Sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong bảo vệ, phát huy di sản văn hóa

10:59 - Thứ Ba, 14/11/2023 Lượt xem: 2861 In bài viết

Sau hơn 20 năm thực thi Luật Di sản văn hóa, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được một số thành tựu quan trọng, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, đến nay nhiều quy định của Luật này đang không còn phù hợp với xu thế phát triển và cần có những điều chỉnh.

Đây là nhận định chung của nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu tại Hội nghị - Hội thảo xin ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức ngày 13/11 dưới hình thức trực tiếp tại Hà Nội, trực tuyến tại 44 điểm cầu trong cả nước.

Huy động nhiều nguồn lực

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, là bước cụ thể hóa chính sách về bảo tồn di sản văn hóa theo Hiến pháp năm 1992 và tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII), cùng các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên. Với nỗ lực và sức đóng góp của toàn xã hội, qua hơn 20 năm thực thi, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được một số thành tựu quan trọng, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và quốc tế ghi nhận, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội…

Tuy nhiên, đến nay, nhiều quy định trong Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001 đã không còn phù hợp với thực tiễn. Việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành, đề xuất chính sách đảm bảo phân định rõ các chính sách có tính chất kế thừa, các chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới trên tinh thần phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan…

Dự thảo Luật tập trung vào 3 chính sách đã được Quốc hội thông qua, trong đó có chính sách về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Ông Cương cũng cho biết, hiện nay, trên cả nước có gần 4.000 di tích quốc gia, gần 130 di tích quốc gia đặc biệt và có trên 40.000 di tích, 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 498 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước thì sẽ khó bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, di sản. Vì vậy, các quy định trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được xây dựng theo hướng tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích được cho là còn nhiều vấn đề phải bàn.

Đề xuất điều chỉnh nhiều chính sách cụ thể

Dịp này, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, đơn vị trong lĩnh vực di sản văn hóa cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập, đồng thời  thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề. TS Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ cho rằng, hiện nay, việc thực hiện chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào việc vinh danh thông qua các danh hiệu, cụ thể là danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian… Các danh hiệu này bị chi phối bởi Luật Thi đua, Khen thưởng và các chính sách cũng đang chỉ tập trung vào nghệ nhân đã có danh hiệu. Không những thế, các chính sách hỗ trợ đi kèm theo đó lại đang được thực hiện theo “công thức” áp dụng cho “hộ nghèo”.

Bên cạnh đó, nhiều loại hình di sản của một số cộng đồng có nguy cơ bị mai một, biến đổi khi chưa được bảo vệ hoặc kiểm kê, ghi danh. Nhiều di sản chưa có Đề án bảo vệ phát huy giá trị (đặc biệt đối với các Di sản được UNESCO ghi danh) theo cam kết thực hiện với UNESCO. Còn có hiện tượng lợi dụng thực hành di sản để trục lợi, làm sai lệch, thậm chí biến dạng giá trị của di sản…

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cũng cho hay, phần lớn (hơn 80%) di tích trong khu phố cổ Hội An thuộc về quyền sở hữu của tư nhân và tập thể. Chủ nhân thực sự của di sản là chủ sở hữu các di tích. Họ không chỉ là chủ nhân nắm giữ các di tích mà còn đang thực hành, bảo lưu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gìn giữ “phần hồn” của di sản với những tập quán xã hội truyền thống của cư dân đô thị, những món ăn truyền thống, những lễ hội văn hóa cộng đồng… Sự mất - còn của di sản phụ thuộc vào ý thức, sự đồng hành của các chủ sở hữu. Vì thế, Luật Di sản văn hóa cần có những quy định cụ thể, có tính đặc thù về vấn đề sở hữu di tích, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di tích để đảm bảo về mặt quản lý nhà nước và thực thi các giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản được hiệu quả.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng thì đề nghị, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần quan tâm điều chỉnh một số loại hình di sản mới xuất hiện và định hình như: Di sản tư liệu, Di sản số, Di sản công nghiệp. Ban soạn thảo nên cân nhắc bổ sung những quy định về các điều kiện cụ thể cho việc đào bới, mò lặn săn lùng, sưu tầm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nhằm khuyến khích các nhà sưu tập, nhưng vẫn ngăn chặn được các hành vi đào bới, mò lặn săn lùng cổ vật trái phép, bảo vệ được các di vật, cổ vật trong lòng đất và dưới nước, tạo điều kiện pháp lý cho việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phương diện này.

“Nên thiết kế một vài điều luật quy định về việc tham gia các Công ước quốc tế về di sản văn hóa, trong đó có các Công ước, Hiến chương, Khuyến nghị… về bảo vệ cổ vật để làm cơ sở cho việc thành lập một tổ chức chuyên trách về việc nghiên cứu, tìm hiểu, lập hồ sơ các cổ vật của nước ta bị đánh cắp trong các thời kỳ trước đây và nay bị xuất khẩu trái phép ra nước ngoài, hiện nằm trong các bảo tàng, sưu tập tư nhân để chủ động đấu tranh hồi hương các cổ vật đó, bớt bị động như thời gian qua. Khi chúng ta có đầy đủ hồ sơ, tư liệu về một cổ vật hoặc một sưu tập cổ vật được đưa ra nước ngoài trái phép sẽ dễ dàng hơn cho việc đấu tranh để hồi hương các cổ vật đó và cũng đỡ tốn kém hơn khi phải mua qua đấu giá như thời gian qua”, ông Hùng đề nghị.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top