc đạp chiếc xe cà tàng ì ạch leo lên những con dốc cao dựng đứng. Có khi đạp lên đến nửa chừng thì hết sức đành nhảy xuống dắt bộ, bụng sôi lên vì đói. Cơm còn chưa nuốt trôi đã thấy tiếng tụi bạn gọi nhau í ới ngoài đường. Tôi đuổi mấy chú bò đi thả, không quên ôm theo một cuốn sách trong người. Mặc lũ bò gặm cỏ, tôi nhặt củi mang về cho mẹ nấu cơm. Có khi phải trèo tít trên ngọn cây bạch đàn mới lấy được những cành củi to cho nhanh đầy bó. Hái xong thì nằm xuống cỏ thảnh thơi đọc sách, có khi quên cả lũ bò đã chạy vào vườn người ta phá phách. Sách đối với tôi là thế giới diệu kỳ hiện ra qua từng con chữ, lấp lánh và sống động. Ngày đó nghèo, sách hiếm, tôi thường mượn đâu đó từ chúng bạn. Những cuốn sách rách đầu rách cuối, đọc dang dở nửa chừng càng khiến tôi tò mò, thích thú. Tôi đọc cho đến khi sương chiều xuống ướt lạnh cả tóc mới nhớ ra đã tối. Ðàn bò no cỏ thong thả men theo đường mòn về nhà tự lúc nào. Tôi vội vàng khom lưng cõng củi, đi giữa nhập nhoạng sương chiều, mà tâm trí vẫn chưa rời trang sách. Dưới cánh đồng đám trẻ khác mải chơi trò thổi lửa nấu cơm bằng ống bơ, cũng quên cả đường về. Tiếng những người mẹ gọi con vang qua dãy đồi, thắt thẻo. Chẳng mấy chốc sương xuống phủ kín cả làng quê bé nhỏ, bếp nhà vang lên tiếng nước sôi trong ấm nhôm, lục bục. Mẹ vừa dọn mâm bát vừa giục các con rửa ráy chân tay nhanh kẻo lạnh. Tôi ngó ra cổng chờ bố đi làm về, giũ chiếc áo bám màu vôi vữa.

Tôi đã đi qua hơn ba mươi mùa sương khói. Có nhiều năm ở phố sương lẫn trong khói bụi và chật chội phận người. Tôi vẫn nhận ra sương bởi sự thân thuộc không cách gì lý giải. Có thể với nhiều người sương là một phần sự khắc nghiệt của thời tiết vùng miền. Nhưng với tôi sương cũng giống một món quà, có lạnh nhưng có ngọt. Sương ngấm trong mái tóc mẹ cha một đời tần tảo. Sương lẫn trong khoai sắn ấu thơ nuôi tôi lớn từng ngày…

Vũ Thị Huyền Trang
Bình luận
Back To Top